Có nhiều kiểu quấy rồi, khủng bố tinh thần người thân, người quen của con nợ từ các app tín dụng đen khiến cho không ít người phải sống trong cảnh hoang mang, sợ hãi.
Với dân số 95 triệu người cùng nhu cầu rất lớn trong việc mua sắm, tiêu dùng, Việt Nam được xem là điều kiện thuận lợi và là thị trường khổng lồ cho lĩnh vực vay tiêu dùng phát triển. Tuy nhiên, trong sự phát triển nhanh thì lĩnh vực cho vay tiêu dùng hiện nay cũng tồn tại nhiều vấn đề.
Hiện vay tiêu dùng có 3 kênh chính: Cầm đồ, tín dụng đen; Ngân hàng, quỹ tín dụng nhân dân; Công ty tài chính là định chế hợp pháp. Trong đó, tín dụng đen là vấn đề nhức nhối, mà ở đó chúng ta không thể không nói đến việc “nở rộ” các app vay tiền online với điều kiện thủ tục vay đơn giản như: Fvay, Tienoi, Ovay, Tamo.vn, Oncredit, ivay365.com…
Thời gian cuối năm và cận Tết Nguyên đán cũng là “thời điểm vàng” để hàng loạt các tổ chức tín dụng đen, trong đó có các app vay tiền online tiến hành thu hồi nợ. Đáng chú ý, trong khoảng 2 năm trở lại đây, một phần do ảnh hưởng của dịch COVID-19 khiến một bộ phận người vay mất khả năng chi trả. Và màn kịch tra tấn, khủng bố tinh của các app tín dụng đen bắt đầu.
Theo đó, khi cho vay tiền, đến thời hạn trả nợ, không đòi được, các app tín dụng đen đã nghĩ ra đủ các chiêu trò để bằng mọi cách thu được tiền về. Bản thân người vay khi không còn khả năng thanh toán thường tìm cách lẩn tránh, và lúc này nhân viên của các app cho vay sẽ quay sang quấy rối, khủng bố tinh thần người thân, người quen của người vay. Mục đích không gì khác là nhằm gây áp lực với họ, buộc họ trả nợ thay người thân, người quen, hoặc yêu cầu người vay trả tiền cho chúng.
Đây là những người mà các đối tượng tìm cách điều tra được, hoặc có tên trong danh bạ điện thoại của người vay mà lúc trước trong điều kiện cho vay, các app đã yêu cầu người vay phải cho chúng truy cập.
Thực tế, để thu hồi nợ, nhiều app vay tiền online nghĩ ra nhiều chiêu thức tạo áp lực mạnh hơn với các con nợ và những người quen, người thân xung quanh. Chẳng hạn: Gọi điện đòi tiền thông qua những đầu số sim rác trên mạng viễn thông di động; Thông qua mạng xã hội để đưa thông tin sai sự thật, xúc phạm, xuyên tạc danh dự, nhân phẩm người khác…
Càng không thể chấp nhận được đó là các đối tượng đòi nợ của các app vay tiền sẵn sàng xúc phạm danh dự, nhân phẩm người thân của người vay khi bêu rếu nhân phẩm, thậm chí còn lập bàn thờ cúng người thân (bố mẹ, con cái) của người vay. Chỉ cần người ngoài nhìn vào cũng đủ khiến chúng ta rùng mình rồi, nói gì đến tâm trạng của người trong cuộc.
Một người thân của người vay hoang mang nói: “ Chồng em có vay từ app vay tiền – Fvay một khoản mấy triệu gì đó. Thời gian qua làm ăn khó khăn nên chưa trả được. Thế là bên app đó gọi điện, nhắn tin đòi tiền bằng nhiều số điện khác nhau. Quấy rối, khủng bố tinh thần bằng cách xúc phạm danh dự nhân phẩm của người thân, bạn bè. Em thấy hoang mang, bất an, nhục nhã quá”.
Thực tế trên cho thấy, các vụ việc quấy rối, khủng bố tinh thần người vay và người thân của người vay có chiều hướng phức tạp. Nó đang gây sự bức xúc trong dư luận và ảnh hưởng không tốt đến vấn đề an ninh trật tự, an toàn xã hội.
>>Gia tăng tín dụng chính thức “đè bẹp” tín dụng đen
Có thể hiểu được nỗi bức xúc, hoang mang của một bộ phận người dân khi bất đắc dĩ phải tìm đến các app vay tiền online, tổ chức tín dụng đen nhưng bị mất khả năng chi trả và bị đòi nợ bằng cách khủng bố tinh thần như đề cập ở trên. Nhưng việc tìm ra và xử lý được các đối tượng cũng không hề đơn giản.
Nói vậy vì dù đã có một số quy định mới, nhưng cho đến nay, Việt Nam chưa có hành lang pháp lý chặt cho hoạt động cho vay ngang hàng, vay qua app. Cũng chưa có chính sách rõ ràng… nên mới bị tình trạng như hiện nay. Điều này khiến các doanh nghiệp fintech chân chính lo lắng trong khi những doanh nghiệp làm “lậu”, các app tín dụng đen dễ chiếm lĩnh thị trường.
Theo một báo cáo của Bộ Công an nêu: “Một số ứng dụng cho vay ngang hàng cũng sử dụng thủ đoạn lách lãi suất bằng cách thu thêm khoản phí dịch vụ; lãi suất và phí dịch vụ có thể lên đến 700%/năm. Hoạt động cho vay ngang hàng ở Việt Nam hiện chưa có quy định pháp luật để quản lý, tiềm ẩn nhiều rủi ro. Trong khi các công ty này phần lớn là người nước ngoài (chủ yếu Trung Quốc) điều hành, không đặt máy chủ ở Việt Nam nên khó khăn cho công tác quản lý, kiểm soát rủi ro về an ninh mạng, an toàn thông tin”.
Khó khăn trong quá trình đấu tranh phòng ngừa các hoạt động tín dụng là thấy rõ. Thế nhưng, không phải khó là không làm được và không có cách. Ông Trần Viết Quân (nhà sáng lập ứng dụng Tanca.io) khuyến cáo: “Người dân trước khi cài đặt các ứng dụng liên quan đến tài chính nên xem các nội dung đánh giá của người dùng khác trên kho tải. Sau đó truy cập vào website chính thức của ứng dụng để xem về độ tín nhiệm của sản phẩm…
Với cơ quan chức năng, đề xuất biện pháp cơ quan chức năng nên có bộ phận rà quét, xử lý những ứng dụng cho vay không phép. Điều này không khó nếu chúng ta tổ chức được một kênh tiếp nhận và thực thi xác minh thông tin phản ảnh từ người dân một cách nhanh chóng”.
Điều này cũng có nghĩa, ngoài việc trông chờ sự vào cuộc quyết liệt của cơ quan chức năng. Người dân nên tìm đến các tổ chức tín dụng chính thống, cẩn thận với các ứng dụng, website cho vay trên mạng, đọc kỹ thông tin nhằm tránh bị các đối tượng lừa. Không cho các ứng dụng, website này được quyền truy cập vào danh bạ, các tài khoản mạng xã hội cá nhân…
Nếu bị các đối tượng cho vay kiểu tín dụng đen quấy rối, khủng bố như trên, đề nghị trình báo với Công an, Thanh tra Sở Thông tin và Truyền thông địa phương. Còn khi nghi ngờ một trang web có dấu hiệu liên quan đến tín dụng đen, người dân có thể chủ động cảnh báo tới các cơ quan chức năng, qua đó chung tay đẩy lùi tín dụng đen.
Có thể bạn quan tâm
05:00, 19/12/2021
00:24, 16/12/2021
11:38, 06/12/2021
04:00, 04/12/2021
09:12, 03/12/2021
14:30, 02/12/2021
05:11, 07/11/2021
04:00, 17/05/2021
05:30, 26/03/2021
04:13, 26/03/2021