Với chức vụ và hàm tướng, tá, ai cũng biết họ không thiếu tiền, nhưng họ không biết đủ và họ đã bị “ngã ngựa” vì chính lòng tham của mình.
>>Tận phá tự nhiên bởi lòng tham
Câu chuyện hai cựu tư lệnh Vùng Cảnh sát biển 4 và cựu tư lệnh Vùng Cảnh sát biển 3 bị xét xử tội nhận hối lộ, trong vụ án liên quan đến buôn lậu 200 triệu lít xăng đang nhận được sự quan tâm của dư luận thời gian qua.
Theo đó, cựu Thiếu tướng Lê Văn Minh - cựu Tư lệnh Vùng Cảnh sát Biển 4; cựu Thiếu tướng, cựu Tư lệnh Vùng Cảnh sát biển 3 Lê Xuân Thanh bị cáo buộc tội “Nhận hối lộ” theo khoản 4, Điều 354, Bộ luật Hình sự 2015.
Bên cạnh đó là một ê-kíp đó là: Thiếu tá Lưu Thế Đức, cựu phó đoàn trưởng Trinh sát 2, Bộ Tư lệnh Cảnh sát biển; Đại tá Nguyễn Thế Anh, cựu chỉ huy trưởng Biên phòng tỉnh Kiên Giang; Đại tá Phạm Văn Trên cựu chỉ huy trưởng Biên phòng tỉnh Trà Vinh…
Riêng ông Nguyễn Thế Anh còn bị truy tố thêm tội tổ chức cho người khác trốn đi nước ngoài trái phép. Ngoài ra, Đại tá Phùng Danh Thoại, cựu trưởng phòng Xăng dầu, Cục Hậu cần, Bộ Tư lệnh Cảnh sát biển bị truy tố tội buôn lậu.
Lâu nay chúng ta đã nói nhiều rằng, tham nhũng đang là quốc nạn, là một loại “giặc”. Ấy vậy mà “đánh giặc” lại như kiểu “gãi ngứa” thì đánh làm sao được? Và đã coi tội phạm tham nhũng là “quốc nạn” thì phải có những biện pháp cực kỳ đặc biệt, cực kỳ cứng rắn và phải có một cơ quan đặc biệt chịu trách nhiệm chống tham nhũng.
Dường như, kể từ khi Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng chống tham nhũng, tiêu cực được thành lập, đã có không ít e ngại như “chỉ tắm từ vai trở xuống”. Thực tế chứng minh, với quyết tâm “lò nóng lên rồi thì củi tươi vào cũng cháy”, thì chúng ta không chỉ “diệt ruồi” sòng phẳng mà còn “đả hổ” hiệu quả.
Bằng thái độ thượng tôn pháp luật, công cuộc phòng chống tham nhũng, tiêu cực do Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đứng đầu, từng bước xóa bỏ những góc khuất mờ ám trong chi tiêu ngân sách, quy hoạch đô thị, điều hành dự án, đầu tư hạ tầng, mua sắm công sản... Đặc biệt, mở rộng phạm vi chống tham nhũng, tiêu cực vào lĩnh vực kinh tế tư nhân, bước đầu đã ngăn chặn thành công nhiều cái bắt tay đen tối giữa liên minh ma quỷ của quan chức tha hóa và doanh nghiệp gian trá.
>>TÀI CHÍNH ĐA CHIỀU: Lòng tham có... đáy!
>>Đầu tư tiền ảo: Khi lòng tham lấn át lý trí
Với hành trình 10 năm phòng chống tham nhũng, tiêu cực bây giờ đã có thêm tín hiệu mới là thành lập Ban chỉ đạo phòng chống tham nhũng, tiêu cực ở các địa phương. Nghĩa là, sức mạnh toàn dân được huy động để giám sát kỹ lưỡng và trấn áp rốt ráo những biểu hiện tham nhũng, tiêu cực từ khi manh nha.
Hãy cứ nhìn vào những chính trị gia “ngã ngựa”, tướng, tá sẩy chân, doanh nhân người thì vướng vòng lao lý, người thì tay trắng sau khi lên đỉnh cao, ngôi sao giải trí dính bê bối…sẽ thấy những người này có điểm chung gì?
Họ đều là những người quyền lực, thành đạt, có ảnh hưởng lớn trong xã hội. Và sau khi đạt đỉnh cao trong lĩnh vực của mình, họ đều trượt ngã vì lạm dụng quyền lực nghiêm trọng, dẫn đến kết quả là tự chôn vùi sự nghiệp của mình.
Nói cách khác, cái “bả quyền lực” là thứ thuốc phiện kinh khủng nhất. Khi được cung phụng nhiều, bạn sẽ nghiện; được xưng tụng nhiều, bạn sẽ say. Cảm giác trở thành “giáo chủ”, “thần tượng” hay “lãnh tụ” là thứ doping tăng liều liên tục. Càng mê mẩn, người ta càng muốn làm những việc khó để thử thách mình, đẩy cấp độ lên cao hơn để thỏa mãn cơn nghiện mới.
Hãy cứ nhìn vào bản danh sách nói trên, chúng ta sẽ thấy một vòng tròn, một ê-kíp khép kín. Từ tướng tư lệnh vùng của cảnh sát biển cho đến cấp tá trong quân đội, rồi bên Hải quan cũng “dính mùi”. Từ người ngồi văn phòng xử lý hồ sơ sổ sách cho đến những người tiên phong chống buôn lậu ngoài thực địa… Nó tinh vi, chắc chắn đến mức người ta nghĩ chẳng có cách nào khoan thủng được khối liên kết ấy.
Thế nên có người nói: “Với một ê-kíp như thế này, họ tưởng rằng đã “che cả bầu trời”, không ai có thể biết được việc họ làm, cho nên họ dám ngang nhiên buôn lậu, nhận hối lộ, coi thường pháp luật. Từ những người là đồng chí, đồng đội của một lực lượng quân đội, họ trở thành một băng nhóm tội phạm”.
Từ vụ án này cho thấy, riêng về mặt thể chế, chúng ta cần phải xây dựng một cơ chế kiểm soát quyền lực thật chặt chẽ để “quyền lực tuyệt đối” cũng không thể “tha hoá tuyệt đối” được. Trong một thể chế kiểm soát quyền lực tốt, kẻ lạm quyền sẽ bị trừng phạt thích đáng cho dù họ có ở vị trí cao thế nào đi chăng nữa.
Bởi vì, tham nhũng hiện nay không chỉ để lại hậu quả kinh tế, tài chính thuần túy. Chẳng hạn, tham nhũng trong lĩnh vực y tế có thể đánh đổi bằng tính mạng của hàng triệu người bệnh; trong lĩnh vực giáo dục, có thể ảnh hưởng đến nhận thức và trình độ của nhiều thế hệ; trong lĩnh vực kinh tế vừa ảnh hưởng đến đời sống nhân dân vừa gây thiệt hại cho ngân sách quốc gia...
Trên hết, tham nhũng đồng nghĩa với sự xâm phạm lợi ích công, ảnh hưởng đến niềm tin của nhân dân vào chính sách và chính quyền. Hệ lụy của tiêu cực, tham nhũng là rất lớn, không thể chỉ quy ra thành thiệt hại vật chất.
Qua đó, càng không thể nảy sinh khái niệm “khắc phục toàn bộ hậu quả” trong trường hợp quan chức, tướng tá sai phạm. Bởi lẽ, những con số khắc phục hậu quả kia chỉ là bồi thường thiệt hại về vật chất. Còn thiệt hại về tinh thần của xã hội và thiệt hại về đạo đức cán bộ, thì phải tính bằng cái giá nào?
Như vậy, từ vụ án liên quan đến hai cựu tướng tư lệnh vùng này, nhiều người có thể học lại bài học “vỡ lòng”, đó là phải chiến thắng lòng tham. Người càng có quyền lực cao thì cái lợi càng lớn, không kiểm soát được lòng tham thì cuối cùng sẽ mất hết.
Đồng thời cán bộ công chức cũng phải nhớ thêm một điều, cho dù quyền cao chức trọng cỡ nào, vi phạm pháp luật là xử lý, không có bảo kê, che chắn, không có vùng cấm nữa rồi.
Có thể bạn quan tâm
14:20, 18/12/2020
00:22, 07/12/2020
05:30, 22/08/2020
10:00, 04/07/2020
06:00, 23/06/2019
14:42, 20/12/2018
15:42, 26/11/2018
06:30, 13/08/2018
05:13, 12/08/2018