THS. NGUYỄN THÚY NINH (Khoa Quản lý Công nghiệp và Năng lượng, Trường Đại học Điện lực) - THS. CHU VĂN TUẤN (Phó Giám đốc Trung tâm Hỗ trợ việc làm và khởi nghiệp Trường Đại học Điện lực).
1. Giới thiệu
Thông thường, khi khởi nghiệp, doanh nghiệp đặc biệt là các doanh nghiệp có quy mô nhỏ thường tin rằng chỉ cần một ý tưởng tốt, một sản phẩm tốt và tầm nhìn tốt sẽ đưa doanh nghiệp phát triển, nhưng điều đó là chưa đủ. Làm sao để có thể làm tăng được lợi ích sản xuất của doanh nghiệp bằng con đường nhanh nhất, chi phí ít nhất, giảm thiểu được rủi ro, tránh được thất bại? Khác với cách làm truyền thống là mang đến cho khách hàng, đưa ra thị trường những gì doanh nghiệp có (thay vì thị trường cần), “Khởi nghiệp tinh gọn - LEAN STARTUP” với công cụ “tinh gọn chuỗi giá trị” sẽ giúp cho các doanh nghiệp non trẻ, mới tham gia khởi nghiệp có phương pháp và hướng đi mới giảm thiểu rủi ro và lãng phí.
2. Tinh gọn và khởi nghiệp tinh gọn
Thuật ngữ tinh gọn bắt nguồn từ khái niệm sản xuất tinh gọn. Sản xuất tinh gọn là việc tối ưu hóa hiệu suất trong tất cả các hoạt động tạo ra giá trị gia tăng và tối thiểu hóa hoặc loại bỏ tất cả các hoạt động không tạo ra giá trị gia tăng.
Mục tiêu của tinh gọn là loại bỏ sự lãng phí trong quá trình sản xuất ra giá trị bao gồm: thời gian, tiền bạc, nhân lực và khả năng sáng tạo. Những lãng phí này được sinh ra từ những hoạt động tạo ra giá trị gia tăng thiếu hiệu quả và những hoạt động không cần thiết và không tạo ra giá trị gia tăng.
Vậy khởi nghiệp tinh gọn là như thế nào?
Nếu doanh nghiệp không biết đang tạo ra giá trị gì và cho ai, vậy làm cách nào để xác định được cái gì lãng phí và cái gì không? Mục tiêu của một doanh nghiệp khởi nghiệp theo hướng tinh gọn là cố gắng loại bỏ sự lãng phí trong quá trình tìm ra giá trị và đối tượng họ hướng tới tiếp nhận.
Doanh nghiệp phải xác định đâu là giá trị cốt lõi, đâu là giải pháp cần thiết để tạo ra giá trị, đâu là đối tượng cung cấp giá trị và cách thức để tiếp thị, bán hàng, phân phối sản phẩm như thế nào để giá trị ấy được nhận diện.
LEAN STARTUP đưa ra sản phẩm DEMO một cách nhanh nhất có thể:
Với khởi nghiệp tinh gọn, các doanh nghiệp mới có thể đưa ra sản phẩm ban đầu có 1 hoặc vài tính năng cơ bản nhất. Sản phẩm được tạo ra ở giai đoạn này được gọi là sản phẩm khả thi tối thiểu. Đây chính là giai đoạn bắt đầu quá trình học hỏi và mục tiêu của nó là để kiểm tra các giả thiết trong kinh doanh. Nếu thành công, doanh nghiệp có thể bắt đầu các bước tiếp theo của dự án bao gồm việc thử nghiệm các nhóm khách hàng mới, bổ sung nhân lực cho các thử nghiệm tiên tiến hơn, cao cấp hơn. Cứ như vậy, sản phẩm sẽ dần được cải tiến liên tục, được nâng cấp và có thêm khách hàng mới.
Vòng phản hồi: Xây dựng -Đo lường - Học hỏi
Mọi sự đầu tư về vật chất và thời gian của doanh nghiệp mà không đem lại giá trị cho khách hàng đều được coi là lãng phí. Mỗi khi khách hàng tương tác với sản phẩm họ sẽ tạo ra vòng phản hồi Xây dựng - Đo lường - Học hỏi. Vòng phản hồi này chính là cốt lõi của mô hình khởi nghiệp tinh gọn. Khác với cách làm đầu tư toàn bộ của cải, sức lực để đưa ra một sản phẩm với đầy đủ các tính năng trong một giai đoạn kéo dài. (Hình 1)
Xây dựng:Đây là bước ban đầu. Doanh nghiệp sẽ hoàn thiện một vài tính năng quan trọng (tính năng cốt lõi) và phát hành sản phẩm ra thị trường sớm nhất có thể.
Đo lường: Sau khi đưa sản phẩm đến với các đối tượng khách hàng tiềm năng để đánh giá tính hiệu quả trước khi đầu tư một lượng tiền lớn cho sự phát triển toàn diện của sản phẩm.
Học hỏi:Tiếp nhận các phản hồi từ khách hàng để thêm bớt, cải thiện, bổ sung các yếu tố cần thiết, tìm hiểu những gì doanh nghiệp nhận được ở thị trường mục tiêu
Với mô hình LEAN STARTUP sẽ giúp:
- Tạo ra sản phẩm phù hợp với thị trường một cách nhanh nhất: Với Lean Startup các sản phẩm liên tục được hoàn thiện thông qua vòng phản hồi sau các đánh giá, trải nghiệm của khách hàng. Đồng thời kiểm tra dự án có hấp dẫn khách hàng tiềm năng hay không. Từ đó tìm ra xu hướng phù hợp để phát triển sản phẩm đầy đủ.
- Giảm thiểu rủi ro từ việc đầu tư quá lớn: cách làm này giúp giảm thiểu chi phí, rủi ro. Nếu doanh nghiệp thất bại thì cũng không tốn quá nhiều thời gian và công sức với một sản phẩm có tính khả dụng tối thiểu và hoàn toàn có thể phát triển sản phẩm sau nhiều lần thử nghiệm như vậy.
- Tiết kiệm thời gian và tài chính trong việc phát triển sản phẩm cuối cùng: Làm việc và thử nghiệm với một vài tính năng cơ bản nhất trước không chỉ giúp doanh nghiệp khởi nghiệp giảm thiểu khối lượng công việc, mà còn giúp doanh nghiệp đặt toàn bộ nỗ lực của mình vào những thứ có giá trị và tạo ra lợi nhuận hơn trong thời gian ngắn hơn, tốn ít công sức hơn và ít tốn kém hơn.
- Không ngừng học hỏi: Sản phẩm được hoàn thiện qua vòng lặp nên nếu doanh nghiệp không ngừng học hỏi sẽ không thấy được sự tiến triển trong quá trình sản xuất.
3. Xác định chuỗi giá trị doanh nghiệp
Đối với doanh nghiệp khởi nghiệp tinh gọn, có rất nhiều công cụ hỗ trợ doanh nghiệp khởi nghiệp thành công trong hoạt động nâng cao chất lượng của mình. Một trong những công cụ quan trọng là “Sơ đồ chuỗi giá trị” (Value Stream Mapping - VSM) nhằm nhận diện các vấn đề cần cải tiến, cần tinh gọn, cần loại bỏ lãng phí giúp chúng ta thấy được dòng chảy thông tin, dòng chảy của nguyên vật liệu trong quá trình sản xuất tạo ra sản phẩm.
Mục đích của công cụ là xác định các hoạt động làm tăng giá trị và các hoạt động không làm giá trị trong quá trình, từ đó xác định và giảm hoặc loại bỏ các lãng phí trong dòng chảy giá trị của doanh nghiệp. Trong một dây chuyền sản xuất tinh gọn, chuỗi giá trị bao gồm tất cả các hoạt động cần thiết để mang lại giá trị cho khách hàng bao gồm từ việc phát triển ý tưởng sản phẩm đến công đoạn thiết kế, lắp ráp, sản xuất và giao hàng.
Đối với doanh nghiệp khởi nghiệp, việc tìm ra chuỗi giá trị, định vị phân khúc thị trường mà chuỗi giá trị này hướng tới, xác định xem nhu cầu của phân khúc thị trường này có đủ lớn để duy trì doanh nghiệp hay không là vô cùng quan trọng.
Điều quan trọng là tinh gọn không phải chỉ là việc cải tiến các quy trình phát triển sản phẩm (ví dụ như sản xuất). Đối với tất cả các doanh nghiệp, sự kết hợp giữa tiếp thị, bán hàng, dịch vụ, hỗ trợ, quan hệ đối tác chiến lược, hay những công việc khác có mối quan hệ trực tiếp với khách hàng, đều có tầm ảnh hưởng đến trải nghiệm của khách hàng dựa trên quan điểm “Khách hàng là trung tâm, vì vậy chúng ta phải tập trung vào việc tạo ra giá trị và tối đa hóa trải nghiệm của khách hàng”.
Đầu tiên, khách hàng sẽ bắt đầu nhận thức về sản phẩm, trải qua một quá trình tìm hiểu và nghe tư vấn, khách hàng sẽ quyết định mua hàng hay không, rồi tiến hành mua, nhận sản phẩm và sau đó là trải nghiệm sản phẩm.
Theo cách tiếp cận truyền thống, mô hình chuỗi giá trị: Từ lập kế hoạch kinh doanh => kêu gọi đầu tư => phát triển sản phẩm => tiếp thị bán hàng => đánh giá hiệu quả hoạt động. Đối với doanh nghiệp khởi nghiệp, chi phí phát triển sản phẩm có thể thấp đến mức phần lớn các doanh nghiệp khởi nghiệp chỉ cần đầu tư ít để khởi nghiệp, mô hình chuỗi giá trị có thể được rút gọn: Phát triển sản phẩm => tiếp thị => bán hàng => đánh giá hiệu quả hoạt động => thu hút đầu tư tăng trưởng.
Khi có sản phẩm mới, doanh nghiệp khởi nghiệp phát triển theo hướng độc quyền từ đó gia tăng cạnh tranh trên thị trường. Kết quả cuối cùng là khách hàng được hưởng lợi. Tính độc quyền được tạo lập thông qua việc liên tục gia tăng giá trị sản phẩm, mang lại những sản phẩm chất lượng tốt hơn, nhiều tính năng hơn.
Từ hướng tiếp cận này, doanh nghiệp khởi nghiệp có thể đưa ra chiến lược để khách hàng có sự trải nghiệm hoàn hảo từ sản phẩm đến dịch vụ sau mua:
- Marketing nhỏ giọt: Thiết kế một chuỗi tài liệu, thông tin tiếp thị liên tục được gửi tới khahcs hàng trong một khoảng thời gian qua email, quảng cáo trên Facebook, biển quảng cáo, áp phích, quảng cáo ngoài trời kèm trải nghiệm sản phẩm. Đây là một quá trình lâu dài, bền bỉ nhằm đưa hình ảnh của sản phẩm vào suy nghĩ của khách hàng tiềm năng.
- Xây dựng mạng lưới người tiêu dùng là trung tâm. Sản phẩm trực tiếp đưa đến tay người tiêu dùng thông qua một mạng lưới các nhà phân phối của công ty chính là những người tiêu dùng tích cực và thường xuyên của công ty kết nối lại với nhau. Người này chia sẻ với người kia về sản phẩm dần hình thành nên một mạng lưới và đó chính là mạng lưới người tiêu dùng. Ở đây, doanh nghiệp sẽ cắt bỏ hoàn toàn các khâu trung gian như quảng cáo, tiếp thị và khuyến mại, từ đó tiết kiệm và giảm thiểu chi phí lưu kho. Đồng thời, người tiêu dùng tham gia mạng lưới được hưởng các khoản hoa hồng từ phía công ty nhờ tiết kiệm các khoản chi phí.
Với Khởi nghiệp tinh gọn (LEAN STARTUP), chia nhỏ và làm từng cái nhỏ để đỡ tốn thời gian rồi đem ra kiểm chứng trên thị trường để rút ra các bài học là một trong những điểm mạnh của Lean Startup. Bằng công cụ tinh gọn chuỗi giá trị, doanh nghiệp khởi nghiệp xác định các hoạt động tạo giá trị trong chuỗi kinh doanh của mình. Từ đó tìm cách khai thác, giảm thiểu lãng phí, tập trung theo hướng khai thác sự đối đa hóa sự trải nghiệm của khách hàng.
Nếu doanh nghiệp thiếu nguồn lực, muốn phát triển nhanh chóng trên thị trường thì Khởi nghiệp tinh gọn chính là phương pháp doanh nghiệp nên tham khảo và học hỏi.
TÓM TẮT:
“Làm thế nào tạo ra nhiều giá trị đích thực cho khách hàng?”. Cần phải có một mô hình kinh doanh, liên tục tinh gọn chuỗi giá trị để đáp ứng nhu cầu ngày càng cao của khách hàng. Nút thắt quan trọng trong chuỗi giá trị đó là: (1) Coi trọng phản hồi của khách hàng, các dịch vụ tinh chỉnh để tối đa hóa sự hài lòng của khách hàng mà không cần đầu tư làm mới quá nhiều. (2) Ngăn ngừa và loại bỏ lãng phí, giảm thiểu rủi ro. (3) Tổ chức không ngừng học hỏi thay đổi nhanh chóng. Mô hình kinh doanh tinh gọn, nhanh chóng, đột phá và sáng tạo. Đó là mô hình Lean Startup với công cụ tinh gọn chuỗi giá trị. Bài viết này phân tích mô hình Lean Startup và công cụ tinh gọn chuỗi giá trị, từ đó định hướng cho doanh nghiệp mới thành lập có phương pháp và hướng đi nhằm giảm thiểu rủi ro và lãng phí.