Xuất nhập khẩu trong 6 tháng năm 2021 vẫn tăng trưởng 25% trong bối cảnh dịch bệnh diễn biến phức tạp. Tuy nhiên, nhập siêu cũng có xu hướng tăng nhanh với 1,47 tỷ USD.
Trong tháng 6/2021, tổng kim ngạch xuất khẩu hàng hóa đạt 54 tỷ USD, tăng 25% so với cùng kỳ năm trước. Tính chung 6 tháng đầu năm nay, tổng kim ngạch xuất, nhập khẩu hàng hóa đạt 316,73 tỷ USD, tăng 32,2% so với cùng kỳ năm trước, trong đó xuất khẩu đạt 157,63 tỷ USD, tăng 28,4%; nhập khẩu đạt 159,1 tỷ USD, tăng 36,1%.
Khu vực FDI dẫn dắt tăng trưởng xuất khẩu
Về xuất khẩu, trong tháng 6/2021 đạt 26,5 tỷ USD, tăng 1,2% so với tháng trước, trong đó khu vực kinh tế trong nước đạt 7,58 tỷ USD, tăng 5,2%; khu vực có vốn đầu tư nước ngoài (kể cả dầu thô) đạt 18,92 tỷ USD, giảm 0,3%.
So với cùng kỳ năm trước, kim ngạch xuất khẩu hàng hóa tháng 6/2021 tăng 17,3%, trong đó khu vực kinh tế trong nước tăng 14,2%, khu vực có vốn đầu tư nước ngoài (kể cả dầu thô) tăng 18,6%.
Tính chung 6 tháng đầu năm 2021, kim ngạch xuất khẩu hàng hóa ước tính đạt 157,63 tỷ USD, tăng 28,4% so với cùng kỳ năm trước, trong đó khu vực kinh tế trong nước đạt 40,89 tỷ USD, tăng 16,8%, chiếm 25,9% tổng kim ngạch xuất khẩu; khu vực có vốn đầu tư nước ngoài (kể cả dầu thô) đạt 116,74 tỷ USD, tăng 33%, chiếm 74,1%.
Trong 6 tháng đầu năm 2021 có 25 mặt hàng đạt kim ngạch xuất khẩu trên 1 tỷ USD, chiếm 88,9% tổng kim ngạch xuất khẩu (5 mặt hàng xuất khẩu trên 10 tỷ USD, chiếm 58%).
Về thị trường xuất khẩu hàng hóa 6 tháng đầu năm 2021, Hoa Kỳ là thị trường xuất khẩu lớn nhất của Việt Nam với kim ngạch đạt 44,9 tỷ USD, tăng 42,6% so với cùng kỳ năm trước. Tiếp đến là Trung Quốc đạt 24,4 tỷ USD, tăng 24%. Thị trường EU đạt 19,3 tỷ USD, tăng 17,4%. Thị trường ASEAN đạt 13,8 tỷ USD, tăng 26%. Hàn Quốc đạt 10,5 tỷ USD, tăng 14,7%. Nhật Bản đạt 9,9 tỷ USD, tăng 6,9%.
Tỷ trọng xuất khẩu của một số mặt hàng chủ lực vẫn thuộc về khu vực có vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài, trong đó: Điện thoại và linh kiện chiếm 99,2%; điện tử, máy tính và linh kiện chiếm 98,1%; máy móc thiết bị, dụng cụ phụ tùng chiếm 92,6%; giày dép chiếm 82,4%; hàng dệt may 63,5%.
Về nhập khẩu, tính chung 6 tháng đầu năm 2021, kim ngạch nhập khẩu hàng hóa ước tính đạt 159,1 tỷ USD, tăng 36,1% so với cùng kỳ năm trước, trong đó khu vực kinh tế trong nước đạt 55,9 tỷ USD, tăng 30,2%; khu vực có vốn đầu tư nước ngoài đạt 103,2 tỷ USD, tăng 39,5%.
Về cơ cấu nhóm hàng nhập khẩu 6 tháng đầu năm 2021, nhóm hàng tư liệu sản xuất ước tính đạt 149,32 tỷ USD, tăng 36,7% so với cùng kỳ năm trước, trong đó nhóm hàng máy móc thiết bị, dụng cụ phụ tùng đạt 72 tỷ USD, tăng 33%; nhóm hàng nguyên, nhiên, vật liệu đạt 77,35 tỷ USD, tăng 40,2%. Nhóm hàng tiêu dùng ước tính đạt 9,78 tỷ USD, tăng 28%.
Trong 6 tháng năm 2021, Trung Quốc là thị trường nhập khẩu lớn nhất của Việt Nam với kim ngạch đạt 53,4 tỷ USD, tăng 53% so với cùng kỳ năm trước. Tiếp theo là thị trường Hàn Quốc đạt 25,2 tỷ USD, tăng 21,1%. Thị trường ASEAN đạt 20,9 tỷ USD, tăng 47,7%. Nhật Bản đạt 10,6 tỷ USD, tăng 12,3%. Thị trường EU đạt 8,1 tỷ USD, tăng 16,3%. Hoa Kỳ đạt 7,7 tỷ USD, tăng 9,5%.
Nhập siêu chưa đáng lo ngại
Tính chung 6 tháng đầu năm 2021, cán cân thương mại hàng hóa nhập siêu 1,47 tỷ USD. Trước đó, 5 tháng đầu năm 2021 nhập siêu 369 triệu USD. Trong đó khu vực kinh tế trong nước nhập siêu 15,01 tỷ USD; khu vực có vốn đầu tư nước ngoài (kể cả dầu thô) xuất siêu 13,54 tỷ USD.
Tại buổi họp báo thường kỳ quý II/2021 về tình hình sản xuất công nghiệp và thương mại của Bộ Công thương vào ngày 17/6 vừa qua, ông Trần Thanh Hải, Phó Cục trưởng Cục xuất nhập khẩu (Bộ Công thương), cho rằng việc Việt Nam thâm hụt cán cân thương mại là điều không có gì quá bất thường vì hiện nay, các mặt hàng nhập khẩu nhiều chủ yếu là nguyên liệu phục vụ hoạt động sản xuất, đặc biệt cho sản xuất của nhóm hàng xuất khẩu.
Ví dụ như linh kiện điện tử, các nguyên phụ liệu trong ngành dệt may, da giày là những ngành hiện nay đang có đà phục hồi tăng trưởng rất mạnh mẽ. Do vậy, sự gia tăng nhập khẩu cũng là điều tất yếu.
Làn sóng dịch Covid-19 thứ tư bùng phát ở Việt Nam từ cuối tháng 4/2021, nhiều ngành sản xuất công nghiệp bắt đầu phục hồi trở lại như: điện tử, điện thoại di động… cũng bị ảnh hưởng phần nào. Tuy nhiên, chỉ một số bộ phận bị ảnh hưởng. Các doanh nghiệp xuất khẩu có đơn hàng đương nhiên phải nhập khẩu nguyên phụ liệu, linh phụ kiện về để sản xuất. Trên thực tế, việc nhập khẩu tăng lên thậm chí còn là tín hiệu đáng mừng chứ không phải đáng lo.
Có thể bạn quan tâm
Kinh tế Việt Nam 6 tháng đầu năm: (Kỳ 1) Động lực tăng trưởng
11:00, 30/06/2021
Nhập siêu gần nửa tỷ USD trong 5 tháng đã đáng lo?
04:00, 14/06/2021
KINH TẾ CUỐI TUẦN: Nhập siêu trở lại
02:00, 30/05/2021
Các hãng tàu “đối đầu” doanh nghiệp xuất nhập khẩu
04:00, 26/06/2021
Thuế xuất nhập khẩu dệt may chưa hợp lý
11:00, 28/05/2021