Với một số quy định tại Nghị định 45/2014/NĐ-CP về thu tiền sử dụng đất, nhiều trường hợp đang nợ tiền sử dụng đất có thể được tính lại.
Những ngày gần đây, các hộ gia đình, cá nhân được ghi nợ tiền sử dụng đất trước ngày 1/3/2016 trên khắp cả nước đang “tranh thủ” thanh toán nợ tiền sử dụng đất. Bởi theo Nghị định số 79/2019/NĐ-CP ngày 26/10/2019 của Chính phủ, các cá nhân, hộ gia đình nợ tiền sử dụng đất trước ngày 1/3/2016 đến thời điểm hiện tại vẫn chưa hoàn tất nộp thì sau ngày 1/3/2021, sẽ phải nộp tiền sử dụng đất được tính theo bảng giá đất giai đoạn 2020 - 2024 với hệ số K mới.
Bởi lẽ, ở hầu hết các địa phương, giá đất hàng năm đều có sự thay đổi về hệ số K, đơn cử như tại Hà Nội, hệ số K áp dụng cho năm 2021 cao nhất ở mức 2,15, kéo theo những cá nhân, hộ gia đình trong trường hợp nêu trên mà chưa thanh toán tiền sử dụng đất trước ngày 1/3/2021 thì tiền sử dụng đất sẽ tăng theo.
Lợi dụng sự nóng lòng muốn nộp tiền sử dụng đất của người dân, một số đối tượng đã liên hệ với những gia đình này, thông báo có cách "lách luật" để giảm số tiền phải đóng. Phần dư ra sẽ chia đôi mỗi bên hưởng một nửa.
Chia sẻ với DĐDN, luật gia Nguyễn Thị Thu Hiền – Đoàn LS TP HCM chỉ rõ: Với một số quy định tại Nghị định 45/2014/NĐ-CP, nhiều trường hợp đang nợ tiền sử dụng đất có thể sẽ được tính lại, do đó người dân cần tìm hiểu kỹ tránh bị đối tượng lôi kéo.
Luật gia Hiền phân tích: Nghị định 45/2014/NĐ-CP có quy định rõ về số tiền sử dụng đất, các trường hợp miễn, giảm tiền sử dụng đất. Các đối tượng được miễn, giảm là: Hộ gia đình, cá nhân được Nhà nước giao đất tái định cư khi thu hồi đất theo quy định của pháp luật về đất đai.
Trong đó, hộ gia đình, cá nhân gồm: Người có công với cách mạng; hộ nghèo; hộ gia đình, cá nhân là đồng bào dân tộc thiểu số; hộ gia đình, cá nhân có hộ khẩu thường trú tại địa bàn cấp xã được công nhận là địa bàn kinh tế - xã hội khó khăn, địa bàn kinh tế - xã hội đặc biệt khó khăn.
Bên cạnh đó, một số trường hợp sẽ được tính lại tiền sử dụng đất, đơn cử như gia đình có số diện tích đất thừa trước đây đã tính phải trả 100% tiền sử dụng đất, thì nay chỉ tính 50%.
Cụ thể, tiền sử dụng đất được tính theo phương pháp chi tiết như sau: Tiền sử dụng đất phải nộp = (bằng) giá đất tính tiền sử dụng đất theo mục đích sử dụng đất x (nhân) diện tích đất phải nộp tiền sử dụng đất - (trừ) tiền sử dụng đất được giảm theo quy định tại Nghị định 45 (nếu có) - tiền bồi thường, giải phóng mặt bằng được trừ vào tiền sử dụng đất (nếu có).
Theo đó, Luật gia Nguyễn Thị Thu Hiền cảnh báo người dân cần tìm hiểu rõ Nghị định 45, xem xét rõ trường hợp tính tiền sử dụng đất của cá nhân, gia đình. Thực hiện thanh toán tiền sử dụng đất theo đúng quy định, không nên tin lời lôi kéo, lừa đảo lách luật.
Được biết, Nghị định 79/2019 của Chính phủ sửa đổi điều 16 Nghị định 45/2014 vừa được ban hành về việc thu tiền sử dụng đất đã quy định cụ thể đối tượng được ghi nợ tiền sử dụng đất là các hộ gia đình, cá nhân được ghi nợ tiền sử dụng đất trong trường hợp được giao đất tái định cư khi nhà nước thu hồi đất, gồm có 4 trường hợp là người có công với cách mạng; hộ nghèo; hộ gia đình, cá nhân là đồng bào dân tộc thiểu số; hộ gia đình, cá nhân có hộ khẩu thường trú tại địa bàn cấp xã được công nhận là địa bàn kinh tế - xã hội khó khăn, đặc biệt khó khăn.
Các hộ gia đình, cá nhân ghi nợ tiền sử dụng đất được trả nợ dần trong 5 năm kể từ ngày có quyết định giao đất tái định cư và không phải nộp tiền chậm nộp trong 5 năm này. Trường hợp sau 5 năm kể từ ngày có quyết định giao đất tái định cư mà hộ gia đình, cá nhân chưa trả hết nợ tiền sử dụng đất thì phải nộp đủ số tiền còn nợ và tiền chậm nộp tính trên số tiền còn nợ từ thời điểm hết thời hạn 5 năm được ghi nợ tới thời điểm trả nợ.
Trong khi trước đây hộ gia đình, cá nhân được chuyển mục đích sử dụng đất; được cấp giấy chứng nhận phải nộp tiền sử dụng đất và hộ gia đình, cá nhân được nhà nước giao đất tái định cư mà có khó khăn về tài chính sẽ được ghi nợ tiền sử dụng đất.
Quy định lần này đã thu hẹp các đối tượng được thụ hưởng chính sách nợ tiền sử dụng đất khi chỉ cho 4 đối tượng được ghi nợ. Điều này tránh tình trạng hộ gia đình, cá nhân ghi nợ tiền sử dụng đất tràn lan như trước vì không phải đóng bất cứ khoản lãi, chênh lệch nào trong thời gian 5 năm
Luật gia Nguyễn Thị Thu Hiền bày tỏ, quy định yêu cầu hộ gia đình, cá nhân phải đóng tiền sử dụng đất theo bảng giá đất mới tại thời điểm sau ngày 1.3.2021 là hoàn toàn hợp lý bởi nếu không tăng, người dân sẽ không đóng, cứ ghi nợ và như thế nhà nước sẽ khó thu tiền sử dụng đất.
"Đã đến lúc chính sách tiền sử dụng đất phải thay đổi tiệm cận theo thị trường vì khi đó mới tạo được sự công bằng và giúp ngân sách nhà nước thu được tiền sử dụng đất đầy đủ hơn” - Một chuyên gia nhấn mạnh.
Có thể bạn quan tâm