Theo Chủ tịch Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) Phạm Tấn Công: Tư tưởng phát triển doanh nghiệp bền vững là tư tưởng nền tảng trong văn hoá kinh doanh của doanh nghiệp.
>>>Kinh doanh liêm chính: “Chìa khoá” để thành công và phát triển bền vững
Phát biểu chỉ đạo tại Cuộc họp Ban thường trực Hội đồng doanh nghiệp vì sự phát triển bền vững Việt Nam (VBCSD) 2022, ông Phạm Tấn Công – Chủ tịch VCCI, Chủ tịch VBCSD nhấn mạnh: Cộng đồng doanh nghiệp vừa trải qua 2 năm rất khó khăn do ảnh hưởng của đại dịch COVID-19. Nhưng cũng chính qua đại dịch chúng ta mới thấy được tầm quan trọng của tư duy phát triển bền vững. Các doanh nghiệp lựa chọn chiến lược phát triển bền vững đã đạt được những kết quả tốt hơn hẳn các doanh nghiệp không đi theo định hướng này.
Hiện nay, chúng ta có trên 850 nghìn doanh nghiệp nhưng những doanh nghiệp thực sự hiểu được phát triển bền vững rất ít. Những doanh nghiệp áp dụng chiến lược phát triển bền vững còn ít hơn nữa. Do đó, Chủ tịch VCCI cho rằng, phải lan toả được tư tưởng phát triển bền vững, chiến lược phát triển bền vững tới càng nhiều doanh nghiệp càng tốt cho cộng đồng, cho nền kinh tế.
Ông Phạm Tấn Công cho biết, đại hội VCCI lần thứ VII đã thông qua tầm nhìn mới, mục tiêu mới với 3 đột phát chiến lược gồm: Tham gia sâu hơn và hiệu quả hơn vào quá trình xây dựng pháp luật, chính sách, cải thiện môi trường kinh doanh; Tiên phong thúc đẩy xây dựng văn hóa kinh doanh, văn hóa doanh nghiệp và văn hóa của doanh nhân Việt Nam trở thành nền tảng tinh thần, mục tiêu và động lực phát triển của doanh nghiệp; Thúc đẩy hỗ trợ doanh nghiệp thực hiện chuyển đổi số, ứng dụng công nghệ, đổi mới chiến lược và mô hình kinh doanh.
“Tư tưởng phát triển doanh nghiệp bền vững là tư tưởng nền tảng trong văn hoá kinh doanh của doanh nghiệp. Đây là một khối gắn kết hữu cơ quan trọng trong chiến lược xây dựng văn hoá kinh doanh quốc gia.”- Chủ tịch VCCI chia sẻ.
Ông Binu Jacob – Tổng giám đốc Công ty Nestlé Việt Nam, Đồng Chủ tịch VBCSD cho rằng: Khi khó khăn, doanh nghiệp sẽ ưu tiên tới lợi nhuận nhưng qua quan sát trong giai đoạn dịch bệnh vừa qua thì thấy các doanh nghiệp lại chú trọng đến phát triển bền vững nhiều hơn. Ngày càng có nhiều doanh nghiệp theo đuổi chiến lược phát triển vững. Bởi, các doanh nghiệp nhận thức được rằng phát triển bền vững và lợi nhuận là hai phạm trù không thể tách rời. Với cam kết mạnh mẽ tại Hội nghị COP 26, Chính phủ Việt Nam đã có câu trả lời rõ ràng, đó là sự theo đuổi tiến trình phục hồi xanh và bao trùm. Nhưng sẽ không thể đạt được mục tiêu đó nếu không có sự chung tay của các doanh nghiệp. Chúng tôi cam kết ủng hộ toàn diện cho VBCSD cũng như hợp tác chặt chẽ với Bộ Tài nguyên và môi trường về chương trình giảm rác thải nhựa, giảm phát thải khí nhà kính…
>>Phát triển bền vững “liều vaccine” của doanh nghiệp
>>Doanh nghiệp năng lượng tái tạo hướng tới sứ mệnh phát triển bền vững
Theo bà Hà Thị Thu Thanh- Chủ tịch HĐTV Deloitte Việt Nam: VBCSD đã hoạt động rất hiệu quả trong thời gian vừa qua nhưng 2022 và những năm tới phải có cách làm mới hơn. Hiện nay, hoạt động của VBCSD chia làm 3 nhóm cấp độ: Cấp độ 1 là hoạt động của Ban thư kí, Hội đồng vẫn hạn hẹp trong khuôn khổ nguồn lực nhỏ, chưa đủ; Nhóm cấp độ thứ thứ hai là các thành viên chủ chốt của Hội đồng, những người tiên phong dẫn dắt phong trào sẽ làm gì để kiến tạo tác động tới cộng đồng tốt hơn; Thứ ba đó là một số hoạt động của VCCI có thể không do Hội đồng trực tiếp làm nhưng có vai trò của VBCSD cũng cần được ghi nhận đầy đủ hơn. Vì vậy năm nay hoạt động tương tác phát triển bền vững cần tiếp cận 3 trụ cột: với môi trường; với xã hội; với kinh tế.
Một số ý kiến thành viên Hội đồng cho rằng cần mở rộng số lượng thành viên cũng như tạo lập hệ sinh thái để các doanh nghiệp trong hội đồng có sự hợp tác, sử dụng sản phẩm, dịch vụ của nhau.
Theo kế hoạch, năm 2022, VBCSD sẽ tiếp tục bám sát tầm nhìn, sứ mệnh của VCCI. Trong đó tập trung vào các hoạt động chính như: Tiếp tục tổ chức Diễn đàn Doanh nghiệp Phát triển Bền vững (VCSF) 2022 (lần thứ 9) và Chương trình CSI 2022 (lần thứ 7); Hoàn thành các hoạt động theo kế hoạch 2022 được phê duyệt: truyền thông, nâng cao nhận thức; tập huấn; nghiên cứu; hợp tác quốc tế và chương trình hành động chung; Tiếp tục đóng góp xây dựng chính sách, pháp luật liên quan tới PTBV; Triển khai các chương trình, sáng kiến liên quan tới PTBV với thành viên của VBCSD và các doanh nghiệp, tổ chức bên ngoài. Để làm được điều đó, nhiệm vụ của là phải tăng cường năng lực Ban Thư ký VBCSD, bổ sung nhân sự phù hợp, có thể từ thành viên của VBCSD; Hợp tác chặt chẽ với các thành viên của VBCSD; Duy trì và phát triển các nguồn lực, mối quan hệ với các cơ quan, tổ chức và doanh nghiệp bên ngoài…
Ông Nguyễn Quang Vinh – Phó Chủ tịch VCCI, Phó Chủ tịch điều hành VBCSD cho biết: Có những việc VBCSD đã làm tốt nhưng phải làm mới lại và làm tốt hơn nữa như làm việc với các đối tác, hiệp hội để đem bộ chỉ CSI triển khai áp dụng rộng rãi trong cộng đồng doanh nghiệp. Đặc biệt là các doanh nghiệp trong chuỗi giá trị, chuỗi cung ứng của các doanh nghiệp thành viên Hội đồng. Năm nay là năm thứ 12 VBCSD đi vào hoạt động, các thành viên Hội đồng là những tấm gương, người tiên phong trong lĩnh vực phát triển bền vững nhưng phát triển bền vững không thể chỉ làm một mình mà phải hợp tác cùng nhau để xử lý những vấn đề thách thức chung của cộng đồng, nhân loại. Chúng ta có thể lan toả tinh thần thực hành phát triển bền vững trong cộng đồng doanh nghiệp thông qua các doanh nghiệp đối tác, các doanh nghiệp trong hệ sinh thái.
Có thể bạn quan tâm