“Công nghệ chỉ là một ngành riêng lẻ trong cấu trúc phát triển kinh tế - xã hội nói chung. Mảnh ghép này dù tốt đến đâu nhưng thiếu đi sự phối hợp hiệu quả thì chưa thể phát huy vai trò toàn diện”.
>>Cơ hội nào cho ngành công nghiệp hỗ trợ Việt Nam?
Đó là quan điểm của ông Nguyễn Hồng Quân, Phó Tổng giám đốc công ty TNHH ZWSOFT Việt Nam khi trao đổi với phóng viên Diễn đàn Doanh nghiệp.
- Lĩnh vực công nghệ được đánh giá là có sự tăng trưởng tốt trong quá trình dịch COVID-19 xuất hiện đến nay, nhưng cũng có không ít thách thức đặt ra với các doanh nghiệp, ông có thể chia sẻ về điều này?
Đại dịch COVID-19 kéo dài trong hai năm qua đã gây ảnh hưởng nghiêm trọng đến tình hình kinh tế toàn thế giới nói chung và Việt Nam nói riêng. Bên cạnh những lĩnh vực bị ảnh hưởng nặng nề như du lịch, dịch vụ, lưu trú, vận tải, hàng không,... thì ngành công nghệ thông tin, cung cấp giải pháp công nghệ cao được xem là vẫn phát triển tốt và có mức tăng trưởng đáng kể.
Tuy nhiên, không phải là không có thách thức đặt ra với lĩnh vực này, trong đó có một số vấn đề như:
Thứ nhất, hầu hết các công ty đều có kế hoạch kinh doanh liên tục, nhưng những kế hoạch đó cũng luôn chịu biến động theo diễn biến bùng phát dịch bệnh còn bất định. Hàng loạt các vụ hủy bỏ sự kiện trong ngành đồng nghĩa với việc ít có cơ hội phát triển kinh doanh hơn, hay việc đi công tác giảm nhiều, dẫn đến ít tương tác với khách hàng hơn.
Thứ hai, mối quan tâm về nhân sự ngày càng phải nâng cao, đảm bảo an toàn sức khoẻ người lao động, chế độ cho phòng chống dịch,... Cùng với đó, việc tuyển dụng cũng chậm lại do khủng hoảng có thể ảnh hưởng đến nguồn nhân lực chất lượng cao trong tương lai. Và rủi ro về an ninh mạng cũng tăng lên do có nhiều người làm việc từ xa, thông tin sai lệch trên nền tảng kỹ thuật số xuất hiện nhiều hơn.
Thứ ba, sản xuất chậm lại do gián đoạn chuỗi cung ứng toàn cầu. Đây là vấn đề đã làm “đau đầu” các Chính phủ, chính quyền địa phương, mà đối tượng bị ảnh hưởng sâu rộng nhất là cộng đồng doanh nghiệp. Việc đứt gãy chuỗi cung ứng vì nhiều địa phương thực hiện giãn cách, nhiều nhà máy ngừng hoạt động trong thời gian dài khiến đầu ra của sản phẩm công nghệ bị trì trệ, các giải pháp dù tốt nhưng cũng buộc phải “ngủ đông” theo tình thực tế.
Thứ tư, những thách thức về dòng tiền khiến nhiều công ty thiếu vốn trong khi việc tiếp cận tín dụng hiện nay đang gặp rất nhiều rào cản về thủ tục, điều kiện vay hay tài sản đảm bảo. Để phát triển công ty, duy trì nguồn nhân lực, buộc doanh nghiệp phải có dòng vốn ổn định.
Có thể thấy, công nghệ chỉ là một ngành riêng lẻ trong cấu trúc phát triển kinh tế -xã hội nói chung. Mảnh ghép này dù có tốt đến đâu nhưng thiếu đi sự tương tác, phối hợp hiệu quả thì chưa thể phát huy vai trò một cách toàn diện.
Như Trưởng Ban Kinh tế Trung ương, ông Trần Tuấn Anh đã phát biểu gần đây, quá trình phục hồi kinh tế - xã hội sau dịch COVID-19 và thực hiện công nghiệp hóa, hiện đại hóa trên nền tảng công nghiệp 4.0 đang gặp phải những trở ngại lớn. Đó là mô hình tăng trưởng chưa dựa nhiều trên nền tảng khoa học, công nghệ, đổi mới sáng tạo; cơ cấu lại nền kinh tế gắn với đổi mới mô hình tăng trưởng còn chậm; tính tự chủ của nền kinh tế còn thấp; vẫn còn phụ thuộc lớn vào bên ngoài; chưa quan tâm đúng mức đến chuỗi giá trị và cung ứng trong nước nhằm nâng cao năng suất lao động và sức cạnh tranh của nền kinh tế. Phát triển công nghiệp còn thiếu tính bền vững.
>>Nâng “chất” doanh nghiệp ngành công nghiệp hỗ trợ
- Là một doanh nghiệp cung cấp các giải pháp công nghệ, góp phần thúc đẩy ngành công nghiệp hỗ trợ tăng trưởng, ZWSOFT đã có những giải pháp gì trong thời gian qua, thưa ông?
Cuộc khủng hoảng nhấn mạnh sự cần thiết của các mô hình kinh doanh linh hoạt, có khả năng phục hồi, bao gồm tăng cường tập trung vào dự báo dòng tiền, tác động đến các đối tác trong chuỗi cung ứng và các kênh thương mại. Dù trong khó khăn của đại dịch, chúng tôi vẫn ghi nhận mức tăng trưởng ổn định và tăng cường hỗ trợ các doanh nghiệp đối tác về mọi mặt.
Mới đây, triển lãm quốc tế về công nghiệp hỗ trợ và chế biến chế tạo tại Việt Nam VIMEXPO 2021 được tổ chức, nhằm tạo ra môi trường thuận lợi cho các doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực công nghiệp hỗ trợ và chế biến chế tạo giới thiệu sản phẩm, trao đổi công nghệ, tìm kiếm đối tác, liên doanh liên kết, thu hút đầu tư.
Theo đó, ZWSOFT là 1 trong những nhà triển lãm tham dự chương trình và kết nối với nhiều bạn bè đối tác, doanh nghiệp cùng ngành để chia sẻ kinh nghiệm cũng như hoạt động kinh doanh của mình. Với vai trò là nhà cung cấp giải pháp phần mềm thiết kế công nghiệp, chúng tôi sẵn sàng chung sức với các doanh nghiệp để nhanh chóng phục hồi gián đoạn sản xuất do đại dịch gây nên. Hiện nay, chúng tôi cũng đang thực hiện chương trình ưu đãi cho các doanh nghiệp Việt Nam, đặc biệt là các doanh nghiệp ngành công nghiệp - chế tạo có nhu cầu sử dụng phần mềm thiết kế công nghiệp CAD/CAM với chi phí thấp.
Điển hình như giải pháp CAx all-in-one đáng tin cậy với các công nghệ CAD 2D, CAD/CAM 3D. Bằng cam kết cung cấp trải nghiệm hoàn chỉnh và liền mạch cho người dùng trên toàn thế giới với các giải pháp CAx all-in-one, ZWSOFT đã liên tục đáp ứng những nhu cầu đa dạng của các ngành công nghiệp khác nhau như AEC và MFG.
Việc hỗ trợ các doanh nghiệp tối ưu hoá được chi phí, dòng tiền trong sản xuất kinh doanh là một trong những giải pháp cần ưu tiên, để hoạt động sản xuất được trơn tru trở lại, kích thích cung - cầu trên toàn thị trường tăng cao.
- Bên thềm năm mới 2022, ông có kỳ vọng gì vào sự phục hồi của nền kinh tế nói chung và ngành công nghệ nói riêng?
Sự xuất hiện của dịch bệnh COVID-19 gây ra những nút thắt trong thương mại, chuỗi cung ứng dẫn đến sự giảm tốc của kinh tế toàn cầu. Nhưng sự nỗ lực của Chính phủ các nước trong công tác chống dịch, cùng nhiều biện pháp hỗ trợ kinh tế phục hồi cho chúng ta một cái nhìn lạc quan trong thời gian tới.
Đặc biệt, khi tỷ lệ bao phủ vaccine rộng hơn, tôi tin rằng nền kinh tế sẽ phục hồi và tăng tốc mạnh mẽ, vì đại dịch đã thay đổi rất nhiều đến tư duy, hành động của mọi người, mọi doanh nghiệp. Ví dụ lớn nhất là quá trình chuyển đổi số tại Việt Nam đã diễn ra mạnh mẽ và đạt được những thành quả nhất định.
Mặc dù vậy, với nền kinh tế mở như Việt Nam, để theo kịp các quốc gia khác đòi hỏi có sự nỗ lực lớn gấp nhiều lần và cần có sự đồng hành hỗ trợ của Chính phủ về chính sách, về vốn,... tạo động lực cho doanh nghiệp bứt tốc.
Đáng chú ý, các ngành tự động, cơ giới máy móc sử dụng công nghệ, tự động hóa nhiều hơn, nhưng vẫn còn nhiều ngành có sự ứng dụng ít, điều này khiến năng suất lao động khó được cải thiện và giảm tính cạnh tranh. Kể từ năm 2004, các sản phẩm và dịch vụ của ZWSOFT đã được công nhận bởi hơn 900.000 khách hàng trong các ngành công nghiệp AEC và MFG đến từ 90 quốc gia, trong đó bao gồm các công ty nổi tiếng trong lĩnh vực cơ khí, điện tử, ô tô, kiến trúc, giao thông, năng lượng,... như CH. Karnchang, Deltamarin Ba Lan, Dragados Offshore S.A., Hyundai KEFICO Việt Nam, LG và SIEMENS. Vì thế, chúng tôi kỳ vọng, các doanh nghiệp Việt Nam sẽ sớm vượt qua khó khăn, mở rộng hoạt động sản xuất kinh doanh và tăng cường các ứng dụng, giải pháp công nghệ để tạo ra nhiều sản phẩm đột phá, sáng tạo, cạnh tranh cao trên thị trường quốc tế.
- Xin cảm ơn ông!
Có thể bạn quan tâm
01:00, 05/08/2021
01:00, 24/07/2021
19:49, 10/06/2021
20:00, 22/05/2021
01:00, 14/04/2021
15:40, 26/01/2021