Kinh tế thế giới

Làn sóng startup "kỳ lân" toàn cầu đã kết thúc?

Cẩm Anh 20/02/2025 11:05

Nghiên cứu của CB Insights cho thấy, hiện có một số lượng lớn startup kỳ lân được hậu thuẫn bởi quỹ đầu tư mạo hiểm vẫn chưa niêm yết hoặc bị mua lại.

kn1.jpg
Thế giới khởi nghiệp bước vào kỷ nguyên được gọi là "kỳ lân xác sống" (zombie unicorns)

Trước khi thế giới công nghệ hoàn toàn bị ám ảnh bởi trí tuệ nhân tạo (AI), Thung lũng Silicon vẫn từng có những startup đầy triển vọng.

Vào thời điểm bùng nổ công nghệ thời đại dịch lên đến đỉnh điểm vào năm 2021, hơn 1.000 công ty khởi nghiệp được đầu tư mạo hiểm đã đạt định giá trên 1 tỷ đô la Mỹ, bao gồm nhà cung cấp thịt giả Impossible Foods, công ty bảo trì nhà Thumbtack và nền tảng lớp học trực tuyến MasterClass. Do đó, các công ty này đã đạt được trạng thái kỳ lân. Tuy nhiên sau đó, có vẻ như bất kỳ startup nào không tập trung vào AI đều bị thụt lùi lại phía sau.

Ilya Strebulaev, Giáo sư tại Trường Kinh doanh Sau đại học Stanford cho biết, trong số hơn 300 công ty "kỳ lân", chỉ có 6 công ty đã tổ chức IPO kể từ năm 2021. Bốn công ty khác đã niêm yết thông qua Spacs và 10 công ty khác đã được mua lại, một số công ty có giá dưới 1 tỷ đô la Mỹ.

Những công ty khác, chẳng hạn như công ty nông nghiệp trong nhà Bowery Farming và công ty khởi nghiệp chăm sóc sức khỏe AI Forward Health, đã phá sản. Convoy, doanh nghiệp vận tải hàng hóa được định giá 3,8 tỷ đô la Mỹ vào năm 2022, đã sụp đổ vào năm 2023; công ty khởi nghiệp chuỗi cung ứng Flexport đã mua tài sản của công ty này để lấy phế liệu.

Sam Angus, đối tác tại công ty luật Fenwick & West cho biết: "Thực tế gây quỹ đã thay đổi". Ông cho biết, dữ liệu của CB Insights, một công ty nghiên cứu theo dõi ngành đầu tư mạo hiểm cho thấy có 1.200 kỳ lân được đầu tư mạo hiểm vẫn chưa niêm yết hoặc được mua lại.

Các startup từng huy động được số tiền lớn giờ đây đang phải tìm cách xoay xở trong tình thế tuyệt vọng. Đặc biệt, những startup ở giai đoạn sau gặp nhiều khó khăn hơn vì họ cần nhiều vốn hơn để duy trì hoạt động, trong khi các nhà đầu tư sẵn sàng chi tiền với mức định giá tỷ đô đang trở nên khắt khe hơn.

Đối với một số công ty, lựa chọn duy nhất để tránh phá sản là chấp nhận các điều khoản gọi vốn bất lợi hoặc bán mình với giá rẻ. Nếu không, họ sẽ chỉ còn lại một “xác kỳ lân”, một thuật ngữ ám chỉ các startup từng là kỳ lân nhưng cuối cùng lại sụp đổ.

Thị trường gọi vốn cho các startup bắt đầu trở nên ảm đạm vào năm 2022 khi FED đã tăng lãi suất 7 lần, chấm dứt một thập kỷ tiền rẻ chưa từng có trong lịch sử. Những lần tăng lãi suất này dẫn đến cắt giảm chi phí và sa thải toàn ngành, một xu hướng đạt đỉnh vào quý đầu tiên của năm 2023, theo nhà cung cấp dữ liệu Statista. Một số công ty tập trung vào tăng trưởng đã chuyển mục tiêu của họ sang lợi nhuận ngắn hạn để giảm sự phụ thuộc vào vốn đầu tư mạo hiểm.

Tuy nhiên, nhiều công ty khởi nghiệp được xây dựng với mục tiêu tăng trưởng nhanh chóng mà không quan tâm nhiều đến lợi nhuận trong ngắn hạn trong những năm đầu, với giả định rằng họ có thể tiếp tục huy động vốn với mức định giá cao hơn.

Trong nhiều trường hợp, công thức đó không còn hiệu quả nữa. Theo dữ liệu do Carta, một công ty công nghệ tài chính làm việc với các startup cung cấp, chỉ có chưa đến 30% các kỳ lân từ năm 2021 đã huy động được vốn trong ba năm qua. Trong số đó, gần một nửa startup bị định giá thấp hơn so với trước.

Ví dụ, ứng dụng video dành cho người nổi tiếng Cameo từng được định giá 1 tỷ đô la Mỹ, nhưng năm ngoái số tiền huy đông vốn của công ty này đã giảm 90%. Tương tự, công ty công nghệ tài chính Ramp đã huy động được 2 vòng gọi vốn lớn kể từ đầu năm 2022 nhưng vẫn thấp hơn mức định giá 8 tỷ USD mà họ có ba năm trước.

cameo-17218738259251733066924.png
Ứng dụng video dành cho người nổi tiếng Cameo từng được định giá 1 tỷ đô la Mỹ.

Nhưng việc cắt giảm việc làm và các vòng gọi vốn giảm cũng có thể tạo ra một vòng luẩn quẩn. Các công ty khởi nghiệp thường thu hút các nhà đầu tư bằng những câu chuyện về đà tăng trưởng, nhưng điều đó trở nên khó khăn khi họ phải đánh đổi tham vọng để đổi lấy sự ổn định tài chính. Trong khi đó, với các nhân viên, một trong những lợi ích lớn nhất khi làm việc cho startup là cơ hội sở hữu cổ phần. Tuy nhiên, nếu giá trị công ty giảm, họ có thể sẽ rời bỏ để tìm cơ hội tốt hơn.

Hiện nay, các công ty khởi nghiệp đang thực hiện một loạt các bước để điều chỉnh theo hoàn cảnh thực tế. Những công ty vẫn còn đủ ổn định có thể lựa chọn phân loại vòng gọi vốn mới như một phần mở rộng của vòng trước đó, nhằm tránh phải thừa nhận thực tế khó chịu rằng định giá của họ không tăng.

Trong bối cảnh hiện nay, việc duy trì mức định giá không đổi đã được xem là một thành công. Tuy nhiên, nhiều startup buộc phải chấp nhận những thỏa thuận bất lợi, không chỉ dừng lại ở việc bị định giá thấp hơn. Điều này có thể bao gồm thay đổi cấu trúc sở hữu, chẳng hạn như yêu cầu các nhà đầu tư trước đó phải tiếp tục rót vốn hoặc mất phần sở hữu của họ.

Các chuyên gia nhận định, các thỏa thuận kiểu này, được gọi là "pay-to-play" (trả tiền để tiếp tục tham gia), thường không được lòng các nhà đầu tư. Năm ngoái, Ryan Breslow, đồng sáng lập startup thanh toán Bolt, đã cố gắng huy động vốn theo hình thức này nhưng gặp sự phản đối từ các cổ đông lớn.

Mặc dù vậy, tiếp tục rót tiền vào một công ty có triển vọng ngày càng giảm dần thường là một nước đi sai lầm. Chẳng hạn, theo dữ liệu từ PitchBook, hiệu thuốc kỹ thuật số Truepill đã bị mua lại sau một vòng gọi vốn theo mô hình "pay-to-play", nhưng với mức giá chỉ bằng khoảng một phần ba giá trị của startup này vào năm 2021.

Nhiều nhà đầu tư coi những thỏa thuận với điều kiện tệ hại như vậy là dấu hiệu nên rút lui. "Nếu một startup phải trải qua chuyện này, thì có lẽ cũng sắp phá sản", ông Jeff Clavier, nhà sáng lập kiêm đối tác quản lý tại Uncork Capital đánh giá.

Các quỹ đầu tư lớn, bao gồm các công ty cổ phần tư nhân có thể mua một số công ty khởi nghiệp tăng trưởng chậm này. Nhưng các doanh nghiệp này có khả năng sẽ không đạt được mức định giá như năm 2021.

Theo Greg Martin, nhà sáng lập kiêm Giám đốc điều hành tại Archer Venture Capital, đối với nhiều kỳ lân đang phải đối mặt với khủng hoảng, hy vọng duy nhất là thị trường lại trở nên sôi động. Ông cho biết: "Nếu không có một môi trường định giá phi lý khác được tạo ra bởi lãi suất bằng 0 như trong thời kỳ đại dịch, thì nhiều "kỳ lân xác sống" sẽ sớm biến mất".

(0) Bình luận
Nổi bật
Mới nhất
Làn sóng startup "kỳ lân" toàn cầu đã kết thúc?
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO