Thị trường bất động sản kỳ vọng phục hồi bền vững khi khung pháp lý quan trọng được mở ra với nhiều quy định và cơ chế chính sách tác động đến thị trường và các chủ thể tham gia.
GS.TS Phạm Hồng Chương, Hiệu trưởng Trường Đại học Kinh tế quốc dân nhấn mạnh tại Hội thảo khoa học quốc gia với chủ đề “Thị trường bất động sản Việt Nam trong bối cảnh thực hiện Luật Đất đai, Nhà ở và Kinh doanh Bất động sản” do Trường Đại học Kinh tế Quốc dân phối hợp với Bộ Tài nguyên và Môi trường, Bộ Xây dựng tổ chức, ngày 10/10.
Theo GS.TS Phạm Hồng Chương, giai đoạn 2022 - 2023 thị trường bất động sản Việt Nam gặp nhiều khó khăn, thách thức, trong đó có nguyên nhân liên quan tới các vướng mắc pháp lý. “Tuy nhiên, từ 2024, thị trường bất động sản được kỳ vọng thay đổi tích cực khi áp dụng các đạo luật quan trọng trên”, GS,TS Phạm Hồng Chương nói.
Trước đó, tháng 11/2023, Quốc hội đã biểu quyết thông qua Luật Kinh doanh bất động sản (sửa đổi) năm 2023, Luật Nhà ở (sửa đổi) năm 2023 và đầu năm 2024 Luật Đất đai (sửa đổi) được mong chờ nhất cũng được thông qua. Ba luật nêu trên có hiệu lực từ 1/8, sớm 5 tháng so với quyết nghị của Quốc hội trước đó, góp phần hoàn thiện những mảnh ghép cuối cùng trong bức tranh pháp lý cho thị trường bất động sản.
"Thị trường bất động sản có cơ sở để kỳ vọng vào một viễn cảnh phục hồi theo hướng bền vững hơn, khi khung pháp lý quan trọng được mở ra với nhiều quy định và cơ chế chính sách tác động đến thị trường và các chủ thể tham gia", GS.TS Phạm Hồng Chương bày tỏ.
Phân tích về thị trường bất động sản thời gian qua, theo GS.TS Hoàng Văn Cường, Uỷ viên Uỷ ban Tài chính - Ngân sách của Quốc hội, giảng viên cao cấp Trường Đại học Kinh tế Quốc dân số lượng dự án chung cư, nhà ở xã hội, số sản phẩm mới được triển khai vừa qua rất khiêm tốn. “Điều này có thể kéo theo tình trạng thiếu hụt nguồn cung nhà ở thời gian tới. Trong khi, thị trường hiện nay đang mất cân đối cung cầu ở một số phân khúc", GS.TS Hoàng Văn Cường nói.
Đơn cử, với việc nguồn cung sản phẩm trên thị trường yếu nhưng cầu đang rất lớn sẽ khiến cho giá ở Hà Nội có xu hướng tăng nhanh. Còn tại các tỉnh phía Nam, bao gồm cả TP HCM giai đoạn 2023-3024 gần như nhu cầu không tăng, giá các phân khúc không tăng, riêng nhà chung cư vẫn duy trì mức tăng khoảng 6%.
Dự báo thị trường bất động sản thời gian tới, GS.TS Hoàng Văn Cường nhận định, các đạo luật mới được ban hành gần đây cùng với khung pháp lý hoàn thiện hơn được kỳ vọng sẽ tháo gỡ những ách tắc về thủ tục hành chính, tạo điều kiện thuận lợi cho thị trường phát triển.
“Ngoài ra, việc các tỉnh, thành phố đã và đang tập trung xây dựng quy hoạch cũng góp phần mở ra không gian phát triển mới cho thị trường bất động sản", GS.TS Hoàng Văn Cường nói.
Chia sẻ tại hội thảo về những tác động của 3 Luật Đất đai, Luật Nhà ở, Luật Kinh doanh bất động sản sửa đổi, TS Nguyễn Văn Đính, Phó Chủ tịch Hiệp hội Bất động sản Việt Nam, Chủ tịch Hội Môi giới Bất động sản Việt Nam cho biết không chỉ các doanh nghiệp mà ngay chính quyền các địa phương đều đang rất hào hứng và chủ động tìm hiểu, cập nhật những quy định mới của luật.
Việc luật có hiệu lực sớm hơn dự kiến đã tạo ra một "làn sóng" tích cực, thúc đẩy các doanh nghiệp nhanh chóng tiếp cận và áp dụng những điểm mới của luật vào hoạt động kinh doanh.
"Sự quan tâm và nỗ lực này từ cả phía doanh nghiệp và chính quyền địa phương cho thấy mọi người đều đang kỳ vọng vào những chuyển biến tích cực mà bộ luật mới mang lại cho thị trường bất động sản”, TS Nguyễn Văn Đính khẳng định.
Vẫn theo TS Nguyễn Văn Đính, hiện nay có hai nhóm đối tượng chính đặc biệt quan tâm đến những thay đổi của luật.
Thứ nhất, các doanh nghiệp đang có dự án chờ tháo gỡ. Nhóm này đang rất chủ động nghiên cứu các quy định mới để hoàn thiện thủ tục pháp lý cho dự án của mình.
Trong nhóm này có 4 trường hợp. Một là, dự án vướng mắc trong đền bù giải phóng mặt bằng, doanh nghiệp mong muốn tháo gỡ vướng mắc một cách nhanh chóng, đảm bảo lợi ích cho các bên liên quan. Hai là, dự án cần hoàn thiện quy trình đấu thầu, đấu giá, trước đây nhiều địa phương đã thực hiện rút gọn quy trình dẫn đến nhiều dự án bị thiếu, thậm chí có những dự án đã hoàn thiện cơ sở hạ tầng nhưng vẫn thiếu một số bước trong giai đoạn đấu thầu, đấu giá.“Nhóm này cũng đang tích cực tìm hiểu luật mới để hoàn thiện bổ sung các thủ tục”, TS Nguyễn Văn Đính chia sẻ. Ba là, dự án vướng mắc trong việc tính tiền sử dụng đất, với Luật Đất đai mới và các Nghị định hướng dẫn như Nghị định 71/2024/NĐ-CP, các doanh nghiệp đang nghiên cứu để sớm hoàn thiện việc tính giá đất. Bốn là, dự án liên quan đến chuyển đổi công năng theo quy hoạch. “Rất mừng, hiện nay hầu hết các tỉnh thành đã được phê duyệt và công bố quy hoạch, tạo điều kiện thuận lợi cho việc chuyển đổi công năng dự án”, TS Nguyễn Văn Đính bày tỏ.
Thứ hai, nhóm chủ đầu tư đang gặp khó khăn. Nhóm này đang tập trung hoàn thiện dự án, đặc biệt là một số chủ đầu tư yếu kém đang phải cơ cấu lại hoạt động. Các dự án gặp khó khăn trong giai đoạn trước đang chờ được chuyển nhượng cho những chủ đầu tư có năng lực hơn.