Đây là đề nghị của Chủ tịch Quốc hội - Trần Thanh Mẫn tại góp ý Dự thảo Kế hoạch giám sát và đề cương báo cáo của Đoàn giám sát của Ủy ban Thường vụ Quốc hội về “Việc thực hiện chính sách, pháp luật về phát triển và sử dụng nguồn nhân lực đáp ứng yêu cầu phát triển kinh tế - xã hội, nhất là nguồn nhân lực chất lượng cao”.
Theo đó, tiếp tục phiên họp thứ 36, sáng 20/8, Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho ý kiến Dự thảo Kế hoạch giám sát và đề cương báo cáo của Đoàn giám sát của Ủy ban Thường vụ Quốc hội về “Việc thực hiện chính sách, pháp luật về phát triển và sử dụng nguồn nhân lực đáp ứng yêu cầu phát triển kinh tế - xã hội, nhất là nguồn nhân lực chất lượng cao”.
Trình bày về nội dung này, Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, Giáo dục của Quốc hội, Phó Trưởng Đoàn Thường trực Đoàn giám sát - Nguyễn Đắc Vinh cho biết, thực hiện Nghị quyết số 1141/NQ-UBTVQH15 ngày 15/8/2024 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội về việc thành lập Đoàn giám sát chuyên đề “Việc thực hiện chính sách, pháp luật về phát triển và sử dụng nguồn nhân lực đáp ứng yêu cầu phát triển kinh tế - xã hội, nhất là nguồn nhân lực chất lượng cao”, ngày 15/8/2024, Đoàn giám sát đã họp Phiên thứ nhất để thảo luận, cho ý kiến về dự thảo Kế hoạch giám sát và các Đề cương báo cáo giám sát, phân công nhiệm vụ thành viên Đoàn Giám sát…
Theo ông Nguyễn Đắc Vinh, Dự thảo Kế hoạch giám sát của Đoàn giám sát gồm 06 phần, xác định rõ mục đích, yêu cầu; nội dung, đối tượng, phạm vi giám sát; phương thức hoạt động của Đoàn giám sát; phân công nhiệm vụ thành viên Đoàn giám sát; tiến độ triển khai thực hiện và việc tổ chức thực hiện.
Dự thảo Kế hoạch đã xác định rõ 03 mục đích, 02 yêu cầu của hoạt động giám sát. Theo đó, giám sát về phát triển và sử dụng nguồn nhân lực đáp ứng yêu cầu phát triển kinh tế - xã hội, nhất là nguồn nhân lực chất lượng cao nhằm mục đích xem xét, đánh giá: Việc thể chế hóa chủ trương của Đảng về phát triển và sử dụng nguồn nhân lực, nguồn nhân lực chất lượng cao đáp ứng yêu cầu phát triển kinh tế - xã hội.
Đánh giá thực trạng nguồn nhân lực; kết quả đạt được, hạn chế, khó khăn, vướng mắc; xác định nguyên nhân, chỉ rõ trách nhiệm của các cơ quan, tổ chức, cá nhân trong việc thực hiện nhiệm vụ phát triển và sử dụng nguồn nhân lực, nguồn nhân lực chất lượng cao. Đề xuất kiến nghị, giải pháp tiếp tục thực hiện có hiệu quả việc phát triển và sử dụng nguồn nhân lực, nhất là nguồn nhân lực chất lượng cao đáp ứng yêu cầu phát triển kinh tế - xã hội trong giai đoạn tới…
“Nội dung giám sát tập trung vào 04 nội dung chính: Đánh giá công tác lãnh đạo, chỉ đạo và việc thể chế hóa chủ trương của Đảng thành chính sách, pháp luật về phát triển và sử dụng nguồn nhân lực, nguồn nhân lực chất lượng cao đáp ứng yêu cầu phát triển kinh tế - xã hội; Đánh giá thực trạng nguồn nhân lực, nguồn nhân lực chất lượng cao; Đánh giá kết quả đạt được, tồn tại hạn chế, nguyên nhân, bài học kinh nghiệm về phát triển và sử dụng nguồn nhân lực, nguồn nhân lực chất lượng cao; Đề xuất kiến nghị, giải pháp để tiếp tục thực hiện có hiệu quả nhiệm vụ phát triển và sử dụng nguồn nhân lực, nguồn nhân lực chất lượng cao đáp ứng yêu cầu phát triển kinh tế - xã hội trong thời gian tới”, ông Vinh chia sẻ.
Đồng thời cho hay, Dự thảo Kế hoạch của Đoàn giám sát cũng đề nghị 12 Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương chủ trì, phối hợp với Hội đồng nhân dân, Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam cấp tỉnh tổ chức giám sát về nội dung chuyên đề tại địa phương và gửi báo cáo kết quả theo yêu cầu của Đoàn giám sát. Đoàn giám sát dự kiến tổ chức các Đoàn công tác để tiến hành giám sát trực tiếp tại 10 địa phương gồm: Bắc Giang, Thái Nguyên, Hà Nội, Hải Phòng, Hải Dương, Đắk Lắk, Khánh Hòa, Thành phố Hồ Chí Minh, Bà Rịa - Vũng Tàu, Trà Vinh…
Dự kiến, tại phiên họp tháng 8/2025 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Đoàn giám sát sẽ báo cáo kết quả giám sát và trình Ủy ban Thường vụ Quốc hội xem xét, thông qua Dự thảo Nghị quyết giám sát chuyên đề.
Cho ý kiến về nội dung Dự thảo Kế hoạch, Chủ tịch Quốc hội – Trần Thanh Mẫn cho cho biết, nhiều kỳ họp gần đây, Quốc hội chất vấn các Bộ trưởng, trong đó có Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo, Bộ trưởng Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội xung quanh vấn đề đào tạo sử dụng nhân lực này làm sao cho hợp lý, phù hợp…
“Tôi thấy đề cương của chúng ta cần phân tích, dự báo và đặt ra nhu cầu đào tạo sử dụng nguồn nhân lực này phù hợp, nghiên cứu kỹ phạm vi giám sát nhất là các văn bản của Đảng, Nhà nước đã ban hành. Trong đó, những nội dung nào đã thực hiện, nội dung nào đang thực hiện, nội dung nào chưa thực hiện lý do vì sao… ai cũng có gia đình, ai cũng có con em mình đi học, người ta đều mong muốn học xong, đào tạo xong là có việc làm phục vụ cho đất nước, phục vụ cho nhân dân. Vì vậy, cần xem xét kỹ vấn đề này nhất là tại các Nghị quyết của Đảng, Nghị quyết Quốc hội…”, Chủ tịch Quốc hội nhấn mạnh.
Theo Chủ tịch Quốc hội, đã thực hiện giám sát thì phải thực hiện thật tốt, và để có thể thực hiện tốt phải có số liệu đầy đủ, có bức tranh tương đối toàn diện và thực trạng nguồn nhân lực của đất nước hiện nay. Đánh giá rõ quy mô chất lượng cơ cấu nguồn nhân lực trong mối tương quan Việt Nam với các nước trong khu vực và thế giới.
“Trong ASEAN, Việt Nam đứng thứ mấy về chất lượng nguồn nhân lực. 11 nước ASEAN thì mình đứng thứ ba, thứ tư gì thì phải tự đánh giá để xem xét rồi lưu ý rõ để đưa ra các kiến nghị, đề xuất đúng thẩm quyền, đúng trách nhiệm…”, Chủ tịch Quốc hội bày tỏ.
Góp ý Dự thảo Kế hoạch, Phó Chủ tịch Quốc hội – Trần Quang Phương cũng lưu ý, thay vì “cưỡi ngựa xem hoa”, tổ chức, hoạt động giám sát cần đi vào thực chất.
Tại phiên họp, một số ý kiến cũng đề xuất việc giám sát phải đảm bảo tính khoa học, thống nhất từ kế hoạch đến thực thi để tránh chồng chéo.