Làm giàu thành công từ cây chuối rừng trên mảnh đất “khô cằn sỏi đá”

TUẤN ANH 16/02/2023 11:28

Dù ở cái tuổi “thật thập cổ lai hy” nhưng ở huyện biên giới Tương Dương, tỉnh Nghệ An, nhiều năm nay, khi nhắc tới Mạc Thanh Long ở xã Lưu Kiền, ai cũng biết tới ông.

Bởi chính từ cách nghĩ, cách làm táo bạo, biến cả một vùng đất rộng hàng chục ha “khô cằn sỏi đá”, ông đã cùng gia đình và bà con dân bản ươm tạo, khởi nghiệp phát triển trồng cây chuối rừng để thoát nghèo, vươn lên làm giàu.

>>SV-STARTUP - lần thứ V: Kết nối, xúc tiến đầu tư đối với các ý tưởng, dự án khởi nghiệp của học sinh, sinh viên

“Hái ra tiền” từ cây chuối

Từ gốc cho đến ngọn đều trở thành sản phẩm phục vụ cho thị trường. Loại cây vốn dĩ mọc hoang dại ven suối, khe nhưng lại được ông Mạc Thanh Long năm nay đã hơn 70 tuổi trú tại bản Khe Kiền, xã Lưu Kiền, huyện Tương Dương (Nghệ An) đưa về nhân giống để trồng trên vùng đất cằn.

Ban đầu, gia đình ông Mạc Thanh Long mạnh dạn nhận 4 ha đất rừng sản xuất để canh tác nhưng loay hoay không biết trồng cây gì, nuôi con gì để thoát nghèo.

Gặp chúng tôi, khi nói về cây chuối, ông Long kể về “chiến tích” của mình khi nhìn vào những cánh rừng bạt ngàn màu xanh từ cây chuối rừng. Ông Long kể, trước kia, khu vực mình sinh sống không thể kiếm kế sinh nhai từ nghề gì cả, bà con ở đây phần lớn người bản địa là dân tộc Thái sinh sống thiếu ăn quanh năm.

>>Việt Nam điểm đến hấp dẫn cho các công ty khởi nghiệp

Phải kiếm kế sinh nhai bền vững. Những năm gần đây, ông Mạc Thanh Long nhìn thấy nhu cầu sử dụng lá chuối để gói bánh, thân chuối để chế biến thức ăn cho gia súc, gia cầm lẫn thuỷ cầm rất lớn nên tiền có thể từ nó mà ra.

“Ngày nhận đất rừng, gia đình tôi thấy mà ngao ngán, đất thì cằn cỗi bạc màu nên rừng cũng không mọc được, toàn những cây dại lúp xúp không khoanh nuôi được, phát đi trồng mới thì phải đầu tư quá lớn. Nghĩ mãi, nghĩ mãi, mình tự đặt câu hỏi, tại sao không trồng cây chuối rừng xem sao” – ông Mạc Thanh Long nhớ lại. Cũng từ suy nghĩ đó, ông Long đã huy động cả nhà vào rừng, đào gốc chuối về trồng. Thật không ngờ nó lớn rất nhanh, chỉ sau 5 tháng là cây đã cao, lá đã nhiều và bắt đầu cho thu hoạch.

Ông Mạc Thanh Long thu hoạch lá chuối rừng để gom hàng bán cho thương lái chở đi các tỉnh Thanh Hoá, Nam Định...

Ông Mạc Thanh Long thu hoạch lá chuối rừng để gom hàng bán cho thương lái chở đi các tỉnh Thanh Hoá, Nam Định...

Dẫn chúng tôi đến cánh rừng chuối, tay ông Long cầm dao rọc từng tàu lá để gom hàng cho khách một cách điệu nghệ và say sưa kể về giá trị của cây chuối rừng đã giúp cho gia đình ông làm giàu như thế nào.

“Lá chuối thì đem bán khắp nơi, ra tận Thanh Hóa, Nam Định, Hà Nội… Khi rọc lấy phần lá rồi, đừng nghĩ cái cồi đem vứt bỏ. Không đâu, thái ra làm thức ăn cho cá đấy. Thân cây thì ai cũng biết là thức ăn chính cho gia súc, gia cầm. Đến gốc chuối cũng cứ “mọc” ra tiền, mỗi gốc có giá 15.000 đồng chứ chẳng ít đâu.

>>Công ty khởi nghiệp BuyMed của Việt Nam gọi vốn thành công 33,5 triệu USD

Thỉnh thoảng bà con ở các bản người Mông lại đánh xe đến mua đủ thứ từ cây chuối, gốc thì đem về trồng, lá rách và cồi thì làm thức ăn chăn nuôi dê. Con dê nó “nghiện” món lá chuối này lắm đấy” – ông Mạc Thanh Long khoe.

Và, thay vì độc quyền, ông đã vận động bà con cùng tham gia trồng chuối rừng, phủ xanh đất trống đồi núi trọc để tăng thu nhập. Đến nay, ở Lưu Kiền, không ít gia đình “khởi nghiệp xanh” từ việc trồng cây chuối rừng cho thu nhập ổn định.

“Nhạc trưởng” của mô hình trồng cây chuối rừng

Những ngày đầu để vận động người dân trong bản trồng cây chuối rừng ở xã Lưu Kiền với ông Mạc Thanh Long không hề đơn giản. Bởi lâu nay, người dân chỉ quen tới việc vào rừng sâu hái chuối quả về làm thuốc, ngâm rượu nhưng khi đem về trồng đại trà, thứ quả chuối hột cũng có thể trở thành hàng hoá đem bán ra thị trường.

“Đầu tiên là vận động các hộ nghèo, những người có họ hàng với gia đình mình. Không phải tôi cục bộ đâu, mà người họ hàng thì họ tin mình hơn, nói là họ nghe. Từ việc thấy được lợi ích từ trồng cây chuối rừng, nhiều gia đình trong bản cũng mạnh dạn cải tạo đất cằn để trồng” – ông Long nói.

Cũng chính vì thấy rõ cái lợi ích đó từ việc lá chuối mà cũng ra tiền, lại nhiều tiền nên những năm gần đây bà con ở đây đã triển khai trồng đại trà. Nhiều gia đình trước đây quanh năm thiếu đói, nay đã có của ăn, của để nhờ mô hình trồng cây chuối rừng từ hộ ông Mạc Thanh Long.

Mô hình trông cây chuối rừng cho thu nhập ổn định được nhiều người đến tham quan, học tập để nhân rộng

Mô hình trông cây chuối rừng cho thu nhập ổn định của ông Mạc Thanh Long ở xã Lưu Kiền, huyện Tương Dương được nhiều người đến tham quan, học tập để nhân rộng

Ông La Văn Bống - Phó Chủ tịch UBND xã Lưu Kiền, huyện Tương Dương cho biết, hiện toàn xã đã có tới 34 ha cây chuối rừng, góp phần phủ xanh đất trống đồi núi trọc và cho nguồn thu nhập ổn định.

Cũng nhờ “khởi nghiệp” từ cây chuối rừng, nhiều năm nay, khách hàng thập phương đều biết đến “ông Long Khe Kiền” để đặt mua lá chuối phục vụ gói bánh. Và mấy năm nay ông Long cũng không mất công đếm tiền như trước, thậm chí có khách hàng sẵn sàng chuyển khoản trước để thu mua lá chuối tươi vận chuyển tới các làng nghề làm bánh trên địa bàn cả nước.

Trồng cây chuối rừng không chỉ cho giá trị kinh tế mà còn góp phần phủ xanh đất trống đồi núi trọc

Trồng cây chuối rừng không chỉ cho giá trị kinh tế mà còn góp phần phủ xanh đất trống đồi núi trọc ở thượng nguồn sông, suối

“Có thể nói là loại cây chủ đạo hiện nay của Lưu Kiền. Cũng nhờ mô hình trồng cây chuối rừng của ông Mạc Văn Long ở bản Khe Kiền mà nhiều gia đình quanh năm thiếu đói nay đã no đủ. Ở bản Lưu Thông, mấy gia đình người Mông như Xồng Bá Đà, Thò Bá Giờ... nhờ cây chuối rừng của bác Long mà đã thoát nghèo.

Từ mô hình của ông Long, người dân vùng cao ở các huyện như Quế Phong, Kỳ Sơn… cũng đã đến tham quan và được ông hướng dẫn tận tình để về trồng đại trà” – Phó Chủ tịch UBND xã Lưu Kiền nói thêm.

Còn với người dân ở xã Lưu Kiền, hiện nay họ xem cây chuối rừng như loại cây “khởi nghiệp” để thoát nghèo và góp phần phủ xanh đất trống đồi núi trọc cho địa phương. 

Có thể bạn quan tâm

  • “Làn gió mới” cho KCN hàng trăm ha sau bao năm dở dang ở Nghệ An

    “Làn gió mới” cho KCN hàng trăm ha sau bao năm dở dang ở Nghệ An

    01:40, 14/02/2023

  • Nghệ An: Nhà máy xử lý nước thải xả thải trực tiếp ra môi trường?

    Nghệ An: Nhà máy xử lý nước thải xả thải trực tiếp ra môi trường?

    11:00, 11/02/2023

  • Nghệ An: Ngang nhiên tẩy xoá cả biển báo giới hạn tải trọng?

    Nghệ An: Ngang nhiên tẩy xoá cả biển báo giới hạn tải trọng?

    13:30, 10/02/2023

  • “Lời giải” bài toánp/lao động Nghệ An

    “Lời giải” bài toán lao động Nghệ An

    17:01, 09/02/2023

(0) Bình luận
Nổi bật
Mới nhất
Làm giàu thành công từ cây chuối rừng trên mảnh đất “khô cằn sỏi đá”
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO