VCCI và ILO tăng cường hợp tác chặt chẽ hơn nữa trong việc bảo vệ người lao động, cũng như hỗ trợ các doanh nghiệp phát triển bền vững.
>>Việc làm bền vững cho tất cả mọi người
Trong buổi làm việc giữa ông Phạm Tấn Công, Chủ tịch Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) và ông Gilbert F. Houngbo, Tổng Giám đốc Tổ chức Lao động Quốc tế (ILO), hai bên đã cùng trao đổi về các chương trình hợp tác giữa VCCI và ILO trong thời gian tới, nhằm thúc đẩy bảo vệ người lao động, và hỗ trợ các doanh nghiệp phát triển bền vững.
Chủ tịch VCCI nhận định, mối quan hệ đối tác chiến lược và hỗ trợ kỹ thuật trong hơn 2 thập kỷ qua với ILO không chỉ giúp VCCI có tiếng nói mạnh mẽ hơn trong cơ chế ba bên, mà còn góp phần nâng cao uy tín và hình ảnh của VCCI đại diện cho người sử dụng lao động của Việt Nam trên trường quốc tế.
VCCI hiện đang hợp tác chặt chẽ với một số dự án của ILO như Chương trình Việc làm tốt hơn (Better Work), Dự án khung khổ quan hệ lao động mới (NIRF), Vision Zero Fund... để hỗ trợ doanh nghiệp đồng thời góp phần vận động chính sách nhằm thúc đẩy chương trình việc làm bền vững.
Đặc biệt, Chương trình hợp tác quốc gia về Việc làm bền vững (DWCP) giữa ILO, Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội và các cơ quan đối tác xã hội, trong đó có VCCI đã trải qua 3 giai đoạn hợp tác từ 2006 – 2010, 2012 – 2016, 2017 – 2021 và mới ký kết Chương trình giai đoạn 2022 – 2026 đã mang lại nhiều kết quả tốt đẹp.
Theo Chủ tịch VCCI, đây đều là những chương trình có hiệu quả cao, qua đó nâng cao năng lực cạnh tranh của doanh nghiệp Việt Nam trong nước và trong chuỗi cung ứng toàn cầu.
Để tăng cường việc hỗ trợ, hợp tác giữa hai bên trong thời gian tới, Chủ tịch VCCI đã đề xuất 4 nhóm vấn đề, bao gồm đề nghị ILO tiếp tục hỗ trợ VCCI tăng cường vai trò đại diện người sử dụng lao động thông qua chức năng tham vấn chính sách, cải cách thể chế thị trường lao động, chính sách pháp luật lao động nhằm tạo môi trường thuận lợi cho phát triển kinh tế - xã hội, lao động và việc làm một cách bền vững, phù hợp với quá trình hội nhập quốc tế.
Bên cạnh đó, củng cố các hệ sinh thái thúc đẩy các lĩnh vực toàn diện, bền vững và có trách nhiệm để tăng năng suất, thúc đẩy thương mại và đổi mới, Chuyển đổi công bằng, cải thiện điều kiện làm việc và tuân thủ, các vấn đề môi trường, việc làm xanh và chống biến đổi khí hậu.
Đồng thời, ILO tiếp tục hỗ trợ VCCI tiếp tục nâng cấp và chuyển đổi lực lượng lao động để có thể nắm bắt các cơ hội mới thông qua việc trang bị kiến thức, kỹ năng nghề nghiệp, kỹ năng sống, kỹ năng mềm và kỹ năng số phù hợp, đáp ứng yêu cầu của kỷ nguyên số và yêu cầu mới của thế giới việc làm.
>>Thúc đẩy cải cách quan hệ lao động
ILO tiếp tục hỗ trợ kỹ thuật cho VCCI để hỗ trợ doanh nghiệp tuân thủ các quy định quốc tế, tiêu chuẩn lao động và đáp ứng các yêu cầu về trách nhiệm thẩm định trong chuỗi cung ứng của EU, Nhật Bản và các thị trường xuất khẩu quan trọng khác. ILO và VCCI sẽ tiếp tục hợp tác để triển khai và mở rộng chương trình như Better Work để có thể áp dụng cho các ngành sản xuất khác.
Chủ tịch VCCI cũng cho rằng, với vị thế của mình, ILO có thể hỗ trợ kết nối với các bên liên quan, tác động đến các nhãn hàng và với các tổ chức tài chính để hỗ trợ các doanh nghiệp Việt Nam thực hiện chiến lược phát triển bền vững.
Lắng nghe những chia sẻ từ Chủ tịch VCCI, ông Houngbo đánh giá, thế giới đang gặp nhiều thách thức khác nhau trong bối cảnh hậu đại dịch COVID-19 và những tác động của suy thoái kinh tế, bất ổn chính trị của các quốc gia, biến đổi khí hậu cùng quá trình chuyển đổi số đang diễn ra nhanh chóng… Do đó, những quan tâm của VCCI cũng là những mối quan tâm được người sử dụng lao động toàn cầu hiện nay.
Tổng giám đốc ILO cho biết, để hướng tới việc phát triển bền vững và ổn định, các bên cần tập trung vào giải quyết tình trạng bất bình đẳng, xóa nghèo và an sinh xã hội cốt lõi. Cách hiệu quả nhất để làm điều này là tạo ra việc làm bền vững và thỏa đáng cho tất cả mọi người.
Cùng với đó, thế giới cũng đang chứng kiến việc dịch chuyển chuỗi cung ứng, cũng như chuyển đổi sang nền kinh tế số đã dẫn đến sự xuất hiện của các hình thức việc làm mới. ILO hoan nghênh sự hợp tác của VCCI để cùng nhau hỗ trợ giải quyết các vấn đề nêu trên như tham gia sâu rộng và tích cực trong việc xanh hóa nền kinh tế; đào tạo kỹ năng và hỗ trợ chuyển dịch cần thiết cho người lao động và doanh nghiệp để được hưởng lợi từ kỷ nguyên carbon thấp mới; nâng cao năng suất lao động; phát triển kỹ năng nghề mới cho người lao động… nhằm đảm bảo quá trình chuyển dịch công bằng.
Tổng giám đốc ILO nhấn mạnh, ILO đánh giá rất cao sự tham gia tích cực và đóng góp của VCCI, đồng thời luôn sẵn sàng lắng nghe và hỗ trợ VCCI trong các lĩnh vực liên quan đến việc làm và lao động, tăng cường đối thoại và làm việc với khối doanh nghiệp để hướng tới mục tiêu cải thiện năng suất lao động, thúc đẩy phát triển doanh nghiệp bền vững.
Có thể bạn quan tâm