Chuyến thăm Việt Nam của Tổng thống Putin từ ngày 19- 20/6/2024 được kỳ vọng sẽ thúc đẩy hơn nữa hợp tác thương mại, đầu tư giữa 2 nước trong giai đoạn mới.
>> VCCI hỗ trợ Hiệp hội Nhôm Liên bang Nga tìm kiếm đối tác tại Việt Nam
Theo Thông cáo của Bộ Ngoại giao, nhận lời mời của Tổng Bí thư Ban Chấp hành Trung ương Đảng Cộng sản Việt Nam Nguyễn Phú Trọng, Tổng thống Liên bang Nga Vladimir Putin sẽ thăm cấp Nhà nước tới nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam từ ngày 19 -20/6/2024.
Nhiều chuyên gia cho rằng, chuyến thăm lần này của Tổng thống Putin tới Việt Nam sẽ tạo thêm động lực để đưa quan hệ giữa hai nước phát triển lên tầm cao mới, trong đó củng cố quan hệ hữu nghị nhân dân hai nước thêm bền chặt.
Theo lãnh đạo Vụ Thị trường châu Âu-châu Mỹ (Bộ Công Thương), mặc dù vẫn chịu nhiều tác động từ biến động địa chính trị nhưng giao thương hàng hóa giữa Việt Nam và Nga trong năm 2023 đã có bước chuyển biến tích cực. Kim ngạch xuất nhập khẩu giữa hai bên đạt 3,63 tỷ USD, tăng 2,3% so với cùng kỳ năm 2022; trong đó, xuất khẩu của Việt Nam sang Nga đạt 1,74 tỷ USD, tăng 12%. Nhập khẩu của Việt Nam từ thị trường này đạt 1,89 tỷ USD, giảm 5,2%.
Riêng trong 5 tháng đầu năm 2024, kim ngạch xuất nhập khẩu hàng hóa giữa hai bên đạt 1,96 tỷ USD, tăng 51,4% so với cùng kỳ năm 2023; trong đó, xuất khẩu của Việt Nam sang Nga đạt 955,6 triệu USD, tăng 44,7%. Nhập khẩu từ Nga về Việt Nam đạt 1 tỷ USD, tăng 58,4% so với cùng kỳ năm 2023.
Trong khi đó, Nga cũng xuất khẩu một số mặt hàng thiết yếu như than đá, phân bón, hóa chất, thực phẩm… sang Việt Nam, phục vụ sản xuất, kinh doanh, đáp ứng cho nhu cầu trong nước và xuất khẩu ra nước ngoài.
Về đầu tư, tính đến hết tháng 5/2024, Liên bang Nga có 186 dự án tại Việt Nam với tổng vốn đầu tư xấp xỉ 1 tỷ USD; trong khi đó Việt Nam có khoảng 25 dự án đầu tư tại Nga với tổng vốn đầu tư khoảng 3 tỷ USD. Có thể thấy rằng, kể từ khi Hiệp định thương mại tự do giữa Việt Nam và Liên minh kinh tế Á - Âu (EAEU) có hiệu lực, tăng trưởng kim ngạch thương mại giữa Việt Nam và Nga đã có bước tiến mạnh mẽ và là điều kiện thuận lợi để doanh nghiệp hai bên tăng cường hợp tác kinh tế, thương mại và đầu tư.
Đặc biệt, quan hệ hợp tác giữa cộng đồng doanh nghiệp Việt Nam - Nga có nhiều điểm tích cực. Các doanh nghiệp của Nga luôn đánh giá cao tiềm năng thị trường, cũng như có mong muốn mở rộng hợp tác với các doanh nghiệp Việt Nam.
Mới đây, trong buổi làm việc với ông Nguyễn Quang Vinh, Phó Chủ tịch Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI), ông Shapsha Vladislav Valerievich, Thống đốc tỉnh Kaluga, Liên bang Nga chia sẻ: “Tiềm năng hợp tác giữa Việt Nam và các doanh nghiệp của tỉnh Kaluga nói riêng và doanh nghiệp Liên bang Nga nói chung là rất lớn".
Theo ông Shapsha Vladislav Valerievich, tỉnh Kaluga nói riêng và các tỉnh, thành phố của Nga nói chung luôn thúc đẩy các chính sách hỗ trợ cũng như tạo cơ chế thuận lợi cho việc thực hiện hoạt động kinh doanh, đầu tư cho các doanh nghiệp nước ngoài, trong đó có Việt Nam.
>> Mở rộng hợp tác giữa cộng đồng doanh nghiệp Việt Nam - Liên bang Nga
Thống đốc tỉnh Kaluga cũng cho rằng, thông qua việc tăng cường hợp tác với VCCI, các doanh nghiệp của Liên bang Nga sẽ có nhiều cơ hội sang tìm hiểu và hoạt động kinh doanh tại Việt Nam và ngược lại, các doanh nghiệp Việt Nam sẽ tìm kiếm được đối tác, cũng như các lĩnh vực kinh doanh phù hợp tại tỉnh Kaluga nói riêng và tại Liên bang Nga nói chung.
Tại buổi làm việc, Phó Chủ tịch VCCI Nguyễn Quang Vinh cho biết, năm 2024 với những dấu mốc quan trọng trong quan hệ hai bên sẽ là dịp phù hợp để phát huy những truyền thống tốt đẹp và hướng tới những hợp tác xa hơn trong tương lai, vốn khiêm tốn so với tiềm năng của hai bên.
Trên thực tế, VCCI cũng đã ký kết thỏa thuận hợp tác với Phòng Thương mại Liên bang Nga và các tổ chức xúc tiến thương mại của Nga để thúc đẩy hơn nữa hợp tác giữa cộng đồng doanh nghiệp hai nước nhằm đạt được những kết quả mạnh mẽ trong đầu tư, kinh tế, thương mại. Bên cạnh những lĩnh vực truyền thống, cộng đồng doanh nghiệp hai nước có thể xem xét hợp tác trong việc đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao để có thể đáp ứng được nhu cầu của các doanh nghiệp trong bối cảnh hiện nay.
Kinh nghiệm từ các doanh nghiệp Việt Nam đầu tư sang Nga cho thấy, khi đầu tư sang Nga, các doanh nghiệp sẽ có cơ hội tiếp cận 2 nguồn lực quan trọng. Một là nguồn lực về tài chính, hai là nguồn lực về chính sách của Nhà nước. Về chính sách, Liên bang Nga luôn đảm bảo tính nhất quán trong các cam kết với nhà đầu tư. Về vốn đầu tư, các doanh nghiệp Việt Nam có thể được các ngân hàng Nga hỗ trợ vay vốn tới 80%.
Tuy nhiên, theo Bộ Công Thương, tình hình xung đột giữa Nga và Ukraine trong thời gian tới tiếp tục có những diễn biến rất khó lường. Do đó, các hiệp hội và doanh nghiệp hợp tác với Nga cần theo dõi sát tình hình thị trường để có biện pháp ứng phó phù hợp. Hơn nữa, trước khi giao dịch, ký hợp đồng ngoại thương, các doanh nghiệp cần tiến hành tìm hiểu/kiểm tra kỹ về đối tác (có thể thông qua Thương vụ), nhất là đối tác tìm được trên môi trường Internet, để tránh gặp trường hợp lừa đảo. Đáng lưu ý, nội dung của hợp đồng cần đảm bảo lợi ích của doanh nghiệp Việt Nam.
Có thể bạn quan tâm
Tập đoàn TH khởi công dự án chăn nuôi bò sữa và chế biến sữa tại Viễn Đông - Liên bang Nga
16:00, 21/05/2024
VCCI hỗ trợ Hiệp hội Nhôm Liên bang Nga tìm kiếm đối tác tại Việt Nam
15:59, 02/04/2024
Tăng cường hợp tác du lịch giữa Việt Nam và Liên bang Nga
03:00, 03/02/2024
Mở rộng hợp tác giữa cộng đồng doanh nghiệp Việt Nam - Liên bang Nga
15:10, 23/11/2023
Cơ hội kinh doanh cho doanh nhân nữ Việt Nam tại tỉnh Kaluga (Liên bang Nga)
13:46, 23/11/2023