Đoàn ĐBQH tỉnh Quảng Trị, ĐBQH Lưu Bình Nhưỡng vừa gửi văn bản đến Tổng Bí thư, Chủ tịch nước và các cơ quan thẩm quyền nêu lên quan điểm về vụ án “buôn lậu” gỗ trắc lớn nhất Miền Trung.
Cơ quan tư pháp vi phạm tố tụng
Tại Công văn số 78/ĐĐBQH, 79/ĐĐBQH do ông Hoàng Đức Thắng - Trưởng đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh Quảng Trị ký ngày 5/8, gửi Ủy ban thường vụ Quốc hội; Ủy ban Tư pháp của Quốc hội; Ban Dân nguyện của Ủy ban thường vụ Quốc hội; Chánh án TAND tối cao; Viện trưởng VKSND tối cao đã nêu rõ quan điểm:
“Vụ án “Buôn lậu” và “Thiếu trách nhiệm gây hậu quả nghiêm trọng” xảy ra tại tỉnh Quảng Trị và thành phố Đà Nẵng từ cuối năm 2011 đến nay đã gần 8 năm. Tòa án nhân dân thành phố Đà Nẵng đã mở 4 phiên tòa xét xử sơ thẩm; Tòa án nhân dân cấp cao tại Đà Nẵng xét xử phúc thẩm vụ án.
Với trách nhiệm của đại biểu dân cử, qua xem xét thấy vụ việc kéo dài, có dấu hiệu oan, sai, Đoàn ĐBQH tỉnh Quảng Trị đã có nhiều văn bản kiến nghị, chất vấn gửi đến các cơ quan điều tra Bộ Công an, Viện KSND tối cao và trực tiếp tham dự tại các phiên tòa sơ thẩm và phúc thẩm để giám sát việc xét xử của các cơ quan tố tụng.
Phiên xét xử sơ thẩm lần thứ 4 từ ngày 14/8 đến ngày 23/8/2018, tại Bản án số 35/2018/HSST ngày 23/8/2018, Tòa án nhân dân thành phố Đà Nẵng đã tuyên các bị cáo Trương Huy Liệu và Trần Thị Dung phạm tội “Buôn lậu” và các bị cáo Đỗ Lý Nhi, Lê Xuân Thành, Đỗ Danh Thắng phạm tội “Thiếu trách nhiệm gây hậu quả nghiêm trọng”, xử phạt Trương Huy Liệu 01 năm 16 ngày tù giam (bằng thời gian tạm giam); Trần Thị Dung 09 (chín) tháng tù, cho hưởng án treo; Đỗ Lý Nhi, Lê Xuân Thành 09 (chín) tháng tù, cho hưởng án treo; Đỗ Danh Thắng 06 (sáu) tháng tù, cho hưởng án treo. Bản án sơ thẩm đã bị kháng cáo và kháng nghị.
Từ ngày 03/7 đến này 26/7/2019, Tòa án nhân dân cấp cao tại Đà Nẵng mở phiên tòa phúc thẩm vụ án trên.
Tại phiên phúc thẩm, TAND cấp cao tại Đà Nẵng đã tuyên tăng nặng hình phạt đối với Trương Huy Liệu 7 năm tù giam và Trần Thị Dung 3 năm tù cho hưởng án treo.
Qua giám sát tại phiên tòa phúc thẩm, Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Quảng Trị nhận thấy quyết định của Tòa án nhân dân cấp cao tại Đà Nẵng không phù hợp với những tình tiết khách quan, bản chất của vụ án; áp dụng sai lầm nghiêm trọng về pháp luật trong xét xử vụ án.
Căn cứ quy định tại Khoản 2, Điều 33 Bộ luật tố tụng hình sự năm 2015, Đoàn ĐBQH tỉnh Quảng Trị yêu cầu Chánh án TAND tối cao và Viện trưởng VKSND tối cao kháng nghị theo thủ tục giám đốc thẩm Bản án của TAND cấp cao tại Đà Nẵng”.
Trước đó, ngày 2/8, Đại biểu Quốc hội Lưu Bình Nhưỡng đã có văn bản gửi đến Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng, Chánh án TAND Tối cao Nguyễn Hòa Bình và Chủ nhiệm Ủy ban tư pháp của Quốc hội Lê Thị Nga, nội dung:
“Ngày 29/7 tôi đã nhận được đơn kêu cứu khẩn cấp của ông Trương Huy Liệu và vợ là bà Trần Thị Dung, trú tại số nhà 647, đường Lê Duẩn, TP.Đông Hà, tỉnh Quảng Trị.
Sau khi nghiên cứu đơn và các tài liệu kèm theo, băng ghi âm tại phiên tòa phúc thẩm, các Công văn liên quan trong đó có Công văn của Tổng cục Hải quan số 6883/TCHQ-GSQL,1661/TCHQ-TXNK, một số đơn kêu cứu và di thư của công dân Trần Đình Quang (đã thắt cổ tự tử do bị điều tra viên Trần Đức Dũng đánh đập, ép cung), qua đó thấy rằng:
1- Việc xét xử vụ án “buôn lậu” là có dấu hiệu hình sự hóa quan hệ kinh tế, vì theo pháp luật thì đó không phải là hành vi buôn lậu.
2- Việc công nhận kết luận giám định 783/STTNSV ngày 26/11/2012 của Viện sinh thái và Tài nguyên sinh vật là hoàn toàn vi phạm pháp luật vì Viện này không có chức năng giám định tư pháp. Nói cách khác là Tòa phúc thẩm vụ án này đã thừa nhận “giám định chui, giám định ngoài luồng” trái Luật Giám định tư pháp. Việc lý giải của HĐXX cho rằng đây là kết luận hợp pháp là bao biện, xúc phạm công lý.
3- Việc cơ quan điều tra tự ý tổ chức bán 535,800 m3 gỗ trắc của Công ty Ngọc Hưng với giá rẻ mạt, thấp hơn nhiều lần so với thị trường, sau đó chuyển cho Tổng cục Hải quan giữ để xử lý vi phạm hành chính là thể hiện rõ sự lúng túng, khuất tất và vi phạm pháp luật nghiêm trọng”.
Từ những phân tích trên, ĐBQH Lưu Bình Nhưỡng đề nghị: Tổng Bí thư, Chủ tịch nước chỉ đạo các cơ quan tư pháp xem xét lại vụ án trên tinh thần thượng tôn Hiến pháp, Pháp luật; xem xét trách nhiệm các cá nhân, cán bộ, công chức và cơ quan, đơn vị có hành vi xâm phạm quyền con người, quyền công dân, vi phạm nghiêm trọng pháp luật. Đồng thời, đề nghị Chánh án TAND tối cao xem xét kháng nghị theo thủ tục giám đốc thẩm đối với bản án phúc thẩm của TAND cấp cao tại Đà Nẵng đối với vụ án này.
Đại biểu Nhưỡng cũng đề nghị Chủ nhiệm Ủy ban tư pháp của Quốc hội: tổ chức giám sát đối với vụ án trên để bảo đảm thực thi nghiêm pháp luật, pháp chế của nhà nước, giải oan cho ông Trương Huy Liệu và bà Trần Thị Dung.
Không chứng minh được phạm tội thì phải tuyên vô tội
Như Báo Diễn đàn Doanh nghiệp đã thông tin: Vào cuối năm 2011, Công ty TNHH MTV Ngọc Hưng, có trụ sở chính tại TP.Đông Hà, tỉnh Quảng Trị đã mở tờ khai thông quan, nộp thuế nhập khẩu 535,8 m3 gỗ trắc từ Lào qua cửa khẩu Lao Bảo, (Quảng Trị). Hai ngày sau đó doanh nghiệp này đã làm các thủ tục hải quan tại cửa khẩu Cảng Cửa Việt (Quảng Trị) để xuất khẩu nguyên lô gỗ này sang Hong Kong. Trong lúc chuyển khẩu đến cảng Tiên Sa (Đà Nẵng) thì một xe container bị lạc đường và bị kiểm tra hành chính. Sau đó Cục điều tra chống buôn lậu- Tổng cục Hải quan ra lệnh đình chỉ xuất khẩu cả lô hàng và cho khám xét lại toàn bộ 22 container.
Sau khi khám xét toàn bộ lô hàng, Cục điều tra chống buôn lậu Hải quan đã chuyển hồ sơ cho Cục cảnh sát kinh tế (C46) Bộ Công an. Tại công văn của C46 (P10) ngày 6/6/2012 gửi Tổng cục Hải Quan và Văn bản số 1237 C46 (P10) ngày 31/7/2015 của Cục cảnh sát Kinh tế Bộ Công an gửi Chánh văn phòng Cơ quan Cảnh sát điều tra Bộ Công an (C44) xác định: “Công ty Ngọc Hưng nếu có hành vi khai báo không đúng về số lượng chủng loại gỗ so với thực tế xuất khẩu theo quy định về trách nhiệm của người khai báo quy định tại Điều 23 Luật Hải quan nhưng những sai phạm này không trái với quy định Nhà nước về công tác quản lý xuất nhập khẩu những sản phẩm này”. Do vậy, chưa đủ yếu tố cấu thành tội buôn lậu quy định tại điều 153 BLHS nước CHXHCN Việt Nam. Thế nhưng, C44 vẫn tiến hành các bước khởi tố giám đốc, phó giám đốc Công ty Ngọc Hưng cùng 3 công chức Hải quan ra tòa. Trước khi khởi tố vụ án, C44 đã tổ chức bán toàn bộ vật chứng trái pháp luật như ý kiến của ĐBQH Lưu Bình Nhưỡng đã nêu. Vụ án chưa kết thúc, các kết quả giám định bất hợp pháp, không rõ ràng trong khi vật chứng đã bị bán hết trước đó nên không còn căn cứ pháp lý thuyết phục để làm sáng tỏ vụ án, đây là nguyên nhân Tòa phải nhiều lần trả hồ sơ, vụ án đã kéo dài 8 năm nay.
Theo luật sư Lê Cao - Đoàn Luật sư TP.Đà Nẵng, mấu chốt của vụ án là vật chứng. Tuy nhiên, tại các phiên tòa các luật sư đưa ra căn cứ thuyết phục chứng minh cả 2 kết quả giám định 151 và 783 của Viện sinh thái và tài nguyên sinh vật đều không có giá trị pháp lý trong khi lô gỗ vật chứng đã bị bán trái pháp luật nên không thể giám định lại. Theo quy định của Bộ luật tố tụng hình sự, trong trường hợp này nếu không đưa ra được căn cứ thuyết phục chứng cứ phạm tội thì phải tuyên những người bị tình nghi là vô tội.
Báo Diễn đàn Doanh nghiệp sẽ tiếp tục thông tin