Theo Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc, cần phát triển thương hiệu quốc gia sâm Ngọc Linh, xây dựng ngành công nghiệp tỷ đô ngang tầm với các nước trên thế giới.
>>Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc: Sâm Ngọc Linh phải hướng đến “quốc kế dân sinh”
Sâm Ngọc Linh đã mang lại nhiều thành tựu lớn cho hai tỉnh Quảng Nam và Kon Tum từ phát triển kinh tế - xã hội, dược liệu đến bảo vệ rừng, xóa đói giảm nghèo,... Từng bước, giá trị của cây sâm được công nhận, được quan tâm đầu tư xứng đáng để hình thành một địa danh về sâm Ngọc Linh, một ngành công nghiệp sâm ra đời đáp ứng đủ nhu cầu của thị trường.
Từ những giá trị của cây sâm Ngọc Linh, việc chế biến, sản xuất cần được chú trọng hơn để đa dạng hóa các sảm phẩm tung ra thị trường. Trong đó, sản phẩm dược liệu, thực phẩm chức năng,... sẽ chính là “đích đến” để phát triển tiêu thụ tại Việt Nam cũng như trên toàn thế giới, cạnh tranh với các thương hiệu lớn.
“Ngoài những giá trị về sức khỏe, sâm Ngọc Linh còn ẩn giấu tiềm năng kinh tế to lớn, đồng thời là cơ hội để khẳng định niềm tự hào dân tộc như Hàn Quốc đã tự hào về nhân sâm của họ. Chúng ta hoàn toàn có cơ sở để phát triển một ngành công nghiệp trồng và chế biến sâm Ngọc Linh thực thụ của Việt Nam với 1 tỷ đô la giá trị sản xuẩt và xuất khẩu trong thời gian đến”, Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc khẳng định.
Để gặt được thành quả, Chủ tịch nước yêu cầu các bên liên quan phải thực hiện nghiêm túc bài bản, không chỉ ở các tỉnh Kon Tum, Quảng Nam mà còn nhiều tâm huyết trong triển khai chiến lược, sự hậu thuẫn mạnh mẽ của Chính phủ, các Bộ các ngành. Kể cả các ngành rất xa với sâm Ngọc Linh nhưng mà rất gần với quản lý đó là Quản lí thị trường và Công an để tránh tình trạng lẫn lộn sâm giả.
Do đó, Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc yêu cầu thực hiện đồng thời vừa bảo tồn, vừa phát triển cây sâm Ngọc Linh, bảo tồn để đạt giá trị cao hơn, nâng tầm giá trị về mặt kinh tế, sức khỏe kể cả về thể chất và tinh thần, ưu tiên trước hết cho nguời Việt Nam. Cần các nhà sản xuất và các cơ quan nghiên cứu, phát triển ngành sâm đại chúng hoá, đa dạng hóa sản phẩm, từng bước đưa sâm Ngọc Linh đáp ứng đa dang sản phẩm từ thấp đến cao trong thị trường toàn cầu.
Ông Hồ Quang Bửu, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Nam cho hay địa phương định hướng phát triển sản xuất cây sâm Ngọc Linh được xác định là ngành kinh tế mũi nhọn, gắn phát triển sản xuất sâm Ngọc Linh với phát triển kinh tế - xã hội ở các huyện miền núi của tỉnh. Đồng thời, phát triển sản xuất sâm Ngọc Linh theo hướng bền vững, gắn với công tác quản lý bảo vệ rừng, bảo vệ môi trường sinh thái, đa dạng sinh học, thích ứng với biến đổi khí hậu...
“Để phát triển thị trường đầu ra sản phẩm, xứng tầm với thương hiệu “Sản phẩm Quốc gia”, Chính phủ cần sớm ban hành Chương trình phát triển sâm Ngọc Linh (Sâm Việt Nam) đến năm 2030, định hướng đến 2045. Bộ NN&PTNT nhanh chóng xây dựng bộ tiêu chuẩn sản xuất giống, quy trình trồng, thu hoạch,... phù hợp với thông lệ quốc tế để sản phẩm sâm Ngọc Linh đủ điều kiện tiếp cận với thị trường thế giới”, ông Hồ Quang Bửu kiến nghị.
Trong khi đó, ông Hoàng Đông Anh, Tổng Giám đốc Công ty CP Nông sản và Dược liệu Trà My cho rằng, doanh nghiệp sẽ tự động đổ về khi hạ tầng các địa phương phát triển. Trong giai đoạn đầu của ngành công nghiệp sâm cần nhiều đơn vị cùng hỗ trợ để sản xuất, chế biến sâm Ngọc Linh tung ra thị trường.
“Các địa phương cần hình thành Trung tâm nghỉ dưỡng dược liệu để thu hút thêm các doanh nghiệp về du lịch, sản xuất,... đến đầu tư. Cơ chế đã mở, nhưng hạ tầng cũng là một yếu tố không kém phần quan trọng đối với quá trình thu hút đầu tư”, ông Hoàng Đông Anh nhận định.
Có thể bạn quan tâm