Lãnh đạo TP Hải Phòng cam kết sẽ giành sự quan tâm đặc biệt, sự hỗ trợ thực chất, hiệu quả để xây dựng đội ngũ doanh nghiệp Hải Phòng thật sự lớn mạnh.
>>>Hải Phòng: "Gỡ khó" để doanh nghiệp phát triển
>>>Quy hoạch TP Hải Phòng tạo bứt phá cho thị trường bất động sản
Đó là chia sẻ của ông Lê Tiến Châu – Bí thư Thành uỷ Hải Phòng tại hội nghị gặp gỡ, đối thoại với hơn 600 doanh nghiệp trên địa bàn thành phố năm 2023 với chủ đề “Doanh nghiệp Hải Phòng đoàn kết, tự hào, tự cường và phát triển bền vững”.
Giải đáp nhiều thắc mắc
Tính đến hết tháng 7/2023, TP Hải Phòng có hơn 26.000 doanh nghiệp đang hoạt động, trong đó có trên 25.700 doanh nghiệp khu vực tư nhân. Trong số này, doanh nghiệp do người Hải Phòng đăng ký thành lập chiếm tỷ lệ 81%, tương đương với 20.193 doanh nghiệp, tổng số vốn điều lệ đăng ký là 239.000 tỷ đồng. Đến nay, doanh nghiệp khu vực tư nhân đã tham gia hoạt động trong hầu hết các lĩnh vực ngành nghề sản xuất kinh doanh từ công nghiệp, thương mại, y tế, giáo dục, môi trường, khoa học công nghệ.
Ông Lê Tiến Châu - Bí thư Thành ủy Hải Phòng cho biết: “Hội nghị được tổ chức với mục tiêu là cơ hội để thành phố lắng nghe đầy đủ, toàn diện những khó khăn, vướng mắc của cộng đồng doanh nghiệp trong quá trình hoạt động sản xuất, kinh doanh. Từ đó từng bước tìm ra giải pháp thích hợp để tháo gỡ, tạo điều kiện tốt nhất cho các doanh nghiệp hoạt động hiệu quả, ổn định và mở rộng sản xuất kinh doanh, đóng góp nhiều hơn nữa cho sự phát triển của thành phố".
Chia sẻ với Diễn đàn Doanh nghiệp, ông Lê Mạnh Cương – Phó Chủ tịch Hiệp hội logistics Hải Phòng cho biết: “Hải Phòng là một địa phương có truyền thống, thế mạnh đặc thù cảng biển, năng lực kết nối các loại hình giao thông. Phát triển cảng biển – logsitics được xác định là một trong ba trụ cột chủ yếu để thực hiện đổi mới mô hình tăng trưởng, cơ cấu lại nền kinh tế. Tuy nhiên, TP Hải Phòng hiện mới có 4 trung tâm logistics gồm: 2 trung tâm đã hoạt động, 2 trung tâm đang triển khai xây dựng. Các trung tâm này có quy mô khá nhỏ. Vì vậy, đến với hội nghị gặp gỡ, đối thoại ngày hôm nay chúng tôi rất mong muốn được nghe TP Hải Phòng chia sẻ về chiến lược, kế hoạch trong giai đoạn tới để thực hiện mục tiêu, định hướng mà thành phố đã đề ra”.
Ngoài những ý kiến liên quan đến lĩnh vực logistics, dịch vụ hậu cần sau cảng, tại hội nghị, các doanh nghiệp cũng đã đóng góp các ý kiến liên quan nhóm vấn đề, như: Nhóm vấn đề về khởi nghiệp, đổi mới sáng tạo, phát triển khoa học công nghệ; đất đai; quy hoạch, xây dựng; hỗ trợ chia sẻ, kết nối sản phẩm của các doanh nghiệp trong nước với doanh nghiệp nước ngoài; nhóm vấn đề về thuế, hỗ trợ tín dụng, lãi suất, vốn vay… Trong đó có nhiều vấn đề, vướng mắc của doanh nghiệp đã tồn tại nhiều năm chưa được giải quyết thỏa đáng và cũng có những hiến kế góp phần xây dựng thành phố, xây dựng cộng đồng doanh nghiệp TP Hải Phòng tự cường, phát triển bền vững. Nhiều kiến nghị cũng đã được giải quyết ngay tại hội nghị.
Bà Nguyễn Thị Thanh Hương – Giám đốc Công ty CP Vilaco chia sẻ: “Trong bối cảnh khó khăn chung của kinh tế toàn cầu, để doanh nghiệp tồn tại, phát triển bền vững thì mỗi doanh nghiệp phải tự tìm tòi giải pháp của riêng mình. Tuy nhiên, để doanh nghiệp tự tin, phát triển hơn cũng cần sự hỗ trợ rất mạnh mẽ từ các cơ quan nhà nước. Nếu các chính sách hỗ trợ doanh nghiệp nói chung vẫn chỉ ở trên giấy tờ mà không được thực thi hiệu quả thì doanh nghiệp sẽ rất khó khăn để tồn tại, phát triển qua giai đoạn này”.
Cũng theo bà Hương, trước đó, công ty đã kí 2 hợp đồng thuê đất tổng diện tích hơn 16.000m2. Tháng 11/2020, công ty đã bàn giao lại cho dự án làm nút giao thông Cầu Bính là 9.309,2m2. Vilaco rất mong mỏi sẽ sớm được kí hợp đồng thuê đất tiếp tục với phần đất còn lại để doanh nghiệp yên tâm sản xuất kinh doanh.
Về vấn đề này, ông Nguyễn Văn Tùng – Chủ tịch UBND TP Hải Phòng cho biết: “TP Hải Phòng giao Sở Tài nguyên Môi trường phải kiểm tra lại để xử lý luôn cho doanh nghiệp. Trong trường hợp doanh nghiệp đã được TP Hải Phòng cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất rồi thì việc cấp đổi điều chỉnh lại giấy chứng nhận quyền sử dụng đất của công ty Vilaco phải được điều chỉnh ngay trong tháng 8/2023”.
Cũng liên quan đến vấn đề đất đai, ông Bùi Đức Vinh - Giám đốc Công ty TNHH Quang Hải đề xuất: “Quang Hải là doanh nghiệp nhỏ, siêu nhỏ có 2 quỹ đất là tài sản gắn liền với đất ở khu vực thị trấn Cát Hải, thị trấn Cát Bà. Hiện nay, tài sản này đang thế chấp ngân hàng. Trong quá trình quy hoạch, hiện nay thời gian sử dụng 2 khu đất của công ty đã hết nên chúng tôi không có điều kiện để vay vốn ngân hàng, phát triển duy trì sản xuất. Phía doanh nghiệp đề nghị với UBND TP Hải Phòng và các sở, ban, ngành tạo điều kiện cho chúng tôi thuê một địa điểm khác và có nơi để thu mua nguyên liệu cho bà con cũng như quảng bá sản phẩm cho khách du lịch”.
Ông Vinh cũng đề xuất TP Hải Phòng cần có quỹ đất tại đảo Cát Hải để xây dựng khu vực sản xuất, chế biến nước mắm, khu vực hầu cần và cơ sở hạ tầng để phát triển làng nghề sản xuất chế biến nước mắm. Đồng thời, đề phát triển các làng nghề tại đảo Cát Hải, TP Hải Phòng cần có chủ trương xây dựng bến cảng hậu cần nghề cá để tàu bè ra vào, neo đậu và xếp dỡ hàng hoá.
Về vấn đề này, theo đại diện Sở Tài nguyên và Môi trường TP Hải Phòng, hiện nay, trên đảo Cát Hải cũng đã quy hoạch một làng nghề chế biến nước mắm là 17,4ha. TP Hải Phòng đã có văn bản giao Sở Công thương xin ý kiến Bộ Công thương để tiến hành trình tự sớm thành lập CCN làng nghề này.
Còn theo đại diện Sở Xây dựng TP Hải Phòng: “Với nhu cầu của các hộ sản xuất nước mắm tại khu vực Cát Hải, TP Hải Phòng đã bố trí một khu 17,4ha dành cho hoạt động này. Ngoài khu vực chế biến nước mắm thì các khu vực có liên quan như cảng Trân Châu đã có những lô đất để sẵn sàng tham gia đấu giá. TP Hải Phòng đã giao cho Sở Tài nguyên Môi trường, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn chuẩn bị thủ tục để các doanh nghiệp có liên quan đến hậu cần nghề cá, các hoạt động khác trong dây chuyền sản xuất tham gia đấu giá…”.
Truyền cảm hứng để doanh nghiệp phát triển
Trong những năm gần đây, doanh nghiệp khu vực tư nhân phát triển mạnh mẽ, năng động, tăng nhanh cả về số lượng và quy mô, đa dạng nhiều loại hình, lĩnh vực hoạt động, trình độ công nghệ, sức cạnh tranh, chiếm tỷ trọng ngày càng lớn trong GRDP chung. Khối doanh nghiệp này cũng đã giải quyết việc làm cho lượng lớn lao động, góp phần đảm bảo thu nhập ổn định cho người lao động; đẩy mạnh phát triển sức sản xuất, có đóng góp cao cho ngân sách TP Hải Phòng.
Ông Lê Tiến Châu cho biết, chủ trương nhất quán của lãnh đạo thành phố thời gian qua và tới đây về doanh nghiệp nội địa, doanh nghiệp của TP Hải Phòng, đó là: Doanh nghiệp nội địa, doanh nghiệp Hải Phòng là sức mạnh nội tại, là nguồn lực tự cường của thành phố. Lãnh đạo thành phố cam kết, sẽ giành sự quan tâm đặc biệt, sự hỗ trợ thực chất, hiệu quả để xây dựng đội ngũ doanh nghiệp Hải Phòng thật sự lớn mạnh. Đây là không phải là chủ trương lý thuyết mà sẽ trở thành những nhiệm vụ, giải pháp cụ thể mà Thường trực Thành ủy tập trung chỉ đạo thời gian tới.
“TP Hải Phòng sẽ tập trung vào đẩy mạnh việc chuyển đổi số tiến tới việc thực hiện các thủ tục hành chính thông qua môi trường mạng một cách công khai, minh bạch, để người dân và doanh nghiệp có thể theo dõi, giám sát kết quả giải quyết thủ tục hành chính; tạo sự bình đẳng công bằng giữa các doanh nghiệp, không có cơ hội cho sự ưu ái không trong sáng trong giải quyết thủ tục hành chính. Đồng thời, sẽ ban hành và triển khai đồng bộ các cơ chế, chính sách đáp ứng và tạo điều kiện cho doanh nghiệp phát triển; tập trung phát triển hệ thống cơ sở hạ tầng đồng bộ, hiện đại, đặc biệt phát triển hệ thống hạ tầng giao thông kết nối, quan tâm hơn nữa đến xây dựng nhà ở công nhân và nâng cao chất lượng nguồn nhân lực thành phố…”, ông Châu khẳng định.
Ông Nguyễn Quang Vinh - Phó Chủ tịch Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) cho biết: “Hội nghị đối thoại trực tiếp giữa Thường trực Thành ủy Hải Phòng với các doanh nghiệp được tổ chức trên tinh thần hết sức cởi mở để lắng nghe, thấu hiểu, phát triển và đặc biệt đối thoại để truyền cảm hứng. Từ đó cho thấy sự quan tâm rất lớn của TP Hải Phòng với cộng đồng doanh nghiệp, doanh nhân thành phố. Trong bối cảnh tình hình kinh tế hết sức khó khăn, việc chia sẻ, lắng nghe như thế này để truyền lửa, truyền cảm hứng cho nhau từ Đảng, chính quyền đến cộng đồng doanh nghiệp. VCCI đánh giá cao cuộc gặp gỡ, đối thoại của lãnh đạo TP Hải Phòng với các doanh nghiệp và mong rằng những cuộc đối thoại như thế này sẽ được lan tỏa đến nhiều địa phương trên cả nước”.
Có thể bạn quan tâm