Việc để xuất hiện ca nhiễm COVID-19 trong cộng đồng những ngày qua trách nhiệm lớn nhất thuộc về nam tiếp viên hàng không. Tuy nhiên, không chỉ mỗi cá nhân ấy phải chịu trách nhiệm.
Trưa ngày 03/12, Sở Thông tin và Truyền thông phối hợp với Công an TP.HCM đã họp báo khẩn công bố khởi tố vụ án “Làm lây lan dịch bệnh truyền nhiễm nguy hiểm cho người”.
Việc khởi tố này được đưa ra sau khi bệnh nhân 1342 - nam tiếp viên hàng không của Vietnam Airlines vi phạm các quy định phòng dịch khi thực hiện cách ly tập trung. Đồng thời, người này cũng không tuân thủ quy định phòng dịch khi cách ly tại nhà khiến mình mắc COVID-19 và làm lây lan thêm cho người khác.
Trước đó vào ngày 02/12, Tổng công ty Hàng không Việt Nam - Vietnam Airlines cũng đã có quyết định tạm đình chỉ công việc để xem xét kỷ luật với hình thức sa thải với nam tiếp viên này.
Rõ ràng đây là hình thức kỷ luật thích đáng dành cho người này bởi hành hành động thiếu trách nhiệm gây ra hậu quả nghiêm trọng. Tuy nhiên, chỉ một mình nam tiếp viên này bị xử lý liệu có đúng? Bởi lẽ VietNam Airlines cũng có những vi phạm trong công tác quản lý người thực hiện cách ly bên trong khu cách ly của mình.
Cụ thể, khu cách ly tập trung của Vietnam Airlines được cấp phép là khu cách ly tập trung cho riêng các tổ bay của hãng bay này. Khu cách ly này do chính hãng bay đứng ra tổ chức quản lý, còn ngành y tế địa phương chỉ thực hiện công tác giám sát về hồ sơ, quy trình thực hiện.
Từ đó, mỗi chuyến bay của Vietnam Airlines sẽ được cách ly theo một khu vực riêng. Thế nhưng, BN 1342 đã tự ý và dễ dàng di chuyển từ khu vực cách ly này sang khu vực khác. Sau đó, người này đã đến gặp BN 1325 và bị lây nhiễm.
Cả một thành phố đang lao đao vì những ca lây nhiễm mới. Hàng trăm nghìn học sinh, sinh viên phải nghỉ học để phòng, chống dịch. Hàng loạt điểm đến bị phong tỏa cùng với nhiều hoạt động kinh tế - xã hội bị đình trệ. Đó là những thiệt hại ban đầu do những ca nhiễm COVID-19 mới trong cộng đồng mang lại.
Không thể nào có một chế độ cách ly mà người bị cách ly tại các khu riêng biệt lại dễ dàng “giao lưu” với nhau dễ đến vậy. Đó là hoạt động quản lý của tổ chức có vấn đề.
Hơn nữa, lại thêm một chế độ rằng những cá nhân bị cách ly chỉ cần cách ly tập trung 4-5 ngày, rồi sau đó về nhà “tự lo”. Đây mới chính là lỗ hổng lớn nhất mà Vietnam Airlines và các cơ quan liên quan như Sở Y tế, Trung tâm Kiểm soát bệnh tật (CDC) TP.HCM và chính quyền địa phương cần xem xét lại.
Không thể vịn vào lý do để bao biện rằng là nếu như cách ly đủ 14 ngày thì sẽ hết phi công để phục vụ công việc. Đây là một lý do khó có thể chấp nhận được khi đất nước đang trong giai đoạn đề cao cảnh giác với dịch COVID-19.
Cá nhân vô trách nhiệm cũng bởi do tổ chức chủ quan, các cơ quan quản lý chưa làm tròn trách nhiệm giám sát, theo dõi sức khỏe của người được cách ly. Việc tiếp tục thực hiện chính sách cho tiếp viên về nhà tự cách ly như vậy có ai dám đảm bảo về độ an toàn hay không? Nếu trường hợp xấu xảy ra, có thể sẽ tiếp diễn nhiều trường hợp như BN 1342, đó là mối lo của cả cộng động.
Rất mong rằng, cá nhân, tổ chức, các cơ quan liên quan hãy mạnh dạn nhận trách nhiệm và lấy đây làm bài học kinh nghiệm sâu sắc để giải quyết những sự việc khác trong tương lai. Bởi để xảy ra cơ sự hư hiện tại, ngoài trách nhiệm cá nhân của BN 1342 thì cả Vietnam Airline và các cơ quan liên quan đều phải liên đới chịu trách nhiệm. Nhân viên vô trách nhiệm đã có pháp luật xử lý và dư luận tin tưởng lãnh đạo các cơ quan liên quan cũng vậy chứ không thể có sự ngoại lệ.
Có thể bạn quan tâm
05:00, 04/12/2020
11:30, 03/12/2020
06:00, 03/12/2020
20:32, 02/12/2020
19:15, 02/12/2020
06:30, 02/12/2020
04:00, 02/12/2020