Thời gian qua, trên địa bàn Thủ đô, nhiều mô hình khởi nghiệp sáng tạo, phục vụ cộng đồng được hình thành.
Không đơn thuần chỉ có mục tiêu lợi nhuận, họ đã tạo ra những giá trị tốt đẹp, góp phần cải thiện đời sống cộng đồng, xã hội.
Từ trào lưu “Nói không với ống hút nhựa”, anh Nguyễn Văn Mão (32 tuổi) đã sáng lập thương hiệu ống hút tre Mão Mèo, góp phần đưa ống hút làm từ tre vào thay thế ống hút nhựa tại nhiều quán cà phê, nhà hàng trên địa bàn Thủ đô. Xuất phát từ kinh nghiệm làm sáo với các nguyên liệu là tre, nứa, hai năm trước, anh Nguyễn Văn Mão đã chuyển hướng sản xuất và kinh doanh ống hút tre. Theo anh Mão, ống hút tre là sản phẩm có rất nhiều ưu điểm. Tuy giá thành cao hơn so với ống hút nhựa nhưng ống hút tre có lợi thế là có thể dùng được nhiều lần. Dùng xong có thể rửa sạch, phơi khô và khi bỏ đi cũng có khả năng phân hủy dễ dàng, rất có lợi cho môi trường. Từ cơ sở sản xuất nhỏ tại đường Triều Khúc (quận Thanh Xuân, TP Hà Nội), hiện doanh nghiệp đã mở thêm cơ sở sản xuất tại tỉnh Đồng Nai và TP Đà Lạt. Với số lượng 100.000 ống hút tre được đưa ra thị trường mỗi ngày, doanh thu tối thiểu mỗi năm của công ty đạt khoảng 80 tỷ đồng. Bên cạnh đó, anh cũng đẩy mạnh xuất khẩu để ống hút tre Việt Nam vươn đến thị trường châu Âu. Không những tạo ra sản phẩm thân thiện với môi trường và đưa thương hiệu Việt vươn tầm quốc tế mà các cơ sở sản xuất của anh Mão còn tạo việc làm cho khoảng 200 công nhân tại xưởng và 120 công nhân khai thác nguyên liệu, mang lại nguồn thu nhập ổn định cho những người trồng tre. Thời gian tới, anh Mão dự định tiếp tục sản xuất các sản phẩm thân thiện với môi trường, như: Thìa, dĩa, cốc… làm bằng tre. Theo anh Mão, khởi nghiệp xanh sẽ mang lại cơ hội cho các bạn trẻ có sự quan tâm đến môi trường, mang lại lợi ích cho cộng đồng.
Với 1516 Green Design, một doanh nghiệp khởi nghiệp sáng tạo xã hội thiết kế, lắp đặt tua-bin gió mini cho các hộ gia đình nghèo. Từ năm 2016 đến nay, anh Lê Vũ Cường, người sáng lập 1516 Green Design cùng các cộng sự đã tiến hành lắp đặt những tua-bin gió với phần cánh là những chiếc chậu nhựa được gắn trên nóc thuyền của những người dân xóm chài bãi giữa sông Hồng (phường Quảng Bá, quận Tây Hồ, TP Hà Nội). Với những tiêu chí như vật dụng đơn giản, dễ lắp đặt, giá thành rẻ, dễ sử dụng, ý tưởng độc đáo của 1516 Green Design đã mang lại dòng điện sạch, thắp sáng cho ngôi nhà của nhiều hộ gia đình nghèo. Theo người sáng lập 1516 Green Design, việc tìm kiếm một mô hình thiết kế nhỏ gọn cho những vùng lưới điện chưa phủ tới hoặc không ổn định, phục vụ những hộ gia đình nghèo vùng sâu, vùng xa, những hộ gia đình lênh đênh trên sông nước ở Việt Nam vẫn còn là bài toán khó, thêm vào đó là những nhu cầu tối thiểu như: Thắp sáng, đun nấu, quạt mát đòi hỏi những đổi mới. Giải pháp sử dụng những vật liệu đơn giản, dễ tìm như chậu thau, thanh nhôm phế thải đúc thành dáng tua-bin đã giải quyết được bài toán này. Với công suất tối đa 200W, giải pháp có thể giúp một hộ gia đình thắp sáng 3-4 bóng đèn LED, lắp quạt điện và sạc thiết bị trong nhà. Mô hình của 1516 Green Design trong giai đoạn đầu là sản phẩm sẽ được các tổ chức xã hội mua để lắp đặt cho người nghèo miễn phí. Từ mô hình tại xóm chài trên sông Hồng, đến nay, mô hình đã được lắp đặt tại nhiều vùng trong cả nước, như: Điểm trường vùng cao tại huyện Bát Xát (Lào Cai); huyện Kỳ Sơn (Nghệ An); các gia đình sống trên sông ở Cần Thơ… Với việc giải quyết vấn đề năng lượng cho các hộ gia đình quy mô nhỏ vốn chiếm một số lượng không hề nhỏ tại các vùng sâu, vùng xa và ven đô những thành phố lớn, sản phẩm hoàn toàn có thể được thương mại hóa, mang lại giải pháp năng lượng cho nhiều người nghèo.
Có thể thấy, việc chọn khởi nghiệp xã hội đòi hỏi sự kiên trì, quyết tâm của các doanh nghiệp, cùng với đó rất cần sự hỗ trợ của chính quyền thành phố. Hưởng ứng tích cực tinh thần quốc gia khởi nghiệp, TP Hà Nội đã tích cực trong công cuộc xây dựng hệ sinh thái khởi nghiệp; đặc biệt là khởi nghiệp sáng tạo với Đề án hỗ trợ khởi nghiệp sáng tạo trên địa bàn TP Hà Nội giai đoạn 2019-2025. Đề án hướng tới hỗ trợ các cá nhân, nhóm cá nhân có dự án khởi nghiệp sáng tạo với mục đích phục vụ lợi ích xã hội, cộng đồng; giải quyết các vấn đề thách thức về kinh tế-xã hội, như: Ô nhiễm môi trường, an toàn vệ sinh thực phẩm, chống ùn tắc giao thông, phục vụ quản lý đô thị… Thông qua đó, mục tiêu của thành phố là thúc đẩy tinh thần khởi nghiệp trong xã hội và xây dựng văn hóa khởi nghiệp, nhất là đội ngũ tri thức, giới trẻ, học sinh, sinh viên, nhằm gia tăng chỉ số khởi nghiệp sáng tạo của Thủ đô; gắn kết các cộng đồng khởi nghiệp, các thành phần của hệ sinh thái, thu hút sự quan tâm, tham gia và đầu tư của xã hội cho khởi nghiệp sáng tạo.