Tỷ lệ thất nghiệp giảm trong khi nhu cầu tuyển dụng lao động gia tăng, tuy nhiên lao động qua đào tạo mới là nhu cầu thực sự của các doanh nghiệp hiện nay.
Tín hiệu tích cực
Tổng cục Thống kê vừa có báo cáo về tình hình lao động việc làm quý II/2018. Trong đó, tỷ lệ thất nghiệp quý II/2018 là 2,0%, giảm 0,01 điểm phần trăm so với quý trước và giảm 0,05 điểm phần trăm so với cùng kỳ năm trước. Lực lượng lao động trong độ tuổi lao động quý II/2018 là 48,5 triệu người, tăng 47,7 nghìn người so với quý trước, tăng 556,6 nghìn người so với cùng kỳ năm trước.
Theo ông Doãn Mậu Diệp, Thứ trưởng Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội (LĐTBXH), năm 2017, cả nước có 125.000 doanh nghiệp được thành lâp mới, 25.000 doanh nghiệp tạm dừng đã hoạt động trở lại. Môi trường kinh doanh được cải thiện đã phần nào tạo nên những điều kiện thuận lợi cho thị trường lao động.
Hiện nay, các trường nghề nhìn chung đã và đang cung ứng ra thị trường những đội ngũ lao động có tay nghề, đáp ứng yêu cầu của các cơ quan, doanh nghiệp. Và đã có không ít những bạn trẻ đang lựa chọn con đường đi học nghề để có công việc ổn định theo đúng nhu cầu xã hội.
Khảo sát tại tỉnh Lào Cai cho thấy, cơ cấu đào tạo ngành nghề đang đi đúng hướng, các cơ sở giáo dục nghề nghiệp đã chuyển hướng đào tạo từ cung sang cầu thị trường lao động, đã đào tạo theo cơ cấu, ngành nghề, vị trí việc làm của doanh nghiệp. Bên cạnh đó, công tác liên doanh, liên kết đào tạo được mở rộng, đã có 05 trường cao đẳng nghề chất lượng cao trong khu vực phía bắc tham gia liên kết đào tạo nguồn nhân lực cho tỉnh Lào Cai.
Ông Đinh Văn Thơ, Phó giám đốc Sở Lao động, Thương binh và Xã hội tỉnh cho biết: Trên địa bàn tỉnh hiện có 43 trường, trung tâm, cơ sở giáo dục đào tạo nghề. Năm 2017 và 6 tháng đầu năm 2018, tỉnh Lào Cai đã tổ chức tuyển sinh và đào tạo được 25.737 lao động, trong đó trung cấp, cao đẳng 5.962 lao động, sơ cấp và dưới 3 tháng 19.775 lao động.
Trong giai đoạn 2014 đến hết 5 tháng đầu năm 2018 các trường, trung tâm giáo dục nghề nghiệp trên địa bàn tỉnh Lào Cai đã chủ động phối hợp với trên 250 doanh nghiệp để phối hợp trong công tác đào tạo, thực tập, thực hành, tuyển dụng cho 4.639 người.
Theo ông Doãn Vương Công, quản lý nhân sự Công ty TNHH Liên doanh Khách sạn Quốc tế Lào Cai: “Chúng tôi đánh giá cao sự phối hợp của Sở Lao động, Thương binh và Xã hội trong công tác liên kết cùng doanh nghiệp đào tạo nâng cao chất lượng nguồn nhân lực cho cán bộ công nhân viên của công ty chúng tôi. Đến thời điểm này, tôi rất hài lòng về năng lực và nghiệp vụ của cán bộ nhân viên lĩnh vực nhà hàng - khách sạn”.
Vẫn còn nhiều vấn đề
Thực tế là vậy nhưng công tác đào tạo nghề hiện nay còn rất khó khăn, do đó sự hài hòa giữa cung - cầu lao động vẫn còn đó những trăn trở.
Theo thông tin từ Trung tâm Dịch vụ việc làm tỉnh Lào Cai, các doanh nghiệp thường đưa ra yêu cầu tuyển dụng người có kinh nghiệm, trong khi số lao động đang tìm việc làm đa số còn trẻ, mới ra trường. Đây chính là điểm vênh nhau giữa đội ngũ người lao động địa phương và các đơn vị tuyển dụng, gây khó khăn cho công tác giới thiệu, cung ứng lao động.
Với tỉnh Lào Cai, đa số là các doanh nghiệp nhỏ và siêu nhỏ, nhu cầu lao động biến động liên tục theo sự biến động của hoạt động sản xuất kinh doanh nên việc hợp tác giữa các cơ sở giáo dục nghề nghiệp với doanh nghiệp cũng gặp nhiều khó khăn.
Có thể bạn quan tâm
23:23, 01/08/2018
16:38, 01/08/2018
11:00, 21/07/2018
15:35, 13/05/2018
Theo ông Thơ, hiện nay số doanh nghiệp hợp tác theo hình thức đặt hàng đào tạo còn ít, chủ yếu là đặt hàng đào tạo, bồi dưỡng hệ ngắn hạn, chưa có nhiều doanh nghiệp đặt hàng đào tạo trình độ cao đẳng, trung cấp.
Các doanh nghiệp còn hạn chế trong việc đặt hàng đào tạo do còn ngại hỗ trợ chi phí đào tạo cho HSSV, chỉ khi có nhu cầu lao động mới liên hệ với Nhà trường để tuyển dụng lao động, vì vậy chưa chủ động được trong công tác tuyển sinh, gắn kết đào tạo với giải quyết việc làm.
Theo ý kiến của bà Vũ Tuyết Nhung - Giám đốc Trung tâm GDNN – GDTX thành phố Lào Cai: “Chúng tôi luôn sẵn sàng phối hợp cùng các tổ chức, doanh nghiệp để tổ chức các lớp đào tạo theo nhu cầu, phù hợp các vị trí việc làm, thậm chí còn đến tận nơi các công ty để thăm dò ý kiến và nhu cầu đào tạo nhưng đa số đều không mặn mà phối hợp”.
Bà Nhung cũng cho biết, cái khó hiện nay là khâu tuyển sinh, nhiều bậc phụ huynh vẫn quan niệm rằng, con em mình học xong trung học phổ thông phải vào đại học thì mới có cơ hội tiến thân, nếu năm nay thi không đỗ chờ sang năm thi tiếp, không muốn cho con học nghề.
Bên cạnh đó, việc đào tạo ồ ạt dẫn đến nghịch lý là số lượng sinh viên đông nhưng chất lượng đầu ra chưa đáp ứng được đầy đủ yêu cầu của các nhà tuyển dụng, khó có thể tìm cho mình một công việc thích hợp. Nhiều cử nhân khi làm việc tại các doanh nghiệp thì vẫn phải đào tạo lại. Cuối cùng dẫn đến tình trạng lao động vẫn thừa, nhưng thiếu lao động có chuyên môn cao.
Có thể thấy, thị trường lao động thừa nhưng vẫn thiếu, để giải được bài toán về cung cầu này không hề dễ dàng nhưng không phải không thể làm được.
Cần có sự quan tâm và định hướng rõ hơn của các cấp, các ngành về công tác đào tạo nghề cũng như cái nhìn của xã hội về việc học nghề. Trong bối cảnh hiện nay, việc đào tạo nghề cần sự vào cuộc của các doanh nghiệp để có thể đảm bảo tương lai cho các học viên tốt nghiệp.