Nhiều nhà đầu tư kỳ vọng rằng, lãi suất có thể bắt đầu giảm vào nửa cuối 2023, tạo ra động tăng trưởng kinh tế mới cho Việt Nam trong năm nay.
>>Hai kịch bản cho tăng trưởng kinh tế 2023
Năm 2022, Việt Nam đã rất thành công khi tăng trưởng GDP đạt 8,02%, cao nhất trong vòng một thập kỷ, qua đó giúp Việt Nam trở thành một trong những quốc gia tăng trưởng cao nhất thế giới. Ngoài chỉ số GDP, thì tất cả các lĩnh vực khác cũng đạt kết quả tốt từ xuất nhập khẩu, đầu tư, FDI, tiêu dùng cho đến kiểm soát lạm phát...
Tuy nhiên, điều đó không có nghĩa là năm 2023 sẽ có nhiều thuận lợi. Ngược lại, những dấu hiệu suy giảm trong những tháng cuối năm và tồn đọng của nền kinh tế trong 2022, sẽ trở thành mối nguy và thách thức cho Việt Nam trong 2023, bao gồm cả yếu tố nội tại lẫn bên ngoài. Cụ thể:
Thứ nhất, xuất khẩu giảm sút do nhu cầu giảm. Trong những tháng cuối năm 2022, xuất khẩu đã xuất hiện những dấu hiệu giảm tốc rõ rệt khi xuất khẩu trong tháng 11 và tháng 12 giảm tương ứng 8.4% và 14% so với cùng kỳ năm trước. Mặc dù tính nguyên năm 2022, xuất khẩu của cả nước vẫn tăng mạnh 17.2%, nhưng rõ ràng việc giảm tốc trong tháng 11 và tháng 12 là dấu hiệu đáng lo.
Lý do của việc giảm tốc này là bởi nhu cầu tiêu dùng suy giảm ở những thị trường chính của Việt Nam bao gồm Mỹ, EU, Nhật Bản và cả Trung Quốc. Vấn đề lạm phát vẫn là một thách thức lớn cho các nền kinh tế phương Tây bất kể gần đây cho thấy nó đang hạ nhiệt. Nhưng do lãi suất tại các nền kinh tế này gia tăng quá nhanh, như tại Mỹ tăng từ 0% lên 4.25% và chưa có dấu hiệu nào cho thấy FED sẽ giảm lãi suất. Điều này làm cho người dân tại các nền kinh tế này buộc phải tiết kiệm, co hẹp tiêu dùng.
Tuy nhiên, trong khó khăn cũng có những dấu hiệu khả quan. Một là chi phí vận tải hàng hải đã giảm đáng kể trong năm 2022, giúp các doanh nghiệp trong nước giảm được chi phí xuất khẩu, qua đó hạ giá bán để kích cầu và thúc đẩy tăng trưởng. Hai là ngay cả trong thời kỳ đại dịch thì xuất khẩu của Việt Nam cũng không giảm 3 tháng liên tiếp. Do đó chúng ta có thể hy vọng nhịp tăng trưởng xuất khẩu sẽ dần được hồi phục trong quý 1/2023. Ngoài ra một thống kê cho thấy, ngay cả khi xuất khẩu suy giảm thì nền kinh tế Việt Nam vẫn tăng trưởng, ví dụ như năm 2009, khi đó xuất khẩu giảm 8.9% nhưng GDP vẫn tăng 5.4%.
Thứ hai, sản xuất công nghiệp giảm tốc. Sự phục hồi kinh tế của Việt Nam trong năm 2022 thể hiện rất rõ ở sản lượng sản xuất công nghiệp. Sau khi nền kinh tế mở cửa thì sản xuất công nghiệp đã gia tăng mạnh mẽ. Tuy nhiên những tháng cuối năm do căng thẳng trên thị trường ngân hàng, bất ổn trên thị trường trái phiếu doanh nghiệp, suy giảm xuất khẩu đã làm cho sản lượng công nghiệp giảm tốc mạnh mẽ. Điều này thật sự là một mối lo lắng hết sức nghiêm trọng cho nền kinh tế trong năm 2023.
Thứ ba, tăng trưởng tiêu dùng suy giảm nhẹ, năm 2022 là một năm bùng nổ của thị trường tiêu dùng bán lẻ khi hầu hết người dân đã không thể chi tiêu trong năm đại dịch 2021. Do đó, khi nền kinh tế mở cửa trở lại, nhu cầu mua sắm, tiêu dùng, du lịch tăng lên một cách mạnh mẽ.
Trong cả năm 2022, doanh số tiêu dùng bán lẻ tăng tới 19.8% so với mức suy giảm 3.8% của năm 2021. Tuy nhiên, cũng xuất hiện vài dấu hiệu cho thấy mức tiêu dùng có chiều hướng suy giảm vào những tháng cuối năm. Điều này làm dấy lên những lo lắng cho nhà đầu tư.
Nhưng nếu nhìn kỹ, chúng ta sẽ thấy mức suy giảm là không lớn và vẫn nằm ở khung tăng trưởng rất cao. Trong nhiều năm, chúng ta hiếm khi thấy tiêu dùng tăng trưởng mạnh mẽ như vậy. Nhưng sang năm 2023, tiêu dùng sẽ khó có thể giữ được mức tăng trưởng cao như năm 2022, mà sẽ quay về mức tăng trưởng bình quân của những năm trước khoảng 9-10%/năm.
Thứ tư, áp lực tỷ giá và lãi suất. Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (FED) vẫn đang kiểm soát lạm phát một cách rất sát sao, bất chấp lạm phát có dấu hiệu thuyên giảm nhưng hiện tại vẫn chưa thấy dấu hiệu nào cho thấy FED sẽ sớm giảm lãi suất. Tới thời điểm hiện tại, một kỳ vọng được xem là lạc quan đó là FED ngưng tăng lãi suất.
Như vậy, áp lực tỷ giá USD/VND vẫn còn ở mức rất cao. Điều này làm cho NHNN vẫn phải theo sát thị trường quốc tế và can thiệp kịp thời vào thị trường ngoại hối. Bởi lãi suất USD vẫn ở mức cao, chính vì vậy, lãi suất VND trước mắt vẫn khó có thể giảm được. Nhiều nhà đầu tư kỳ vọng rằng, lãi suất có thể bắt đầu giảm vào nửa cuối 2023, tạo ra động tăng trưởng kinh tế mới cho Việt Nam trong năm nay.
>>Chính sách tiền tệ 2023: Dịch chuyển theo hướng kiềm giữ đà tăng lãi suất
Do vấn đề nghiêm trọng của thị trường trái phiếu doanh nghiệp và thị trường bất động sản, đã làm cho thanh khoản của hệ thống ngân hàng trở nên căng thẳng hơn bao giờ hết. Điều này đã đẩy lãi suất huy động tăng cao một cách đột ngột làm cho chi phí lãi vay của doanh nghiệp “nhảy dựng”. Không chỉ có lãi vay mà việc tiếp cận nguồn vốn của doanh nghiệp cũng trở nên vô cùng khó khăn. Điều này là một cản trở rất lớn cho tăng trưởng kinh tế trong năm mới.
Trong ngắn hạn, thị trường bất động sản vẫn làm khó nền kinh tế bởi thị trường này gần như rơi vào tình trạng đóng băng. Điều này dẫn đến một lượng vốn lớn đã bị “chôn” dưới đất, gây ra căng thẳng trên thị trường ngân hàng. Do đó, nếu lãi suất tiếp tục nằm ở mức cao như hiện nay thì đó thật sự là một áp lực cực kỳ lớn cho tăng trưởng nền kinh tế Việt Nam.
Có thể nói, năm 2023 vẫn là một năm khó lường từ việc tăng giảm lãi suất của FED, cho đến cuộc chiến tranh giữa Nga - Ukraine hay việc mở cửa nền kinh tế của Trung Quốc cũng sẽ ảnh hưởng đáng kể lên chính sách kinh tế của các quốc gia trên phạm vi toàn cầu.
Chỉ cần một vài yếu tố hoặc sự kiện bất ngờ xảy ra thì toàn bộ những dự báo có thể trở nên lỗi thời và sai lệch. Tuy nhiên, trong cái rủi vẫn có cái may, đó là nền kinh tế của Việt Nam vẫn sẽ tăng trưởng dù tốc độ tăng trưởng sẽ giảm mạnh đáng kể so với 2022 về mức khoảng 6,0%. Trong trường hợp các yếu tố thách thức không được giải quyết triệt để như lãi suất, tỷ giá, trái phiếu doanh nghiệp hay bất động sản, thì tăng trưởng kinh tế có thể bị kéo về mức 5,0%.
Nhưng dù vậy, đó cũng là một mức tăng trưởng rất cao nếu so với nền kinh tế khác như Trung Quốc, EU, Nhật Bản hay Mỹ. Ngoài ra, chúng ta còn một số biện pháp tài khóa hoàn toàn có thể cải thiện tốc độ tăng trưởng kinh tế đó là đầu tư công. Do đó, trong viễn cảnh xấu nhất thì nền kinh tế Việt Nam vẫn sẽ tăng trưởng nhưng với một tốc độ chậm hơn.
Có thể bạn quan tâm
11:00, 15/01/2023
05:20, 12/01/2023
05:00, 12/01/2023
05:20, 03/01/2023