Tỉnh Lai Châu đã chính thức khai mạc Đại hội đại biểu Đảng bộ lần thứ XIV, nhiệm kỳ 2020 - 2025 ngày hôm nay (22/10).
Với phương châm "Đoàn kết, dân chủ, kỷ cương, đổi mới, phát triển", Đại hội đại biểu Đảng bộ tỉnh Lai Châu lần thứ XIV sẽ tập trung một số vấn đề quan trọng. Trong đó, tổng kết, đánh giá tình hình thực hiện Nghị quyết Đại hội đại biểu Đảng bộ tỉnh lần thứ XIII, nhiệm kỳ 2015 - 2020 và kiểm điểm sự lãnh đạo của Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh khóa XIII; chỉ rõ ưu, khuyết điểm, nguyên nhân và rút ra bài học kinh nghiệm; đề ra mục tiêu, nhiệm vụ, giải pháp thực hiện nhiệm vụ chính trị của Đảng bộ trong nhiệm kỳ 2020 - 2025, định hướng đến 2030; thảo luận và thông qua Báo cáo tổng hợp ý kiến góp ý của Đại hội Đảng bộ các cấp; của cán bộ, đảng viên và các tầng lớp Nhân dân trong tỉnh vào Dự thảo các Văn kiện Đại hội lần thứ XIII của Đảng; Đại hội phát huy tinh thần đoàn kết, dân chủ, trách nhiệm lựa chọn những đồng chí tiêu biểu về phẩm chất chính trị, đạo đức, uy tín, có năng lực, sáng tạo, quyết tâm đổi mới, dám nghĩ, dám làm, dám chịu trách nhiệm, là trung tâm đoàn kết bầu vào Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh khóa XIV, nhiệm kỳ 2020 - 2025; lựa chọn, bầu đoàn đại biểu của Đảng bộ tỉnh Lai Châu đi dự Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng…
Theo ông Phạm Minh Chính, Trưởng Ban Tổ chức Trung ương, trong nhiệm kỳ tới, tỉnh Lai Châu cần tiếp tục giữ gìn, củng cố và vun đắp cho sự đoàn kết, thống nhất trong Đảng bộ và cả hệ thống chính trị; tạo sự đồng thuận cao của các tầng lớp Nhân dân. Coi trọng và tập trung thực hiện thật tốt 10 nhiệm vụ trọng tâm về xây dựng Đảng; linh hoạt trong xử lý công việc và sâu sát, sáng tạo trong tổ chức thực hiện công tác xây dựng Đảng phù hợp với tình hình thực tiễn của Lai Châu.
Tỉnh cần tập trung cho phát triển kinh tế là nhiệm vụ trung tâm, trong đó, lấy phát triển hạ tầng, cải cách hành chính đồng bộ, hiện đại làm nền tảng; lấy giáo dục đào tạo, thu hút nguồn nhân lực chất lượng cao, sáng tạo và ứng dụng khoa học công nghệ làm động lực; Chăm lo xây dựng khối đại đoàn kết toàn dân tộc, bảo tồn và phát huy các giá trị truyền thống, giữ gìn bản sắc văn hóa các dân tộc, thống nhất trong đa dạng của nền văn hóa dân tộc Việt Nam; Củng cố quốc phòng, an ninh, tích cực chủ động hội nhập quốc tế sâu rộng, xây dựng Lai Châu thành khu vực phòng thủ vững chắc về an ninh, quốc phòng; phòng tuyến hợp tác và cạnh tranh kinh tế quốc tế.
Được biết, giai đoạn 2015-2020, Đảng bộ, chính quyền và nhân dân các dân tộc tỉnh Lai Châu đã đoàn kết, tranh thủ những thời cơ, thuận lợi, khắc phục khó khăn, vượt qua thách thức, phấn đấu và đạt được kết quả khá toàn diện trên các lĩnh vực, kinh tế tăng trưởng khá cao, thực hiện tốt các chính sách an sinh xã hội, đời sống vật chất, tinh thần của Nhân dân các dân tộc từng bước được nâng cao, quốc phòng, an ninh được giữ vững, 11/11 chỉ tiêu chủ yếu đều đạt và vượt mục tiêu Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XIII đã đề ra, tạo tạo tiền đề vững chắc để tỉnh tiếp tục phát triển trong nhiệm kỳ 2020 - 2025.
Đáng chú ý, kinh tế phát triển khá, tốc độ tăng trưởng kinh tế bình quân ước đạt 11,55%/năm; ước tổng sản phẩm năm 2020 đạt 20.486 tỷ đồng, tăng 95,72% so với năm 2015; GRDP bình quân đầu người dự ước đạt trên 40 triệu đồng, tăng hơn 2 lần so với năm 2015, tăng trưởng GRDP bình quân đầu người/năm đạt 11,9%. Cơ cấu kinh tế chuyển dịch đúng hướng chất lượng tăng trưởng có tính bền vững; giá trị tổng sản phẩm toàn ngành Nông nghiệp tăng bình quân 5,55%/năm, tổng sản lượng lương thực có hạt 220.000 tấn; mở rộng vùng chè 7.775 ha; cây mắc ca 3.774 ha; 13.000 ha cây cao su, đưa trên 6.700 ha vào khai thác, sản lượng mủ khô ước đạt 16.600 tấn.
Về phát triển công nghiệp, tỉnh có mức tăng trưởng khá, giá trị tổng sản phẩm toàn ngành tăng bình quân 37,02%/năm; giá trị sản xuất năm 2020 đạt 6.028 tỷ đồng, tăng 4,8 lần so với năm 2015. Kết cấu hạ tầng được quan tâm đầu tư phát triển. Đến nay, 100% xã có đường ô tô đến trung tâm được cứng hóa; 93,7% thôn, bản có đường ô tô hoặc xe máy đi lại thuận lợi; Công tác giáo dục và đào tạo, khám chữa bệnh được nâng cao; tỷ lệ hộ nghèo giảm nhanh.
Bên cạnh đó, xây dựng nông thôn mới tiếp tục được chú trọng; Thành phố Lai Châu được công nhận hoàn thành nhiệm vụ xây dựng nông thôn mới năm 2019; năm 2020 huyện Tân Uyên và 39 xã (trên 40%) được công nhận đạt chuẩn nông thôn mới. Quốc phòng, an ninh được bảo đảm, chủ quyền biên giới quốc gia được giữ vững; chính trị xã hội ổn định. Quan hệ đối ngoại giữa tỉnh Lai Châu với tỉnh Vân Nam (Trung Quốc) và các tỉnh Bắc Lào được tăng cường, đi vào chiều sâu; quan hệ hợp tác với các tổ chức quốc tế, các đại sứ quán được mở rộng.
Tại Đại hội sáng nay, ông Phạm Minh Chính, Trưởng Ban Tổ chức Trung ương mong muốn các đại biểu dự Đại hội sẽ công tâm, sáng suốt lựa chọn những đồng chí có đủ tiêu chuẩn và điều kiện, có đức, có tài để bầu vào Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh khóa XIV; thảo luận, đóng góp ý kiến sâu sắc, trí tuệ vào các dự thảo văn kiện trình Đại hội XIII của Đảng; sáng suốt lựa chọn để bầu Đoàn đại biểu dự Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ XIII theo quy định. Đồng thời, phát động các đại biểu dự Đại hội bày tỏ sự chia sẻ sâu sắc, tình cảm cao đẹp của mình đến với nhân dân các tỉnh miền Trung ruột thịt đang phải hứng chịu thiên tai do bão, lũ gây ra.
Có thể bạn quan tâm
Lai Châu: Sức hút “ven trời Tây bắc”
15:22, 17/10/2020
Lai Châu: Khuyến khích đầu tư lĩnh vực ưu thế
10:04, 17/10/2020
Lai Châu: Giao thông đi trước
14:54, 16/10/2020
Lai Châu: Đánh thức tiềm năng
11:43, 16/10/2020
Quảng Trị khai mạc Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XVII
08:41, 15/10/2020
Lạng Sơn: Đại hội Đảng bộ tỉnh thành công với 5 chương trình công tác trọng tâm
06:47, 28/09/2020
Vì sao Yên Bái đưa “chỉ số hạnh phúc” vào chương trình Đại hội Đảng bộ?
17:02, 27/09/2020