Triển khai mô hình kinh tế tuần hoàn (KTTH) là một xu hướng tất yếu và đang được áp dụng mạnh mẽ ở nhiều quốc gia trên thế giới. Việt Nam không là ngoại lệ trong xu hướng đó.
>>> Lộ trình chuẩn bị và triển khai EPR: Những giải pháp thực thi
Việt Nam hiện đang hướng tới và chú trọng triển khai mô hình kinh tế tuần hoàn (KTTH) với mục tiêu tìm kiếm giải pháp giữa phát triển kinh tế và bảo vệ môi trường, ứng phó với biến đổi khí hậu, đảm bảo phát triển bền vững. Từ kết quả nghiên cứu đánh giá của 100 doanh nghiệp tiêu biểu tại các khu công nghiệp tại TP.HCM, là địa phương đã thu hút phát triển công nghiệp từ rất sớm và hiện nay đang bước vào giai đoạn hậu công nghiệp cùng với sự lấn át dịch vụ phát triển nhanh trong bối cảnh siêu đô thị, đã chỉ ra rào cản quan trọng của doanh nghiệp khi chuyển sang mô hình KTTH là doanh nghiệp không có khả năng tự thân triển khai quy trình tái chế và tái sử dụng các sản phẩm đầu ra của mình. Trong khi đó, rào cản khách quan khi thực hiện mô hình KTTH là hành lang pháp lý và các chính sách hỗ trợ doanh nghiệp phát triển KTTH chưa rõ ràng và chưa hiệu quả.
Theo Luật Bảo vệ môi trường năm 2020, kinh tế tuần hoàn (circular economy - CE) là mô hình kinh tế, trong đó các hoạt động thiết kế, sản xuất, tiêu dùng và dịch vụ nhằm giảm khai thác nguyên liệu, vật liệu, kéo dài vòng đời sản phẩm, hạn chế chất thải phát sinh và giảm thiểu tác động xấu đến môi trường.
Lợi ích của doanh nghiệp khi chuyển sang mô hình KTTH
Lợi ích kinh tế: Nền KTTH mang lại nhiều lợi ích cho các quốc gia, giúp tiết kiệm chi phí, giảm thiểu sự biến động giá và rủi ro đến từ các nhà cung cấp, gia tăng tính đổi mới sáng tạo bằng việc thay thế các sản phẩm. Đến năm 2030, lợi ích của nền KTTH có thể đem lại 4,5 nghìn tỷ USD và hỗ trợ 10/17 chỉ tiêu về phát triển bền vững của Liên hiệp quốc (United Nations Environmental Programme, 2022). Các lợi ích kinh tế của doanh nghiệp triển khai mô hình KTTH bao gồm tiết kiệm được tài nguyên và chi phí đầu vào, giảm chi phí phát sinh từ quy định luật pháp về môi trường, thuế và bảo hiểm và mở rộng cơ hội tiếp cận thị trường xanh.
KTTH giúp doanh nghiệp có động lực đầu tư đổi mới công nghệ và khả năng nâng cao tốc độ chuyển đổi số và công nghệ phù hợp với bối cảnh cách mạng 4.0. Việc nghiên cứu đẩy mạnh đổi mới công nghệ, chuyển từ thế giới thực sang thế giới số sẽ là cơ hội lớn để thực hiện phát triển KTTH, mang lại hiệu quả tăng trưởng cao hơn so với cách thức tăng trưởng trước đây. Các doanh nghiệp áp dụng mô hình KTTH sẽ thu được nhiều lợi ích như tránh được các điều chỉnh luật pháp khác về khai thác tài nguyên và bảo vệ môi trường và lợi nhuận gia tăng từ sản phẩm đầu ra do sử dụng quy trình tái chế. Các doanh nghiệp còn có cơ hội sản xuất với chi phí thấp bằng cách cung cấp các sản phẩm và dịch vụ có nhiều chức năng sử dụng và tài nguyên.
Lợi ích xã hội: KTTH có thể làm gia tăng ý thức cộng đồng, và chia sẻ chức năng vật lý của sản phẩm và dịch vụ trong nhóm thay vì sở hữu cá nhân. KTTH tạo cơ hội thể hiện trách nhiệm kinh doanh mới với cộng đồng và khách hàng của doanh nghiệp. KTTH giúp nâng cao nhận thức của người dân về tái sử dụng, tái chế chất thải, hạn chế tiêu dùng các mặt hàng sử dụng một lần không cần thiết; mở rộng trách nhiệm của nhà sản xuất để hỗ trợ thực hiện 100% tỷ lệ tái chế chất thải thành nguyên liệu.
>>>Đầu tư ESG và những vấn đề của doanh nghiệp
Cơ hội việc làm mới từ việc sử dụng giá trị gia tăng của tài nguyên khi doanh nghiệp triển khai mô hình KTTH và dự báo 50.000 việc làm mới có thể được tạo ra ở Anh và 54.000 ở Hà Lan. KTTH sẽ nhận được sự ủng hộ và đồng thuận cao từ toàn xã hội, tạo dựng hình ảnh, trách nhiệm kinh doanh mới với cộng đồng và khách hàng. Đây là một nguồn động lực rất lớn nhằm đẩy mạnh phát triển mô hình KTTH.
Lợi ích môi trường: Doanh nghiệp giảm thiểu nguồn nguyên liệu đầu vào qua quy trình tái chế từ KTTH và từ đó giảm tác hại đến môi trường; doanh nghiệp sử dụng nguồn lực theo hướng tái tạo nhiều lần trong quy trình sản xuất - tiêu thụ. KTTH thông qua việc đo lường, kiểm soát các hoạt động từ phía nhu cầu có thể giúp giảm hơn một nửa lượng khí thải phát ra từ các ngành công nghiệp.
Cách tiếp cận KTTH mang lại những lợi ích môi trường và xã hội, là cơ sở tiền đề để thực hiện các mục tiêu phát triển bền vững thông qua đảm bảo sản xuất và tiêu dùng bền vững như: giảm tỷ lệ hiện nay về suy giảm tài nguyên, gìn giữ cho đáp ứng nhu cầu của thế hệ tương lai.
Phát triển KTTH giúp doanh nghiệp giảm phụ thuộc vào nguyên liệu, tận dụng tối đa tài nguyên thiên nhiên, sử dụng công nghệ sạch, công nghệ phát thải carbon thấp, góp phần hạn chế tối đa chất thải, khí thải ra môi trường, giảm tác động tiêu cực của biến đổi khí hậu.
Rào cản của doanh nghiệp trong triển khai mô hình KTTH
Rào cản của doanh nghiệp trong việc triển khai mô hình KTTH có thể chia làm hai nhóm chính: Rào cản từ nội tại của doanh nghiệp và Rào cản từ cơ chế, chính sách nhà nước.
Về nội tại, các doanh nghiệp thường thiếu năng lực về công nghệ về tái chế, tái sử dụng các sản phẩm đã qua sử dụng; khó thay đổi ngay thói quen sản xuất và tiêu dùng của toàn xã hội hiện nay đối với nhiều sản phẩm dễ sử dụng như túi nilon, sản phẩm nhựa dùng một lần sang chỉ sử dụng những vật liệu, sản phẩm có thể tái chế, tái sử dụng hoàn toàn. Đặc biệt, các doanh nghiệp có quy mô vừa và nhỏ gặp nhiều khó khăn trong việc đầu tư đổi mới công nghệ.
Tại Tây Ban Nha, Merli, Preziosi, and Acampora chỉ ra hai loại rào cản đối với các doanh nghiệp nhỏ và vừa: Rào cản cứng là các yếu tố như thiếu nguồn lực tài chính, thiếu công nghệ, thông tin, chính sách. Rào cản mềm là các yếu tố liên quan đến nhận thức và ý thức của các bên liên quan như chính phủ, các nhà sản xuất, khách hàng.
Về cơ chế, chính sách nhà nước, các rào cản có thể kể đến bao gồm:
Thứ nhất, thiếu chính sách định giá tài nguyên khiến cho giá tài nguyên vẫn tương đối rẻ, dẫn đến không khuyến khích sử dụng hiệu quả các nguồn lực hoặc không khuyến khích chuyển đổi sang KTTH;
Thứ hai, các cơ quan công quyền thiếu các chính sách khuyến khích phát triển KTTH và mua sắm bền vững;
Thứ ba, thiếu đầu tư đổi mới cơ sở hạ tầng và công nghệ tái chế, phục hồi;
Thứ tư, thiếu nguồn tài chính phù hợp cho các mô hình kinh doanh KTTH.
Kỳ 2: Thấy gì từ dữ liệu thực hiện KTTH của 100 Doanh nghiệp ở TP HCM
Có thể bạn quan tâm
Lan tỏa mô hình kinh tế tuần hoàn
15:22, 01/11/2023
Nông nghiệp Việt Nam gặp khó khi chuyển đổi sang kinh tế tuần hoàn
02:01, 08/10/2023
Lấy động lực thị trường thúc đẩy kinh tế tuần hoàn
03:30, 01/10/2023
Thử nghiệm phát triển kinh tế tuần hoàn, doanh nghiệp được hưởng ưu đãi gì?
02:30, 11/09/2023
Hỗ trợ doanh nghiệp chủ động tham gia kinh tế tuần hoàn
15:06, 19/09/2023
Doanh nghiệp cần tham gia thực chất vào kinh tế tuần hoàn
15:26, 22/09/2023