Văn hóa luôn là nền tảng, là gốc rễ tạo động lực cho mọi mặt của đời sống xã hội.
Và mỗi dịp Tết đến xuân về, những giá trị tinh hoa văn hóa của dân tộc lại được khơi dậy, khiến cho mỗi con dân đất Việt đều tự hào.
>>Hệ giá trị văn hóa mới
Hiện nay, 11 ngành đã được coi là thuộc về công nghiệp sáng tạo gồm: Quảng cáo, kiến trúc, giải trí kỹ thuật số, mỹ thuật đồ cổ và thủ công mỹ nghệ, thiết kế mỹ thuật, phim ảnh và video, in ấn xuất bản, âm nhạc, nghệ thuật biểu diễn, phát thanh truyền hình và phần mềm vi tính. Đây được coi là một trong những ngành tăng trưởng nhanh và lớn nhất trên thế giới...
Ngành công nghiệp làm phim được nhiều nước quan tâm phát triển bằng cách sản xuất hàng nghìn bộ phim mỗi năm và thu về hàng tỷ USD doanh thu. Trong đó, Hoa Kỳ có ngành công nghiệp điện ảnh đã hơn 120 năm tuổi, lớn nhất, lâu đời nhất và mang lại lợi nhuận cao nhất trên thế giới.
Ở châu Âu, ngành công nghiệp sáng tạo đóng góp lớn cho nền kinh tế, tạo ra khoảng 3% GDP (theo giá thị trường khoảng 500 tỷ Euro) và tạo công việc cho khoảng 6 triệu người. Riêng nước Anh, xuất khẩu dịch vụ bởi các ngành công nghiệp sáng tạo chiếm hơn 10% tổng số kim ngạch xuất khẩu dịch vụ.
Nhật Bản, họ đã sớm định hướng phát triển kinh tế dựa trên tài nguyên văn hóa. Từ cuối thế kỷ XX đến nay, công nghiệp văn hóa đã trở thành ngành mũi nhọn trong nền kinh tế của đất nước mặt trời mọc. Theo thống kê, doanh thu hàng năm của ngành công nghiệp văn hóa chiếm khoảng 7% doanh thu nền kinh tế và thu hút 5% nhân công toàn quốc..v..v.
Còn Việt Nam thì sao? Trong suốt chiều dài lịch sử lãnh đạo cuộc cách mạng dân tộc và xã hội chủ nghĩa ở nước ta, Đảng Cộng sản Việt Nam nhất quán trong quan điểm về văn hóa và mối quan hệ mật thiết giữa văn hóa với con người, dân tộc, chính trị, kinh tế và xã hội.
Chiến lược Văn hóa Việt Nam đến năm 2030, Bộ trưởng Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch Nguyễn Văn Hùng đã nhấn mạnh việc phát triển các ngành công nghiệp văn hóa có trọng tâm, trọng điểm để phát huy sức mạnh mềm của văn hóa Việt Nam, dựa trên sáng tạo, khoa học công nghệ và bản quyền trí tuệ, phấn đấu doanh thu đóng góp 7% GDP vào năm 2030.
>>VCCI hỗ trợ xây dựng nền tảng trong việc xây dựng văn hóa doanh nghiệp
Khách quan mà nói, lĩnh vực kinh tế đảm bảo chăm lo đời sống vật chất cho con người. Lĩnh vực xã hội duy trì và thiết lập các mối quan hệ bền chặt. Lĩnh vực chính trị kiến tạo niềm tin, vạch ra con đường, tương lai phía trước. Còn lĩnh vực văn hóa chăm lo đời sống tinh thần, tạo động lực giúp con người vượt qua những khó khăn, thách thức.
Nếu một trong các lĩnh vực nói trên bị xem nhẹ thì điều này sẽ dẫn đến hậu quả là tạo ra sự khủng hoảng, đứt gãy và mất cân đối nghiêm trọng trong quá trình phát triển toàn diện của con người, của dân tộc. Trong trường hợp văn hóa không "ở trong chính trị và kinh tế" thì hệ quả về lâu dài sẽ rất khó lường.
Như Chủ tịch Hồ Chí Minh từng nói: “Trong công cuộc kiến thiết nước nhà có bốn vấn đề cùng phải chú ý đến, cùng phải coi trọng ngang nhau: chính trị, kinh tế, xã hội, văn hoá. Văn hoá, nghệ thuật cũng như mọi hoạt động khác, không thể đứng ngoài, mà phải ở trong kinh tế và chính trị”.
Và trong tiến trình hướng tới mục tiêu chiến lược có tính dẫn hướng thời đại, Hội nghị Văn hóa toàn quốc triển khai thực hiện Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng tiếp tục nhấn mạnh đặt con người vào trung tâm phát triển, coi văn hóa là nguồn lực nội sinh, động lực tinh thần, khơi dậy ý chí tự lực, tự cường của con người Việt Nam.
Tuy nhiên, từ Nghị quyết đến cuộc sống, từ mục tiêu đến kết quả đạt được vẫn có khoảng cách. Những hạn chế, yếu kém nổi bật lâu nay là văn hóa chưa được các cấp, các ngành nhận thức một cách sâu sắc và chưa được quan tâm một cách đầy đủ, tương xứng với kinh tế và chính trị; chưa thật sự trở thành nguồn lực, động lực nội sinh của sự phát triển bền vững đất nước.
Liên quan đến vấn đề này, GS.TS Vũ Minh Giang khẳng định: “Văn hóa không chỉ là tài sản để cất giữ, để tự hào mà phải được coi là sức mạnh mềm của đất nước, để có thể mở rộng hợp tác và cạnh tranh bình đẳng trên trường quốc”.
Có thể nói, văn hóa là con người, mọi thứ cũng tạo nên và xuất phát từ con người, do vậy con người cần được coi trọng, được đặt lên hàng đầu. Điều này cũng có nghĩa, chúng ta cần hiểu động lực và sức mạnh nội sinh của văn hoá không phải tự dưng hay ngày một ngày hai mà có được.
Động lực và sức mạnh ấy phải được nuôi dưỡng, giáo dục, vun đắp, chăm bón từng ngày, từng giờ, từ những công việc hết sức nhỏ bé, bình thường diễn ra hàng ngày đến sự trải nghiệm, từng trải được hun đúc, trao truyền ngấm dần từ thế hệ này qua thế hệ khác trở thành căn tính, truyền thống trở thành gen di truyền văn hóa trong mỗi con người.
Nói cách khác, văn hóa không chỉ là động lực gián tiếp mà còn là động lực trực tiếp cho sự phát triển kinh tế. Thay vì khai thác nguồn tài nguyên thiên nhiên hữu hạn, công nghiệp văn hóa khai thác nguồn tài nguyên vô hạn là sức sáng tạo của con người. Vì vậy, cần khơi dậy động lực tinh thần to lớn, vô song của dân tộc, con người Việt Nam. Cụ thể:
Thứ nhất: Khơi dậy mạnh mẽ hơn nữa tinh thần yêu nước, ý chí tự cường, tinh thần đoàn kết, khát vọng phát triển đất nước phồn vinh, hạnh phúc của toàn dân tộc; phát huy cao độ những giá trị văn hóa, sức mạnh và tinh thần cống hiến của mọi người Việt Nam.
Thứ hai: Xây dựng con người Việt Nam thời kỳ đổi mới, phát triển, hội nhập với những giá trị chuẩn mực phù hợp, gắn với giữ gìn, phát huy giá trị gia đình Việt Nam, hệ giá trị văn hóa, giá trị của quốc gia - dân tộc; kết hợp nhuần nhuyễn những giá trị truyền thống với giá trị thời đại: yêu nước, đoàn kết, tự cường, nghĩa tình, trung thực, trách nhiệm, kỷ cương, sáng tạo.
Một điều đáng mừng, với những thay đổi thể chế mang tính tích cực, Việt Nam đã từng bước gắn các thành tố sức mạnh mềm văn hóa với tiến trình các ngành công nghiệp văn hóa để tái cơ cấu nền kinh tế sang hướng kinh tế tri thức, từ đó chuyển hóa nguồn tài nguyên mềm văn hóa thành năng lực cạnh tranh, sức thu hút, hấp dẫn và hội hập quốc tế về Việt Nam.
Trong bối cảnh đại dịch COVID-19 đã và đang làm thay đổi thế giới và Việt Nam cũng không phải là ngoại lệ. Đi qua khó khăn và thách thức do COVID-19 mang tới trong 2 năm qua cũng đã làm cho chúng ta tự tin hơn và quan trọng hơn tất cả là tinh thần chủ động, sáng tạo, dám làm, dám chịu trách nhiệm để bứt phá vươn lên.
Chúng ta kỳ vọng trong không khí Tết Cổ truyền của dân tộc, những tinh hoa văn hóa tốt đẹp của dân tộc sẽ được lan tỏa sâu rộng để góp phần xây dựng đất nước phát triển phồn vinh vì hạnh phúc của nhân dân; đồng thời tin tưởng, nền văn hóa Việt Nam sẽ bừng sáng, hòa vào dòng chảy văn minh nhân loại.
Có thể bạn quan tâm
05:00, 03/02/2022
02:00, 02/02/2022
09:42, 01/02/2022
04:25, 24/01/2022
14:46, 20/01/2022
03:00, 10/01/2022
02:21, 02/01/2022
06:16, 01/01/2022
05:00, 01/01/2022
09:46, 31/12/2021