Để thu hút đầu tư, Lâm Đồng sẽ tập trung xây dựng, phát triển đồng bộ hạ tầng gắn với quy hoạch phát triển vùng Tây Nguyên, Đông Nam Bộ và Duyên hải Nam Trung Bộ.
Thời gian qua, để thực hiện các Nghị quyết của Chính phủ và cam kết với cộng đồng doanh nghiệp, tỉnh Lâm Đồng đã ban hành nhiều văn bản chỉ đạo với các giải pháp cụ thể cải thiện môi trường kinh doanh trên địa bàn. Tỉnh cũng đã triển khai nhiều chính sách hỗ trợ phát triển doanh nghiệp thông qua các chương trình hỗ trợ tiếp cận tín dụng, đất đai, khoa học công nghệ, khuyến công, hỗ trợ khởi nghiệp, tăng cường hiệu quả công tác đối thoại… Ngoài các cuộc đối thoại giữa lãnh đạo tỉnh và cộng đồng doanh nghiệp, tỉnh Lâm Đồng còn giao Hiệp hội doanh nghiệp chủ trì các hội nghị đối thoại chuyên ngành; triển khai khảo sát, đánh giá sự hài lòng của doanh nghiệp thông qua bộ chỉ số DDCI...
Đặc biệt, UBND tỉnh đã chỉ đạo Sở Thông tin và Truyền thông xây dựng giải pháp duy trì và nâng cao điểm số của chỉ số “Tính minh bạch và tiếp cận thông tin” và đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin, cung cấp dịch vụ công trực tuyến mức độ 3, mức độ 4 nhằm phục vụ người dân và doanh nghiệp.
Nhiều chính sách hỗ trợ phát triển doanh nghiệp thông qua các chương trình hỗ trợ tiếp cận tín dụng, đất đai, khoa học công nghệ, khuyến công, hỗ trợ khởi nghiệp… được tỉnh tích cực triển khai. 5 năm trở lại đây, năng lực cạnh tranh cấp tỉnh (PCI) được cải thiện tích cực và Lâm Đồng luôn được xếp hạng thuộc nhóm các địa phương có chất lượng điều hành khá và đứng đầu 5 tỉnh Tây nguyên.
Với những giải pháp đồng bộ, thời gian qua, môi trường đầu tư của tỉnh Lâm Đồng đã từng bước được cải thiện tích cực. Một số chỉ tiêu quan trọng như: Thời gian đăng ký thành lập doanh nghiệp, tiếp cận điện năng, thời gian nộp thuế, thẩm định và cấp phép xây dựng, thời gian hoàn thành thủ tục xuất nhập khẩu, ngành Thuế đã phấn đấu đạt mức ASEAN 4 về cải cách hành chính thuế đối với 03 nhóm chỉ tiêu mới là: Kiểm tra trước hoàn thuế, thực hiện quản lý rủi ro trong thanh tra, kiểm tra thuế, thời gian và kết quả xử lý những khiếu nại về thuế... đã góp phần quan trọng cải thiện môi trường kinh doanh trên địa bàn.
Ông Trần Văn Hiệp, Chủ tịch UBND tỉnh Lâm Đồng cho biết, để thu hút đầu tư, tỉnh Lâm Đồng sẽ tập trung xây dựng, phát triển đồng bộ hạ tầng gắn với quy hoạch phát triển vùng Tây Nguyên, Đông Nam Bộ và Duyên hải Nam Trung Bộ. Tỉnh sẽ huy động tối đa các nguồn vốn của các thành phần kinh tế, đặc biệt là nguồn vốn ngoài ngân sách nhà nước thông qua các hình thức đối tác công tư để đầu tư phát triển kết cấu hạ tầng đồng bộ: giao thông, đô thị, năng lượng, thủy lợi... gắn với quy hoạch phát triển vùng, tỉnh và huyện; bứt phá trong phát triển hạ tầng công nghệ thông tin, viễn thông, Internet..., tạo cơ sở cho bước chuyển sang nền kinh tế số, hiện đại.
Bên cạnh việc thúc đẩy tiến độ đầu tư xây dựng hoàn thiện hệ thống đường vành đai các đô thị lớn, tỉnh sẽ tranh thủ nguồn vốn trung ương đầu tư dự án có quy mô lớn, có tính liên kết vùng như: đường cao tốc Dầu Giây - Liên Khương; các quốc lộ: 27, 27C, 28, 28B, 55; đường vành đai, đường tránh đô thị Đà Lạt, Bảo Lộc; nâng cấp Sân bay Liên Khương từ tiêu chuẩn 4D lên 4E...
Đồng thời, tỉnh tiếp tục thực hiện tốt công tác bồi thường, giải phóng mặt bằng, tạo điều kiện thuận lợi để triển khai thực hiện các dự án, công trình theo đúng tiến độ.
Theo Chủ tịch UBND tỉnh Lâm Đồng, tỉnh kiên trì thực hiện đồng bộ các biện pháp cải thiện căn bản môi trường đầu tư kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh, phấn đấu đưa tỉnh Lâm Đồng đứng vào nhóm các tỉnh, thành phố trong cả nước có chỉ số năng lực cạnh tranh (PCI) và nhóm 20 tỉnh có chỉ số Hiệu quả Quản trị và hành chính công cấp tỉnh (PAPI) tốt nhất vào năm 2025. Rút ngắn thời gian giải quyết các thủ tục hành chính liên quan đến đầu tư kinh doanh của doanh nghiệp, nhất là về giải phóng mặt bằng, giao đất, thuế, hải quan...
Lâm Đồng cũng đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin một cách toàn diện, đồng bộ trong giải quyết thủ tục hành chính. Thực hiện công khai, minh bạch về quy hoạch, thủ tục hành chính và chính sách thu hút đầu tư. Cùng với việc tiếp tục cơ cấu lại các dự án đầu tư đã được quyết định chủ trương đầu tư, Lâm Đồng sẽ thực hiện các biện pháp đôn đốc, tháo gỡ khó khăn, tạo điều kiện thuận lợi cho các nhà đầu tư chiến lược đầu tư các dự án lớn có tầm ảnh hưởng rộng. Kiên quyết chấm dứt hoạt động, thu hồi đất đối với các dự án không có khả năng triển khai, các dự án lập thủ tục để giữ đất, các dự án vi phạm pháp luật. Tiếp tục xây dựng, rà soát danh mục và cơ cấu lại các dự án thu hút đầu tư đảm bảo tính khả thi, đáp ứng yêu cầu phát triển KT-XH của địa phương...
“Bên cạnh việc tiếp tục đổi mới, chủ động, nâng cao hiệu quả hoạt động xúc tiến đầu tư nhằm thu hút các nhà đầu tư có tiềm lực, kinh nghiệm triển khai dự án, tỉnh Lâm Đồng cũng ưu tiên nhà đầu tư thực hiện dự án trong lĩnh vực thế mạnh của tỉnh là nông nghiệp và du lịch; khuyến khích các nhà đầu tư chiến lược thực hiện dự án khu đô thị mới, khu dân cư; các ngành công nghiệp hỗ trợ, năng lượng tái tạo, vật liệu mới, các lĩnh vực xã hội hóa giáo dục và đào tạo, dạy nghề, y tế, văn hóa, thể thao, môi trường… " - ông Trần Văn Hiệp nhấn mạnh.
Có thể bạn quan tâm