Các chuyên gia dự báo, trong bối cảnh một số ngân hàng rục rịch tăng lãi suất huy động, lãi suất cho vay có thể sẽ sớm theo gót, nhất là ở những ngân hàng có nền tảng tài chính không vững chắc.
>>Thử thách nỗ lực giảm lãi suất vay của các ngân hàng
Theo nhóm chuyên gia tại Viện Nghiên cứu Khoa học - Học viện Ngân hàng, tín dụng có xu hướng đảo chiều tăng trở lại trong tháng 3/2024 (0,26%), trong khi tăng trưởng huy động vốn vẫn ghi nhận mức sụt giảm 0,76% so với đầu năm.
Chênh lệch tăng tín dụng - tiền gửi tại hệ thống đạt mức 230.000 tỷ đồng, kết hợp với động thái hút tiền mặt qua tín phiếu hơn 171.000 tỷ đồng vừa qua của Ngân hàng Nhà nước (NHNN) khiến thanh khoản hệ thống ngân hàng giảm so với cuối năm.
Lãi suất tại một số ngân hàng thương mại (NHTM) (MSB, VPBank, Kienlong Bank...) có dấu hiệu tăng trở lại trong đầu tháng 4/2024, với mức tăng từ 0,2%-0,5%/năm, sau giai đoạn dài duy trì xu thế giảm.
Chênh lệch lãi suất giữa các nhóm NHTM có xu hướng thu hẹp so với đầu năm. Đáng chú ý, lãi suất huy động tại các NHTM Nhà nước, vốn là mức lãi suất thấp nhất trong nhóm các NHTM cũng vượt lên dẫn đầu kể từ đầu tháng 3/2024.
Yếu tố tác động đến việc tăng lãi suất huy động là sự tăng giá của các tài sản khác. Trong quý I/2024, giá các tài sản bao gồm vàng, chứng khoán và bất động sản đều chứng kiến đà tăng mạnh. Điều này khiến người dân đổ tiền dư thừa vào các tài sản tài chính thay vì tiền gửi ngân hàng, trong tương quan so sánh giữa lãi suất huy động với lợi tức từ đầu tư. Vì vậy, các NHTM sẽ buộc phải tăng lãi suất huy động theo xu hướng chung, nếu muốn tăng sức cạnh tranh và thu hút nguồn vốn từ dân cư.
“Một tín hiệu vui đối với việc điều hành lãi suất là diễn biến lạm phát. Lạm phát tháng 3/2024 tăng, với 3 nhóm ngành tăng chính là giáo dục, y tế và nhà ở. Tuy nhiên, tính cả quý I/2024, lạm phát tăng trong tầm kiểm soát là 2,81% so với cùng kỳ (các mức này tại năm 2022 và 2023 lần lượt là 1,92% và 4,18%). Điều này cho thấy lạm phát chưa phải là yếu tố tạo áp lực lên công tác điều hành tỷ giá và tín dụng của NHNN trong thời gian qua”, nhóm chuyên gia phân tích.
Trong báo cáo công bố mới đây của WiGroup cũng đề cập rằng, mặc dù tháng 4/2024, lãi suất huy động tại các nhóm NHTM Nhà nước, NHTM lớn và NHTM khác có xu hướng tăng nhẹ 0,5% so với tháng trước đó; Nhưng mặt bằng chung của lãi suất tiền gửi tại các kỳ hạn ở tất cả các nhóm ngân hàng thương mại thực tế vẫn ở mức thấp. Như vậy, thanh khoản NHTM vẫn ở mức dồi dào và lãi suất huy động sẽ duy trì ở mức thấp như hiện tại, trước khi nhu cầu tín dụng tăng trở lại trong nửa cuối năm 2024.
>>Lãi suất có thể tăng trong 3 - 6 tháng tới
Trao đổi với phóng viên, TS. Nguyễn Trí Hiếu, chuyên gia tài chính ngân hàng nhìn nhận, nguyên nhân dẫn đến sự tăng của lãi suất tiết kiệm trong những ngày gần đây có thể được phân tích qua hai khía cạnh chính. Thứ nhất, sự không hài lòng của khách hàng với mức lãi suất tiết kiệm thấp trong thời gian qua đã khiến họ tìm kiếm các kênh đầu tư khác, như vàng - một lựa chọn trở nên hấp dẫn hơn. Điều này buộc các ngân hàng phải điều chỉnh lên mức lãi suất tiết kiệm để thu hút và giữ chân khách hàng, nhằm duy trì và tăng cường mối quan hệ với họ.
Thứ hai, trong 4 tháng đầu năm 2024, tăng trưởng tín dụng ghi nhận mức độ thấp, thậm chí có sự suy giảm trong tháng đầu tiên. Tuy nhiên, vào cuối tháng 4 và đầu tháng 5, các ngân hàng đã bắt đầu nhận thấy sự phục hồi của hoạt động tín dụng, điều này khích lệ họ mở rộng phạm vi cho vay, đồng nghĩa với việc huy động vốn lớn hơn để đáp ứng nhu cầu cho vay gia tăng.
Trước bối cảnh ngân hàng nâng lãi suất huy động, lo ngại về sự điều chỉnh tương ứng của lãi suất tín dụng ngày càng trở nên rõ rệt. Các chuyên gia dự báo rằng, sau khi lãi suất tiền gửi tăng, lãi suất cho vay có thể sẽ sớm theo gót, đặc biệt là ở những ngân hàng có nền tảng tài chính không vững chắc.
Khi tăng lãi suất huy động mà không tăng lãi suất cho vay, chắc chắn lợi nhuận của nhiều ngân hàng sẽ chịu ảnh hưởng tiêu cực. Tuy nhiên không phải lập tức, mà việc tăng lãi suất tín dụng có thể sẽ được thực hiện chậm hơn dự kiến.
TS. Nguyễn Trí Hiếu phân tích, quá trình từ khi ngân hàng huy động vốn đến khi vốn được đẩy ra nền kinh tế thường có độ trễ từ 2 - 3 tháng. Khoảng thời gian này là cần thiết để ngân hàng có thể tính toán các loại chi phí liên quan và đưa ra quyết định tối ưu nhất về lãi suất cho vay.
“Trong nửa cuối năm, khi nền kinh tế được tác động bởi chính sách tiền tệ từ Mỹ khiến hoạt động tín dụng nóng lên thì lãi suất có thể sẽ tăng lên. Trong thời điểm này, người gửi tiền nên ưu tiên các kỳ hạn ngắn để tận dụng cơ hội tái gửi với lãi suất cao hơn vào nửa cuối năm.
Trong khi đó, những người có nhu cầu vay vốn được khuyên nên chọn lựa kỳ hạn dài hơn, để khóa lãi suất hiện tại, trước khi các mức lãi suất cao hơn được áp dụng trong tương lai”, ông Hiếu khuyến nghị.
Có thể bạn quan tâm
11:00, 03/05/2024
05:00, 02/05/2024
05:05, 30/04/2024