Kỳ vọng khơi thông nguồn vốn cho khởi nghiệp

Theo baodautu 13/06/2019 04:25

Hệ sinh thái khởi nghiệp tại Việt Nam được đánh giá còn “non nớt” khi tồn tại nhiều nút thắt, đòi hỏi hình thành các công cụ đầu tư, cũng như đồng bộ hóa giải pháp về vốn cho khởi nghiệp.

Các start-up trao đổi ý tưởng đầu tư bên lề sự kiện Nhà đầu tư thiên thần và hành trình đầu tư vào start-up tổ chức tại TP.HCM.

Các start-up trao đổi ý tưởng đầu tư bên lề sự kiện Nhà đầu tư thiên thần và hành trình đầu tư vào start-up tổ chức tại TP.HCM.

Start-up là hình thái mới tạo ra sự thịnh vượng

Bà Jan Lederman, Chủ tịch Quỹ đầu tư Valhalla thực sự tin, start-up là hình thái mới tạo ra sự thịnh vượng và tài sản trên toàn cầu.

“70-75% những công việc mới được tạo ra thông qua các công ty khởi nghiệp, nghĩa là tạo ra những người lao động mới. Điều này lý giải vì sao Chính phủ nhiều quốc gia cố gắng tạo dựng hệ sinh thái phù hợp nhất cho cộng đồng start-up nội địa”, bà Jan Lederman nói.

Thông thường, vòng đời phát triển của một doanh nghiệp kéo dài trong 60 năm. Nhưng mô hình này dường như đang lỗi thời, khi Valhalla thống kê được rằng, thời gian này ở các công ty Bắc Mỹ chỉ còn 15 năm. Mức độ rủi ro trong mỗi dự án khởi nghiệp khá cao, khi 8/10 start-up đều không đạt thành công.

Dù vòng đời doanh nghiệp ngắn lại, song sẽ thúc đẩy doanh nghiệp mới ra đời dựa trên khả năng đổi mới sáng tạo. Tuy nhiên, rủi ro lớn khiến nhiều nhà khởi nghiệp không muốn tiếp tục.

“Lúc này, nếu có hệ sinh thái phù hợp, nhà đầu tư sẵn sàng tham gia, tỷ lệ thất bại của start-up sẽ thấp hơn”, bà Jan Lederman khẳng định.

Sự tham gia của nhà đầu tư vào các start-up không chỉ là rót vốn, mà còn cùng các nhà sáng lập giải quyết những vấn đề đang tồn tại trong nội bộ doanh nghiệp. Ông Glenn Yuen, Chủ tịch, kiêm sáng lập Công ty Dynamic Risk Assessment Systems (Canada) thậm chí còn coi trọng phần việc sai hơn, vì quản trị mỗi doanh nghiệp ngày càng trở nên phức tạp.

Tôi thấy Việt Nam đang bước vào giai đoạn đầu tiên của một sự chuyển mình lớn, tương tự nước Mỹ vào cuối những năm 1990 khi bắt đầu đưa Internet vào cuộc sống. Nghĩa là, dù trên cương vị người khởi nghiệp hay vai trò của nhà đầu tư, chúng tôi đều rất hào hứng với nền kinh tế dần được điện tử hoá”, ông Glenn Yuen đánh giá và ví von, Việt Nam như cánh đồng xanh để bắt đầu đưa công nghệ áp dụng vào hầu hết mọi lĩnh vực, ngành nghề.

4 nút thắt chính khi start-up gọi vốn

ICM (Innovation Capital Management) là đơn vị chính thức đầu tiên của Việt Nam được cấp phép hoạt động quản lý đầu tư và đầu tư khởi nghiệp sáng tạo, chỉ 5 tháng sau khi Nghị định số 38/2018/NĐ-CP quy định chi tiết về đầu tư cho doanh nghiệp nhỏ và vừa khởi nghiệp sáng tạo được ban hành.

ICM kỳ vọng góp phần khơi thông luồng vốn cho các start-up, bằng cách thu hút các nguồn vốn chính phủ cũng như nguồn vốn tư nhân trong và ngoài nước.

Đây là một vùng đất đầy tiềm năng, nhưng phải thẳng thắn, hệ sinh thái khởi nghiệp của Việt Nam còn nhiều khiếm khuyết”, ông Nguyễn Việt Đức, Tổng giám đốc ICM phân tích.

Thứ nhất, chất lượng dự án khởi nghiệp khá thấp. Theo đánh giá của ICM, chỉ khoảng 5-10% có thể rót vốn.

Trong Chương trình Angels City (do ICM hợp tác với một số đơn vị thực hiện, cung cấp môi trường cho các nhà đầu tư thiên thần tham gia tại các thành phố lớn, có 38 nhà đầu tư và 30 dự án tham gia, tổng vốn đăng ký đầu tư là 640.000 USD), 69% dự án chưa có doanh thu; 84% chưa từng gọi vốn….

Đó chỉ là con số trong một chương trình, nhưng phần nào phản ánh chất lượng các dự án khởi nghiệp chung trên thị trường”, ông Đức nói.

Thứ hai, kiến thức và kinh nghiệm đầu tư của các doanh nhân, nhà đầu tư nhỏ lẻ còn mỏng. Thói quen kinh doanh truyền thống ăn sâu khiến cách nhìn nhận về đổi mới sáng tạo vừa khác lạ, vừa mỏng manh so với các nhà đầu tư hay quốc gia khác.

Thứ ba là sự thiếu hụt của yếu tố hạ tầng, công cụ tài chính cho đầu tư khởi nghiệp. Thứ tư là sự rời rạc của hệ sinh thái. Mỗi đơn vị phát triển theo một cách khác nhau, từ ươm tạo, R&D, đào tạo - giảng dạy…, thiếu đề án tổng thể.

Ông Đức cũng không đánh giá cao các chính sách đầu tư mạo hiểm và tạo điều kiện vốn mồi cho các dự án khởi nghiệp. Việc tạo điều kiện thuận lợi cho quỹ đầu tư, nhà đầu tư cũng được cho rằng, hoàn toàn “chưa có gì cụ thể”.

Ngoại trừ Nghị định 38/2018/NĐ-CP về đầu tư khởi nghiệp sáng tạo, các chính sách đi kèm với tạo điều kiện đầu tư khởi nghiệp hoàn toàn mờ nhạt, không nổi trội so với các hình thái đầu tư thông thường”, ông Đức chia sẻ.

Để tháo gỡ, ICM mong mỏi, Chính phủ là người dẫn dắt thực tiễn (xuống tận các điểm nối trong hệ sinh thái), bàn thảo về phương cách tổ chức một hệ sinh thái gắn kết chặt chẽ từ khu vực tư nhân, với các bài tập cụ thể về chế độ kết dính và hỗ trợ từ chính phủ để họ đi cùng nhau, tạo ra giá trị cộng hưởng.

Chúng tôi rất cần đồng cảm, cam kết chuyên nghiệp từ nhà đầu tư, dự án cũng như sự hỗ trợ cụ thể từ ngân sách, chính sách để có thể xây dựng hệ thống mạng lưới nhà đầu tư thiên thần, các công cụ đầu tư cho họ. Từ đó, sẽ hình thành một thị trường có khả năng trao đổi các công cụ đầu tư khởi nghiệp sáng tạo, kết nối với hệ sinh thái khởi nghiệp của các nước. Là công ty quản lý Quỹ, nhưng thật sự, chúng tôi rất đơn độc”, Tổng giám đốc ICM chia sẻ.

(0) Bình luận
Nổi bật
Mới nhất
Kỳ vọng khơi thông nguồn vốn cho khởi nghiệp
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO