Thế giới đang đối mặt với tình trạng lạm phát khá tồi tệ. Và nếu người dân càng sợ lạm phát thì vô hình trung lại càng đẩy lạm phát nặng hơn.
>>Lạm phát của Việt Nam trong năm nay khó duy trì dưới 4%
Khi bị áp ảnh, liên tiếp suy nghĩ về lạm phát, cả doanh nghiệp lẫn cá nhân đều cảm thấy không ổn về tài chính. Và đây là điều kiện lý tưởng để “tâm lý lạm phát” phát triển.
Theo các nhà kinh tế học, tâm lý lạm phát xảy ra khi: Người tiêu dùng tăng tốc độ mua sắm hoặc mong muốn mức lương cao hơn vì họ tin rằng giá cả sẽ tiếp tục tăng; Các doanh nghiệp tăng giá vì dự đoán rằng mặt bằng giá cả sẽ tiếp tục tăng
Một con số để tham khảo là vào Tháng Hai 2022, giá cả khắp nước Mỹ tăng 7,9% so với cùng kỳ năm ngoái. Khi đó, nếu người Mỹ muốn sống giống như năm ngoái, họ phải bỏ thêm khoảng 5.000 USD.
Theo giới kinh tế, có ba nguyên nhân căn bản dẫn đến tình trạng lạm phát này: Thứ nhất, thiếu hụt nguồn cung do dịch, vì nhiều nhà máy phải đóng cửa. Thứ hai, nhu cầu cao hơn dự kiến, vì tiền lương tăng, nhu cầu mua sắm bị dồn nén thời gian trước, các đợt kích cầu từ chính phủ. Thứ ba, cuộc chiến Nga - Ukraine khiến giá dầu tăng, giá thực phẩm tăng
Khi chỉ ra được ba nguyên nhân này, thì giải pháp được đề ra là: đẩy mạnh chuỗi cung ứng, kiểm soát nhu cầu mua sắm (chẳng hạn thông qua tăng lãi suất) và đàm phán chấm dứt khủng hoảng ở Ukraina. Tuy nhiên giải pháp xác định rất dễ, nhưng thực hiện lại rất khó. Đơn cử là chẳng một ai biết khi nào chiến tranh ở Ukraina kết thúc hay khi nào COVID-19 chấm dứt ở Trung Quốc để chuỗi cung ứng liên thông trở lại.
Và khi tâm lý sợ lạm phát bắt đầu xuất hiện sẽ thường kéo theo 3 xu hướng: Một là, người lao động yêu cầu tăng tiền lương để bù đắp vào khoảng tăng giá cả. Hai là, người tiêu dùng nhanh chóng mua sắm hàng hóa để tránh bị mua với giá cao hơn trong tương lai. Thậm chí một nghiên cứu cho thấy nếu người tiêu dùng dự kiến sẽ có lạm phát, thì tỷ lệ mua những mặt hàng dùng lâu dài (như xe hơi, tủ lạnh, v.v.) tăng lên hơn 8%. Ba là, doanh nghiệp tăng giá vì dự đoán chi phí tăng, nhu cầu tăng.
Hay nói cách khác, nhu cầu tăng lương tăng giá để chống chọi với lạm phát trong tương lai khiến lương và giá cả tiếp tục tăng, kéo theo lạm phát tiếp tục kéo dài. Những điều này tạo thành một vòng lặp liên tục.
Doanh nghiệp và cá nhân biết lạm phát cuối cùng cũng sẽ phải kết thúc ở một thời điểm nào đó. Nhưng họ muốn thu lợi nhiều nhất có thể trước khi kết thúc. Vậy nên họ “chạy theo” chu kỳ đó nhanh hơn, tức là liên tục đòi tăng tiền lương, tăng giá cả. Tâm lý này càng phổ biến thì chu kỳ lạm phát càng kéo dài và càng khó giải quyết.
>>Kinh tế khó khăn khiến lạm phát giữ ở mức thấp trong 2021
Trong bài phát biểu liên bang 1971, Tổng thống Richard Nixon của Mỹ từng nói rằng tâm lý lạm phát ăn sâu vào nước Mỹ quá lâu. Ông cố gắng ngăn chặn nó bằng cách thiết lập các biện pháp kiểm soát tiền lương và giá cả, nhưng kế hoạch thất bại. Người kế nhiệm ông cũng không kiềm chế lạm phát thành công.
Chu kỳ lạm phát đó kéo dài từ năm 1965 và chỉ kết thúc vào đầu những năm 1980 khi Chủ Tịch Cục Dự Trữ Liên Bang Paul Volcker tăng lãi suất từ 10% lên 20%, khiến nền kinh tế rơi vào suy thoái.
Còn ở đợt lạm phát lần này, chuyên gia kinh tế Richard Curtin chỉ ra rằng có nhiều dấu hiệu trái chiều về tâm lý lạm phát trong một cuộc khảo sát. Chẳng hạn có 10% người được khảo sát cho biết đang mua thêm hàng vì sợ tăng giá. Tỷ lệ này của năm 1970 là 50%.
Tuy nhiên tin xấu là có 49% không đánh giá cao các chính sách kinh tế của chính phủ Mỹ hiện nay, tăng 12% so với số liệu hồi tháng 2/2021. Tức là người dân lo sợ chính phủ không có những biện pháp đúng để ngăn chặn lạm phát.
Điều này khá nguy hiểm, bởi vì càng sợ lạm phát, người ta càng hành động để phòng thủ, và chính những hành động đó làm tăng thêm lạm phát. Và vì kinh tế thế giới đang dựa trên đồng đô la, nên lạm phát ở Mỹ sẽ kéo theo lạm phát toàn cầu.
Có thể bạn quan tâm