Lành mạnh thị trường, nhưng không… “hình sự hóa”

GIA NGUYỄN 24/04/2022 04:15

Đồng tình với quan điểm “không hình sự hóa các quan hệ dân sự kinh tế” của Thủ tướng, nhiều ý kiến cho rằng, xử lý nghiêm doanh nghiệp vi phạm là cần thiết nhưng không nên để đổ vỡ thị trường...

>> Sớm bịt “kẽ hở” để đưa trái phiếu doanh nghiệp vào… khuôn khổ

Thông tin tại Hội nghị phát triển thị trường vốn an toàn, minh bạch, hiệu quả, bền vững nhằm ổn định kinh tế vĩ mô, bảo đảm các cân đối lớn của nền kinh tế vừa qua, Thiếu tướng Lê Văn Tuyến - Thứ trưởng Bộ Công an đã chỉ ra thực trạng thị trường chứng khoán, trái phiếu ngày càng xuất hiện nhiều hành vi thiếu minh bạch với thủ đoạn tinh vi, phức tạp.

Theo ông Tuyến, hành vi vi phạm chủ yếu tập trung vào các hành vi như công bố thông tin không đúng sự thật, thao túng giá chứng khoán. Nhưng những hành vi này chưa đến mức xử lý hình sự.

Khái quát lại phát biểu đã nêu, Thủ tướng Chính phủ - Phạm Minh Chính nhấn mạnh: “Quan trọng là chúng ta không hình sự hóa các quan hệ dân sự kinh tế”. Ý kiến của Thủ tướng được nhiều đại biểu, chuyên gia tại hội nghị đồng tình.

Lành mạnh thị trường, nhưng không… “hình sự hóa” - Ảnh minh họa

Lành mạnh thị trường, nhưng không… “hình sự hóa” - Ảnh minh họa

Bà Nguyễn Thị Mai Thanh - Chủ tịch CTCP Cơ Điện Lạnh (REE) bày tỏ, tôi rất thích nghe Thủ tướng nói là không nên hình sự hóa các quan hệ dân sự kinh tế, nhưng tất nhiên những ai cố tình làm hại thị trường thì phải được xử lý.

Theo bà Thanh, ngoài vốn vay ngân hàng, kênh huy động vốn qua phát hành cổ phiếu trên thị trường chứng khoán và phát hành trái phiếu doanh nghiệp là 2 kênh quan trọng và hữu ích, giúp phát triển công ty trong trung và dài hạn.

“Nhà đầu tư đều quan tâm đến tính minh bạch trong công bố thông tin và cam kết của nhà phát hành trái phiếu. Chúng ta cần một tổ chức giám sát tính minh bạch trong quá trình thực hiện. Cùng với đó là tính khả thi được thể hiện trên kết quả báo cáo tài chính hợp nhất, đặc biệt các tổ chức phát hành là Công ty niêm yết. Qua đó, nhà đầu tư - trái chủ có thể dễ dàng kiểm chứng thông tin”, bà Thanh nhận định.

>> “Siết” trái phiếu doanh nghiệp: Cần có… lộ trình

Từ đó, REE kiến nghị, cần có thêm các quy định chặt chẽ hơn về người chịu trách nhiệm, tài sản thế chấp phải được định danh, cũng như có tính thanh khoản cao.

“Chế tài cũng cần được đặt ra đối với những trường hợp chệch hướng với những thông tin đã được công bố. Về pháp lý, cần củng cố thêm trách nhiệm của các cơ quan kiểm toán, định giá và giám sát tài sản”, bà Thanh nêu quan điểm.

Đồng quan điểm với Chủ tịch REE, Đại biểu Quốc hội - Trần Hoàng Ngân đề nghị, về thị trường cổ phiếu cần kịp thời phát hiện và xử lý ngay, xử lý nghiêm những vi phạm trên thị trường chứng khoán ở tất cả các mặt, kể cả công bố thông tin chưa kịp thời.

thị trường cổ phiếu và trái phiếu doanh nghiệp bắt đầu trở thành kênh huy động vốn trung, dài hạn quan trọng và hiệu quả - Ảnh minh họa

Thị trường cổ phiếu và trái phiếu doanh nghiệp bắt đầu trở thành kênh huy động vốn trung, dài hạn quan trọng và hiệu quả - Ảnh minh họa

Còn Đại biểu Quốc hội - Trương Trọng Nghĩa thì cho rằng, một số vụ việc sai phạm thời gian vừa qua, không đại diện cho tất cả các doanh nghiệp trên thị trường. Do đó, việc thắt chặt huy động vốn, tín dụng thông qua thị trường chứng khoán và trái phiếu về mặt chính sách là chưa cần thiết.

Theo ông Nghĩa, việc xử lý kịp thời và nghiêm minh các doanh nghiệp này và các bên khác là quan trọng, nhưng không nên để đổ vỡ thị trường, không nên có sự thay đổi đột ngột, đảo chiều chính sách tác động tiêu cực lớn hơn đối với sự phát triển của thị trường.

Từ đó, về nguyên tắc trong xử lý với các hành vi đan xen giữa dân sự, hành chính và hình sự, ông đồng tình không hình sự hóa nhưng cũng không dân sự hóa mà tất cả phải theo luật. Bản chất là dân sự xử theo dân sự, hành chính thì xử hành chính, hình sự thì xử hình sự nhưng khi xử hình sự thì phải đảm bảo đúng quy định hình sự. Có nghĩa là bảo đảm nguyên tắc suy đoán vô tội.

“Xử vi phạm hình sự trong kinh doanh cần lưu ý là vi phạm này khác với các tội phạm cướp của, giết người, ma túy, có nghĩa không cần bắt giam thì không bắt giam, nếu người ta có khả năng khắc phục hậu quả thì tạo điều kiện cho người ta khắc phục hậu quả”, ông Nghĩa bày tỏ.

Cũng theo ông Nghĩa, các vụ việc sai phạm vừa qua tạo tiền lệ cho các vụ việc về sau này, do đó cần cẩn trọng vận dụng các biện pháp có căn cứ pháp luật hiện hành, nếu vận dụng biện pháp đặc biệt thì cũng phải đúng quy trình luật định và kinh tế thị trường.

“Kinh tế thị trường có quy luật khách quan của nó, chúng ta phải tôn trọng và tuân thủ. Muốn có thị trường vốn hiệu quả và bền vững thì phải cạnh tranh lành mạnh. Muốn cạnh tranh lành mạnh thì đảm bảo minh bạch, công bằng, thuận lợi, bình đẳng và nghiêm minh trước pháp luật”, ông Nghĩa nêu quan điểm.

Thực tế, các nhà quản lý và chuyên gia đều cho rằng, thị trường cổ phiếu và trái phiếu doanh nghiệp bắt đầu trở thành kênh huy động vốn trung và dài hạn quan trọng và hiệu quả cho các doanh nghiệp bên cạnh kênh tín dụng ngân hàng. Vì vậy, cần tiếp tục phát triển mạnh thị trường này.

Trong đó, chỉ riêng về trái phiếu doanh nghiệp, theo Hiệp hội Thị trường trái phiếu Việt Nam (VBMA), đây là thị trường tăng trưởng rất mạnh 10 năm qua, số lượng nhà phát hành tăng 8 lần, khối lượng tăng 23 lần. Năm 2021, có gần 400 doanh nghiệp phát hành, khối lượng phát hành là 635.283 tỷ đồng với tổng dư nợ thị trường trái phiếu doanh nghiệp chiếm khoảng 14,1% GDP của Việt Nam.

Và trên thực tế, nhu cầu phát hành trái phiếu để huy động vốn là rất lớn. Theo số liệu thống kê từ Bộ Tài chính, năm 2021, khối lượng trái phiếu phát hành riêng lẻ chiếm tới hơn 95,1% tổng giá trị phát hành trong năm 2021, đạt 605 nghìn tỷ đồng. Quý I/2022, khối lượng trái phiếu phát hành riêng lẻ tiếp tục tăng tỷ trọng trong tổng giá trị phát hành, chiếm hơn 95,4%.

Ông Phạm Phú Khôi - Phó Chủ tịch VBMA cho rằng, thị trường trái phiếu phát hành riêng lẻ rất quan trọng, đặc biệt trong giai đoạn khủng hoảng hậu COVID-19. Rất nhiều doanh nghiệp cần tái cơ cấu, bổ sung vốn dài hạn để phát triển kinh doanh sản xuất, đặc biệt trong lĩnh vực bất động sản.

Thị trường trái phiếu doanh nghiệp phát hành riêng lẻ sẽ giúp các doanh nghiệp trong tình trạng khủng hoảng có công cụ để tái cơ cấu nguồn vốn, tiếp tục hoạt động; không dẫn đến những hệ quả dây chuyền lên hệ thống ngân hàng như tăng nợ xấu. Đây cũng là công cụ để các nhà đầu tư tổ chức chuyên đầu tư mạo hiểm cấu trúc các thương vụ.

Có thể bạn quan tâm

  • Khúc quanh mới của trái phiếu doanh nghiệp bất động sản

    Khúc quanh mới của trái phiếu doanh nghiệp bất động sản

    03:00, 23/04/2022

  • “Gạn lọc” trái phiếu doanh nghiệp

    “Gạn lọc” trái phiếu doanh nghiệp

    04:50, 21/04/2022

  • Sớm bịt “kẽ hở” để đưa trái phiếu doanh nghiệp vào… khuôn khổ

    Sớm bịt “kẽ hở” để đưa trái phiếu doanh nghiệp vào… khuôn khổ

    04:10, 21/04/2022

  • “Siết” trái phiếu doanh nghiệp: Cần có… lộ trình

    “Siết” trái phiếu doanh nghiệp: Cần có… lộ trình

    04:00, 20/04/2022

  • Ổn định thị trường trái phiếu doanh nghiệp

    Ổn định thị trường trái phiếu doanh nghiệp

    04:30, 19/04/2022

(0) Bình luận
Nổi bật
Mới nhất
Lành mạnh thị trường, nhưng không… “hình sự hóa”
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO