Lão ngư nuôi cá đặc sản tiến vua, thu 500 triệu đồng/năm

Diendandoanhnghiep.vn Suốt 10 năm nay, người dân thị trấn Ea T’ling (huyện Cư Jút, tỉnh Đắk Nông) không còn xa lạ với ông Tống Văn Chung. Nhờ dòng Serepok, 20 bè nuôi cá lăng đuôi đỏ đã giúp ông thu nửa tỉ đồng/năm.

Phải lòng với … cá tiến vua

Gần cuối chiều, ông Tống Văn Chung chèo chiếc thuyền gỗ, chông chênh từ bờ ra giữa lòng sông Serepok. Nơi đây, ông đang đặt 20 chiếc lồng nuôi cá lăng của gia đình.

Sông Serepok vốn chảy qua 2 tỉnh Đắk Lắk và Đắk Nông. Không giống như những con sông khác, Serepok chảy ngược lên hướng thượng nguồn, sang tận đất Campuchia trước khi hợp vào dòng Mêkông. Sau đó, dòng sông lại xuôi về miền Tây Nam bộ Việt Nam rồi chảy ra biển lớn.

Trên con sông này, nhiều loài cá đang sống. Nhưng cá lăng – một loài thuộc họ cá da trơn sống ở những vùng nước sâu chảy mạnh – được đánh giá là loài thuỷ sản ngon nhất nơi này.

Ông Tống Văn Chung là người “thuần hóa” cá lăng trên dòng sông Serepok

Ông Tống Văn Chung là người “thuần hóa” cá lăng trên dòng sông Serepok

Năm 2010, ông Tống Văn Chung nghỉ hưu rồi cùng vợ chọn một khúc sông Serepok, ngay chân thác Trinh Nữ làm nơi “khởi nghiệp”. Theo lão nông sành sỏi này bật mí, loài cá lăng vốn ưa nơi nước chảy, nhất là nơi gần thác ghềnh và sạch sẽ.

Cá lăng được mệnh danh là đặc sản của Tây Nguyên và từng được coi là loài cá tiến vua. Dòng Serepok dữ dằn nhưng lại bao bọc loài cá lăng có thịt thơm ngon và chắc. Những năm gần đây, nhiều công trình thủy điện được xây mới cùng với sự săn bắt quá nhiều. Nguồn cá lăng trong tự nhiên càng hiếm dù nhu cầu của người dân luôn cao.

Tính toán thiệt hơn, vợ chồng ông quyết “thuần hóa” loài cá đặc sản này.

Tuy nhiên, tập quán của loài cá lăng là sinh sống đơn lẻ. Nên ông Chung khi quyết định đầu tư mua lưới và đóng bè nuôi cá lăng đuôi đỏ ngay trên sông, nhiều người đã nghi ngại.

Hiện tại, vợ chồng lão nông này đang sở hữu 20 lồng bè nuôi đặc sản của Tây Nguyên

Hiện tại, vợ chồng lão nông này đang sở hữu 20 lồng bè nuôi đặc sản của Tây Nguyên

“Làm sao mà thuần hóa nó, nuôi tập trung trong một không gian hẹp, nhất là nuôi với sống lượng lớn luôn khiến tôi trăn trở, tìm đọc rất nhiều tài liệu”, ông Tống Văn Chung nhớ lại bài toán khó trong quãng thời gian cách đây 10 năm.

Thời gian đầu, ông Chung tập tành nuôi cá. Do chưa am hiểu kỹ thuật nhiều, cá chậm lớn. Thậm chí có trường hơp cá chết vì nuôi không đúng kỹ thuật.

Vụ thu hoạch đầu không đáng kể nhưng cũng đủ mang lại cho ông những kiến thức quý báu trong suốt 10 năm “thuần hóa” đặc sản Tây Nguyên.

“Cá lăng ăn cao cấp lắm. Lúc nhỏ, chúng ăn thịt cá xay nhuyễn. Đến khi trưởng thành, cá lăng ăn các loại cá khác, thịt heo và lòng gà. Có ngày, nuôi gần 20 lồng cá lăng, gia đình phải mất cả triệu bạc tiền mua thức ăn”, ông Chung vừa kể, vừa chèo chiếc thuyền nhỏ ra giữa lòng sông, chuẩn bị cho cá ăn.

Sáng nào, vợ chồng ông Chung cũng đi lùng khắp các chợ, mua đồ ăn về phục vụ loài cá này.

Cá tạp, cá ươn được mua về làm thức ăn cho cá lăng

Cá tạp, cá ươn được mua về làm thức ăn cho cá lăng

Mất trắng rồi lại được

Mùa mưa năm 2016, đang làm ăn thuận lợi thì thủy điện bất ngờ xả nước, cuốn phăng hết tài sản là lồng bè nuôi cá lăng của gia đình. Sản lượng cá nuôi trị giá 1,5 tỉ đồng bị cuốn trôi trong vài phút ngắn ngủi.

Tiếc “đứt ruột” nhưng không nản. Hai vợ chồng ông Chung cùng gây dựng lại cho đến thời điểm này.

“Ngày ấy gần như hai vợ chồng trắng tay bởi bao nhiêu vốn liếng đổ dồn vào mấy bè cá. Thế rồi vay mượn, xoay xở, chúng tôi lại làm lại từ đầu. Hiện tại với 20 lồng cá, trừ tất cả chi phí, gia đình thu được khoảng 500 triệu đồng mỗi năm. Thị trường tiêu thụ khá ổn định, có mặt ở nhiều tỉnh thành phía Nam”, ông Chung bộc bạch.

Với 20 lồng cá, trừ tất cả chi phí, gia đình ông Chung thu được khoảng 500 triệu đồng mỗi năm

Với 20 lồng cá, trừ tất cả chi phí, gia đình ông Chung thu được khoảng 500 triệu đồng mỗi năm

Tiếp lời chồng, bà Nguyễn Thị Hoan kể, nuôi cá lăng không chỉ đòi hỏi kỹ thuật mà phải có “duyên”. Sau 10 năm, vợ chồng ông bà ăn ngủ cùng loài cá này luôn nên hiểu được tập tính của nó.

“Cá này sống ở đoạn nước sâu, có chỗ sâu tận 5m. Thấy người đến là chúng lặn sâu, mất hút. Cá lăng ưa nước sạch nên nuôi trên sông serepok là hợp lý nhất, lúc nào nước cũng chảy nên cá nhanh lớn mà không bị bệnh.

Cá nuôi từ lúc chỉ bằng ngón tay cái đến khoảng 2-2,5kg mới được bán, có lồng phải nuôi gần 3 năm trời nên chúng tôi nuôi theo kiểu gối đầu. Với giá khoảng 180.000 đồng- 250.000 đồng/ kg tùy thời điểm, cá nuôi đến đâu là được thương lái đến mua đến đó”, bà Hoan nói thêm.

Được biết, hiện với mỗi lồng bè khoảng 1.500 con, với độ tuổi từ 1 tháng- 2 năm, gia đình ông Chung có cuộc sống ổn định. Mỗi ngày chỉ cần “xúc” vài con lên bán cho các nhà hàng là đủ chi phí mua thức ăn cho số cá trong 20 lồng bè còn lại.

https://dantri.com.vn/lao-dong-viec-lam/len-tay-nguyen-xem-lao-ngu-nuoi-ca-dac-san-tien-vua-thu-500-trieu-dongnam-20200713220209709.htm#

Đánh giá của bạn:

Mời các bạn tham gia vào group Diễn đàn Doanh nghiệp để thảo luận và cập nhật tin tức.

Bạn đang đọc bài viết Lão ngư nuôi cá đặc sản tiến vua, thu 500 triệu đồng/năm tại chuyên mục Khởi nghiệp của Tạp chí Diễn đàn doanh nghiệp. Liên hệ cung cấp thông tin và gửi tin bài cộng tác: email toasoan@dddn.com.vn, hotline: 0985698786,
Bình luận
Bạn còn /500 ký tự
Xếp theo: Thời gian | Số người thích
SELECT id,type,category_id,title,description,alias,image,related_layout,publish_day FROM cms_post WHERE `status` = 1 AND publish_day <= 1714462931 AND in_feed = 1 AND top_home <> 1 AND status = 1 AND publish_day <= 1714462931 ORDER BY publish_day DESC, id DESC LIMIT 0,11
1 2 3 4 5 6 7 8 9 10