Thị trường

Lật tẩy chiêu trò bán bất động sản (Kỳ 2): “ma trận” tên dự án

Nguyễn Phước - Tuấn Vỹ 04/04/2025 05:02

Nhiều doanh nghiệp bất động sản Quảng Nam – Đà Nẵng đặt tên dự án bất động sản hoàn toàn khác với tên được cơ quan chức năng phê duyệt để đưa ra thị trường.

Giữa tháng 5/2024, Công ty CP BĐS Nam Miền Trung – Đơn vị phát triển kinh doanh đã chính thức ra mắt dự án “Căn hộ nhà ở hạng sang DaNang Gold Tower”. Theo giới thiệu, với vị trí đắc địa bậc nhất ngay trung tâm quận Hải Châu, TP Đà Nẵng, DaNang Gold Tower không chỉ giải quyết nhu cầu nhà ở thực cho cư dân nội đô mà còn mang đến những trải nghiệm sống đẳng cấp, thời thượng với cộng đồng văn minh tinh hoa.

34d66cb2e62d56730f3c (1)
Dự án Ngọc Dương Riverside mở rộng của Công ty CP Đầu tư Phát triển Đô thị Đất Quảng – Quảng Nam được gắn thêm một tên “Tây” mới là Tropical Palm.

Trên báo chí, ông Nguyễn Hiền Ninh – Tổng giám đốc Công ty CP BĐS Nam Miền Trung đánh giá, căn hộ DaNang Gold Tower đáp ứng nhu cầu đầu tư thực tại Đà Nẵng với số lượng giới hạn, tầm view độc bản đắt giá cùng hệ giá trị đa tầng mang đến một dự án nhà ở chất lượng cao, giá trị thực cho nhu cầu ở thực.

Liên quan đến dự án này, giữa năm 2024, Sở Xây dựng TP Đà Nẵng có thông báo về nhà ở hình thành trong tương lai đủ điều kiện được bán. Tuy nhiên, Sở Xây dựng cũng đề cập, trường hợp sau khi Sở ban hành văn bản thông báo trên nhưng chủ đầu tư không bán mà thực hiện thế chấp nhà ở thì việc bán nhà ở này sau khi thế chấp chỉ được thực hiện khi có đủ điều kiện và có văn bản thông báo của Sở Xây dựng theo quy định.

“Thực hiện việc kinh doanh bất động sản theo đúng quy định pháp luật về nhà ở và kinh doanh bất động sản. Chủ đầu tư chịu hoàn toàn trách nhiệm trước pháp luật trường hợp để xảy ra sai phạm trong việc đầu tư xây dựng dự án, kinh doanh bất động sản tại dự án”, Sở Xây dựng TP Đà Nẵng yêu cầu.

Như vậy theo hồ sơ cấp phép, DaNang Gold Tower có tên là Dự án Chung cư Bắc Cường (Bac Cuong Tower) của Công ty cổ phần Cường Thịnh Phát Land chứ không phải tên “Tây” như Công ty CP BĐS Nam Miền Trung – Đơn vị phát triển kinh doanh dự án đã “cấp”. Mọi việc không dừng lại ở đó, sau này Công ty CP BĐS Nam Miền Trung không tiếp tục duy trì tên DaNang Gold Tower mà chuyển thành The Vista Residence và mở bán rộng rãi.

Cũng tại Đà Nẵng, tình trạng “loạn” tên các dự án bất động sản diễn ra khá phổ biến dù giữa năm 2024, chính quyền TP Đà Nẵng đã có công văn chấn chỉnh việc sử dụng tên dự án, tên các khu vực trong dự án đầu tư xây dựng nhà ở trên địa bàn thành phố. Theo văn bản này, thì thời gian qua, một số chủ đầu tư dự án đầu tư xây dựng nhà ở sử dụng tên dự án, tên các khu vực trong dự án không đúng tên đã được cơ quan có thẩm quyền quyết định để thực hiện quảng cáo, rao bán bất động sản; không đảm bảo quy định pháp luật về tên dự án, tên các khu vực trong dự án đầu tư xây dựng nhà ở.

Sở Xây dựng TP Đà Nẵng đề nghị Sở Thông tin và Truyền thông, Sở Văn hóa và Thể thao thường xuyên kiểm tra, xử lý các hành vi đăng tải thông tin, quảng cáo, rao vặt sử dụng tên dự án, tên các khu vực trong dự án đầu tư xây dựng nhà ở không đúng tên đã được cơ quan có thẩm quyền quyết định. Đồng thời, đề nghị UBND các quận, huyện thường xuyên kiểm tra, xử lý các hành vi vi phạm về sử dụng tên dự án, tên các khu vực trong dự án đầu tư xây dựng nhà ở,...

Có thể kể tên một loạt dự án như Khu chung cư cao tầng, văn phòng thương mại và nhà ở Tuyên Sơn đổi tên thành The Estuary Tuyên Sơn; Dự án Chung cư nhà ở xã hội tại lô B4-1, B4-2 thuộc khu đô thị xanh Bàu Tràm Lakeside thành The Ori Garden;…

Tại Quảng Nam, tình trạng thay tên đổi họ cũng diễn ra rất phổ biến. Có thể kể đến dự án Khu dân cư Cầu Hưng - Lai Nghi “hô biến” thành New Green Villa Hội An, The Mansion Hội An,.. và mới đây nhất được Navi Property chuyển thành Riveria Hội An Complex; dự án Ngọc Dương Riverside mở rộng của Công ty CP Đầu tư Phát triển Đô thị Đất Quảng – Quảng Nam được gắn thêm một tên “Tây” mới là Tropical Palm.

Ngoài ra, còn có dự án Khu đô thị Thanh Hà được chuyển tên thành “Hội An Legacity” của Công ty Cổ phần Tập đoàn Royal Capital. Trên các trang thông tin bất động sản, dự án được mô tả rằng từ dự án Hội An LegaCity, cư dân dễ dàng di chuyển đến các địa điểm du lịch nổi tiếng như Làng hoa, cây cảnh Thanh Hà, làng gốm Thanh Hà, chợ Thanh Hà, đường dạo bộ ven sông Thu Bồn chỉ mất 1-2 phút, Khu phố cổ Hội An chỉ mất 5-8 phút, Biển An Bàng, Hà My, Cửa Đại, dự án Shantira Beach Resort & Spa (cùng chủ đầu tư) chỉ mất 5-10 phút…

3b870f9a7c04cc5a9515.jpg
Hội An Legacity - Khu đô thị Thanh Hà do Công ty Cổ phần Tập đoàn Royal Capital làm chủ đầu tư.

Cùng với đó, Khu đô thị Hội An LegaCity được chủ đầu tư định hướng phát triển thành một khu đô thị khép kín hội tụ đầy đủ các tiện ích như công viên cây xanh, trường học, bệnh viện quốc tế, sân thể thao, tuyến phố thương mại,...

Một đại diện doanh nghiệp cho rằng, tên dự án trong nhiều trường hợp được đặt theo tên của một địa điểm, vùng đất nổi tiếng trên thế giới hoặc dùng từ những từ tiếng Anh phổ biến. “Thực ra việc đặt tên dự án bằng tiếng Việt sẽ rất khó cho chủ đầu tư vì không dễ để tìm được một từ hay cụm từ thuần Việt ngắn gọn, súc tích, mang đầy đủ ý nghĩa, mục đích mà dự án hướng đến”, vị này giải thích.

Theo nhiều chuyên gia trong lĩnh vực bất động sản, trào lưu “thay tên, đổi họ” các dự án khá rầm rộ trong thời gian qua và được nhiều chủ đầu tư, đơn vị phát triển cũng như các sàn giao dịch “biện minh” là dễ bán, dễ làm truyền thông. Thường sẽ có ba lý do để thay tên: Một là tên dự án được phê duyệt quá dài nên thường được đặt lại tên theo hướng ngắn hơn, “Tây” hơn để mở bán. Thứ hai là nhiều dự án gắn với nhiều tai tiếng liên quan đến chậm tiến độ, nợ tiền sử dụng đất, hoặc bị khách hàng khiếu kiện trong quá khứ... nên đặt tên mới để dễ bán hơn. Và cuối cùng là nhiều doanh nghiệp đi đấu giá hoặc mua lại các lô đất được nhà nước bán ra rồi đặt tên mới để “lòe” khách hàng.

Nói về vấn đề này, ông Nguyễn Đức Lập - Viện trưởng Viện nghiên cứu và Đào tạo bất động sản cho rằng trong cùng 1 dự án nhưng chủ đầu tư cũng chia thành nhiều phân khu và đặt theo nhiều tên khác nhau. Ông Lập cũng cho rằng có khả năng dự án đổi chủ nên nhiều dự án sẽ được đổi tên.

“Một nguyên nhân nữa cũng có thể là dự án đã “chai” rồi, tức là đã mở bán nhưng không có hiệu quả. Vì vậy, nhiều chủ đầu tư đổi tên để tiếp tục các đợt mở bán tiếp theo. Hiện nay, có nhiều dự án có sự khác biệt giữa tên cơ quan nhà nước chấp thuận và tên thương mại gây nhiễu loạn thông tin”, ông Lập cho biết.

(Còn nữa)

(0) Bình luận
Nổi bật
Mới nhất
Lật tẩy chiêu trò bán bất động sản (Kỳ 2): “ma trận” tên dự án
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO