Đang hiển thị
Tỉnh thành khác
Kinh tế tuần hoàn là một xu hướng phát triển bền vững đạt được cả 2 mục tiêu, ứng phó với sự cạn kiệt của tài nguyên đầu vào và tình trạng ô nhiễm môi trường trong phát triển ở đầu ra.
Nhiều năm trước, đã có người dự báo: thảm họa lớn nhất con người sẽ phải đối đầu trong thế kỷ này sẽ không phải là cuộc chiến tranh giữa con người và các quốc gia mà là thảm họa về dịch bệnh, về biến đổi khí hậu và môi trường. COVID-19 là một điều ứng nghiệm.
Theo Liên Hợp Quốc, nếu chúng ta tiếp tục phát triển theo nền kinh tế tuyến tính dựa vào vốn tài nguyên - sản xuất - tiêu dùng - thải bỏ, thì dù có đạt được thành quả tăng trưởng cao, chúng ta cũng sẽ phải đối mặt với thảm họa về tài nguyên, thảm họa về môi trường. Thảm họa môi trường là kẻ thù lớn nhất của toàn nhân loại, từ những nguyên thủ quốc gia đến các bà đồng nát cũng phải chung tay chống lại thảm họa này.
Các số liệu thống kê từ Global Footprint Network cho thấy thời gian con người khai thác cạn mức tài nguyên nên dùng trong năm (Earth overshoot day) đang ngày một ngắn lại. Trong 20 năm qua, thời hạn này đã bị rút ngắn thêm hai tháng. Ngày 22/08/2020, chúng ta đã tiêu thụ hết năng lượng tự nhiên có thể tái tạo trong năm 2020 của Trái đất, chậm hơn 24 ngày so với ngày Trái đất vượt ngưỡng phục hồi của năm ngoái là 29-7 nhờ COVID-19. Tuy nhiên điều này vẫn đồng nghĩa với việc con người đã “rút cạn” tài nguyên thiên nhiên với tốc độ nhanh gấp 1,6 lần khả năng tái tạo của trái đất. “Miếng da lừa” (trong câu chuyện ngụ ngôn của nhà văn Hononore De Balzac) cho sinh tồn của chúng ta đang thu hẹp lại.
Kết quả khảo sát của VCCI được công bố mới đây đã cho thấy doanh nghiệp ngày càng cảm thấy bất an do những biến đổi bất thường của thời tiết và khí hậu. Tình trạng nắng nóng, hạn hán kéo dài hơn, mưa bão ngập lụt diễn ra thường xuyên hơn, nước sông nhiễm mặn nhiều hơn, triều cường, lũ quét mạnh hơn... Chúng ta phải thường xuyên sống với tâm thế “sớm chắn bão giông, chiều ngăn nắng lửa”. Cũng theo dự báo của Ngân hàng Thế giới, Việt Nam là một trong 10 quốc gia đang chịu tác động lớn nhất của biến đổi khí hậu. Và là một trong năm quốc gia đang xả thải nhiều nhất chất thải nhựa ra môi trường.
Chỉ riêng ô nhiễm không khí đã khiến Việt Nam có thể mất đi hơn 5,07% GDP, ô nhiễm nước có thể gây ra thiệt hại cho Việt Nam 3,5% GDP. Tình trạng suy giảm tài nguyên, tiêu thụ nhiều năng lượng, ô nhiễm, suy thoái đất, đặc biệt là biến đổi khí hậu đang ảnh hưởng nghiêm trọng đến tương lai của nền kinh tế Việt Nam.
Tuần hoàn để “hướng tới bền vững” Như người ta thường nói “mọi con đường đều dẫn tới thành Rôm”, phát triển bền vững phải là đích đến, kinh tế tuần hoàn là một mô hình. Kinh tế tuần hoàn với Việt Nam “vừa quen vừa lạ”. Cha ông chúng ta đã tạo ra những mô hình kinh tế tuần hoàn đầu tiên: VAC (Vườn - Ao - Chuồng),… và nhiều hệ sinh thái khép kín thời bao cấp. Dẫu chưa hoàn thiện nhưng những mô hình này đã cho thấy tiềm thức về phát triển bền vững, mô hình kinh tế tuần hoàn không xa lạ với ở nước ta.
Bây giờ thì nhiều sáng kiến và mô hình phát triển kinh tế tuần hoàn đang được đề xuất và triển khai như Chương trình phát triển kinh tế tuần hoàn của VCCI, Chương trình thu gom và tài chế rác thải của nhóm doanh nghiệp PRO và nhóm doanh nghiệp lớn. Sáng kiến không xả thải vào môi trường, các khu công nghiệp sinh thái ở Ninh Bình, Đà Nẵng, Cần Thơ.... Tất cả đang là những hạt giống đầu tiên cho một mùa vàng phát triển kinh tế tuần hoàn ở nước ta.
Chính phủ Việt Nam đã có nhiều quyết sách để thúc đẩy phát triển nhanh và bền vững ứng phó với biến đổi khí hậu và xây dựng nền kinh tế tuần hoàn. Từ năm 2018, VCCI đã đề xuất sáng kiến thúc đẩy phát triển kinh tế tuần hoàn. Năm 2019, tại Diễn đàn Quốc gia về phát triển bền vững, VCCI đã đề xuất đưa phát triển kinh tế tuần hoàn thành một chủ trương của Đảng và đề nghị Quốc hội ban hành luật khuyến khích phát triển kinh tế tuần hoàn, Chính phủ ban hành Chương trình hành động thúc đẩy phát triển kinh tế tuần hoàn. Cho đến nay chúng ta vui mừng khi Dự thảo Văn kiện Đại hội Đảng lần thứ XIII đã bổ sung chủ trương phát triển kinh tế tuần hoàn, Dự thảo Luật bảo vệ môi trường đã có quy định về kinh tế tuần hoàn. Chính phủ đang cổ vũ, khuyến kích mạnh các mô hình kinh tế tuần hoàn. Đó là những xu hướng tích cực.
Bây giờ thì không chỉ doanh nghiệp Việt Nam mà toàn thế giới, sau thảm họa COVID, đang định hình lại con đường phát triển của mình. Chiến lược phát triển bền vững, thực hiện mô hình kinh tế tuần hoàn là một sự lựa chọn. Hội đồng kinh doanh Mỹ - ASEAN vừa đây mới công bố bản tuyên bố lập trường thúc đẩy Chương trình hành động phát triển kinh tế tuần hoàn và điều này cũng tương tự với các lập trường chung của các Hội đồng kinh doanh quốc tế khác như ABAC, ASEAN BAC và cũng là quan điểm của Hội đồng doanh nghiệp Việt Nam -EU.
Phát triển kinh tế tuần hoàn không chỉ là chi phí mà còn là một giải pháp hiệu quả trong việc tạo ra các cơ hội kinh doanh, nguồn lợi nhuận mới, lại đồng thời giúp cắt giảm nhu cầu khai thác mới đối với tài nguyên thiên nhiên. Bản chất của kinh tế tuần hoàn là tạo ra một vòng tròn khép kín trong quy trình sản xuất, tiêu thụ, thu gom và tái sản xuất giữa các doanh nghiệp trong cùng ngành và giữa các ngành sản xuất dựa trên nguyên tắc sử dụng hiệu quả, triệt để nguồn tài nguyên thiên nhiên và nguyên vật liệu, phụ liệu. Điều đó đồng nghĩa với việc các doanh nghiệp của chúng ta cần có những công nghệ, quy trình, phương thức quản lý hỗ trợ chặt chẽ cho việc tạo ra vòng đời khép kín cho các loại nguyên vật liệu được sử dụng trong sản xuất.
Chúng ta cần hệ thống chính sách quản lý, bảo vệ môi trường, chính sách tài chính, thương mại được điều chỉnh, coi các chất thải/phế thải thông thường là các loại nguyên vật liệu thứ cấp cho các ngành công nghiệp khác; cần có công nghệ, khoa học kỹ thuật xử lý vật liệu, các nghiên cứu về vật liệu mới có thuộc tính linh hoạt, tính ứng dụng và độ bền cao hơn, khiến các vật liệu này có thể tồn tại lâu hơn và chuyển đổi vai trò linh hoạt hơn khi được tái chế, tái sử dụng cho các sản phẩm khác nhau.
Đây là những nguyên lý cơ bản để một doanh nghiệp có thể bắt đầu thực hiện kinh tế tuần hoàn ngay trong phạm vi một dây chuyền sản xuất, một mặt hàng của công ty mình. Và đây cũng là những cơ hội đầu tiên để thúc đẩy kinh tế tuần hoàn chung tay vì một Việt Nam tăng trưởng xanh và bền vững hơn.
Việc chuyển đổi sang nền kinh tế tuần hoàn là một cơ hội lớn để phát triển nhanh và bền vững, không chỉ đạt mục tiêu kinh tế, xã hội, môi trường mà còn ứng phó với biến đổi khí hậu. Kinh tế tuần hoàn là một cách thức chuyển đổi phù hợp trong bối cảnh thực hiện các mục tiêu của phát triển bền vững (SDGs) và ứng phó với biến đổi khí hậu với những lợi ích cụ thể như sau:
• ĐỐI VỚI QUỐC GIA: Thể hiện trách nhiệm trong giải quyết những thách thức toàn cầu do ô nhiễm môi trường, biến đổi khí hậu; nâng cao sức cạnh tranh của nền kinh tế.
• ĐỐI VỚI XÃ HỘI: tận dụng được nguồn nguyên vật liệu đã qua sử dụng thay vì tiêu tốn chi phí xử lý; giảm thiểu khai thác tài nguyên thiên nhiên, tận dụng tối đa giá trị tài nguyên; hạn chế tối đa chất thải, khí thải ra môi trường; bảo vệ sức khoẻ người dân.
• ĐỐI VỚI DOANH NGHIỆP: giảm rủi ro về khủng hoảng thừa sản phẩm, khan hiếm tài nguyên; tạo ra cơ hội việc làm và đầu tư mới, giảm chi phí sản xuất, tăng chuỗi cung,...
Để thực hiện được định hướng này đỏi hỏi phải có sự nỗ lực của mọi thành phần trong xã hội, đặc biệt doanh nghiệp là động lực trung tâm, nhà nước đóng vai trò kiến tạo, dẫn dắt và cộng đồng tham gia thực hiện.
Có thể bạn quan tâm
Thúc đẩy kinh tế tuần hoàn để kiến tạo tương lai xanh
17:32, 24/09/2020
Trực tiếp: Hội thảo chuyên đề “Thúc đẩy Kinh tế tuần hoàn: Vì một thập niên tăng trưởng xanh và bền vững”
14:30, 24/09/2020
“Thúc đẩy Kinh tế tuần hoàn: Vì một thập niên tăng trưởng xanh và bền vững”
12:56, 22/09/2020
Đồng Tháp: Phát triển kinh tế theo mô hình “nền kinh tế tuần hoàn và đô thị thông minh”
05:55, 19/07/2020
Thúc đẩy nền kinh tế tuần hoàn ít phát thải carbon nhìn từ kinh nghiệm của Thụy Điển
10:51, 12/11/2019
Kinh tế tuần hoàn và trách nhiệm của doanh nghiệp
18:12, 07/10/2019
Cần có bộ Luật về nền kinh tế tuần hoàn
09:18, 17/09/2019