Bộ GTVT đề xuất xe kinh doanh vận tải sẽ có đặc điểm nhận diện riêng nhằm xoá bỏ tình trạng xe cá nhân trá hình kinh doanh vận tải khách.
Bộ Giao thông Vận tải vừa trình Chính phủ hồ sơ đề nghị xây dựng Luật Giao thông đường bộ sửa đổi, trong đó đề xuất 3 phương án để nhận diện phương tiện kinh doanh và không kinh doanh vận tải, hạn chế tình trạng “xe dù, bến cóc".
Theo phương án 1, việc nhận biết phương tiện kinh doanh vận tải được thực hiện thông qua các quy định về cấp phù hiệu, biển hiệu như hiện nay.
Đại diện Bộ Giao thông Vận tải đánh giá, với phương án này, việc nhận diện sẽ phụ thuộc vào ý thức tuân thủ quy định của doanh nghiệp về việc gắn phù hiệu, biển hiệu, dẫn đến lực lượng chức năng khó kiểm soát điều kiện kinh doanh, hoạt động vận tải lộn xộn, thiếu minh bạch.
Phương án trên cũng gây thất thu cho ngân sách khi không kiểm soát được quy mô, ngành nghề kinh doanh, nghĩa vụ nộp thuế của các đối tượng kinh doanh vận tải không đăng ký, không thực hiện đúng quy định về phù hiệu, biển hiệu. Người dân sẽ gặp rủi ro khi sử dụng dịch vụ kinh doanh vận tải trá hình.
Phương án 2 được Bộ Giao thông Vận tải đề xuất nhận diện thông qua màu biển số xe ngay từ khi đăng ký sở hữu phương tiện.
Với phương án này, cá nhân, tổ chức khi đăng ký sở hữu phương tiện đã phải xác định phương tiện đó có được sử dụng vào kinh doanh vận tải hay không. Thông qua việc nhận diện màu biển số, lực lượng chức năng kiểm soát được điều kiện kinh doanh, xử lý vi phạm hành chính kịp thời, chính xác.
Bộ Giao thông Vận tải phân tích rằng việc phân biệt màu biển số của phương tiện cho phép áp dụng các phương tiện kỹ thuật nghiệp vụ một cách hiệu quả, đảm bảo mọi hành vi vi phạm đều được ngăn chặn, xử lý kịp thời. Không những vậy, người dân tránh được rủi ro khi sử dụng đúng các phương tiện được Nhà nước quản lý.
Về nhược điểm, phương án 2 sẽ phải đầu tư kinh phí cho việc kết nối liên thông dữ liệu về đăng ký sở hữu phương tiện và cấp giấy phép kinh doanh vận tải đồng thời phía Bộ này ước tính sẽ mất khoảng trên 100 tỷ đồng cho việc chuyển đổi giấy đăng ký và biển số xe đối với trên 700.000 xe đang kinh doanh vận tải.
Phương án 3 là nhận diện thông qua màu tem đăng kiểm. Cụ thể, danh sách phương tiện kinh doanh vận tải sẽ được gửi cho cơ quan đăng kiểm để thực hiện việc thay đổi tem đăng kiểm làm cơ sở cho việc nhận diện phương tiện kinh doanh vận tải và phương tiện không kinh doanh vận tải.
Ngoài việc thay đổi màu để nhận diện, tem đăng kiểm sẽ có thể dễ dàng in thêm mã QR mà không phát sinh thêm chi phí để hỗ trợ nhận diện phương tiện thông qua các ứng dụng trên điện thoại thông minh.
Phương án này phân biệt được giữa xe kinh doanh vận tải và xe cá nhân, tạo môi trường kinh doanh minh bạch, công bằng, kiểm soát được nghĩa vụ nộp thuế của các đối tượng kinh doanh vận tải. Thông qua việc nhận diện màu và mã QR của tem đăng kiểm, giúp giảm thời gian kiểm tra giấy tờ, kiểm tra thông tin của phương tiện, xử lý vi phạm hành chính kịp thời, chính xác.
Mặt khác, phương án này cũng không làm phát sinh chi phí cho Nhà nước trong việc cấp lại giấy đăng ký và biển số để nhận diện, doanh nghiệp không thể tùy tiện trong việc gắn hoặc không gắn phù hiệu.
Trên cơ sở phân tích của từng phương án, Bộ Giao thông Vận tải lựa chọn giải pháp tối ưu là phương án 3.
Kinh nghiệm của một số nước cho thấy, việc quản lý phương tiện kinh doanh vận tải, nhất là xe taxi và loại hình tương tự được thực hiện chặt chẽ, đặc biệt là các quy định để dễ dàng nhận biết phương tiện trong quá trình lưu thông. Tại các nước, như Hàn Quốc, Singapore, xe kinh doanh vận tải được quy định màu biển số riêng, xe taxi và xe tương tự phải gắn hộp đèn, phù hiệu và được đăng kiểm riêng.
Thực tế, tại Việt Nam, những quy định của pháp luật liên quan đến xe kinh doanh vận tải đã hướng đến xây dựng các dấu hiệu nhận biết. Như với xe taxi, có hộp đèn treo phía trên, logo trên thân xe, phù hiệu dán ở vị trí trước kính lái. Ngoài ra, lái xe có đồng phục với màu sắc đặc trưng của từng hãng taxi.
Sau khi Bộ GTVT cho phép thí điểm đối với xe hợp đồng điện tử từ năm 2016, đã xuất hiện một loại hình phương tiện kinh doanh vận tải mới. Theo Hiệp hội Vận tải ô tô Việt Nam, về bản chất, có thể thấy, xe hợp đồng điện tử hoạt động như xe taxi, sử dụng phương tiện ô tô dưới 9 chỗ, đón trả khách chủ yếu trong nội đô các thành phố lớn. Sau gần 4 năm thí điểm, số lượng phương tiện hoạt động theo hình thức xe hợp đồng điện tử tăng lên nhanh chóng, vượt nhiều lần so với số lượng taxi. Tuy nhiên, việc nhận diện xe hợp đồng điện tử còn khá khó khăn do quy định chưa chặt chẽ.
Theo ông Nguyễn Công Hùng, Phó chủ tịch Hiệp hội Vận tải ô tô Việt Nam, gần như không có dấu hiệu gì để nhận biết xe hợp đồng điện tử bởi phù hiệu rất nhỏ, đặt ở vị trí khuất, khó quan sát, nhất là khi xe đang lưu thông. Điều này đặt ra không ít thách thức cho lực lượng chức năng trong công tác quản lý phương tiện.