Ngân hàng TMCP Bưu Điện Liên Việt - Chi nhánh Hồ Chí Minh (LienVietPostBank) vừa có thông báo về việc bán khoản nợ hơn 450 tỷ đồng có tài sản bảo đảm là quyền thu phí tại một dự án BOT.
Cụ thể, khoản nợ tính đến này 2/4/2019 có tổng dư nợ hơn 457,6 tỷ đồng. Trong đó, 435,6 tỷ đồng là dư nợ gốc, lãi quá hạn là gần 22 tỷ đồng.
Tài sản đảm bảo của khoản nợ là toàn bộ quyền thu phí phát sinh tại dự án đầu tư nối từ đường Võ Văn Kiệt đến cao tốc Tp.HCM - Trung Lương (giai đoạn 1) theo hình thức BOT.
Được biết, tài sản đảm bảo hiện đang trong quá trình thi công và ngân hàng đang khởi kiện khách hàng tại TAND Quận 1 để yêu cầu thanh toán khoản nợ.
"Giá bán đối với toàn bộ khoản nợ nêu trên (bao gồm cả các biện pháp bảo đảm cho khoản vay) theo thỏa thuận giữa LienVietPostBank và Tổ chức mua nợ, tuy nhiên giá bán không thấp hơn nợ gốc và lãi của khoản nợ tại thời điểm bán nợ", thông báo của LienVietPostBank nêu.
Ngân hàng cũng yêu cầu tổ chức được lựa chọn là tổ chức/bên mua nợ phải nộp đủ 100% số tiền mua/bán nợ chậm nhất sau đúng 5 ngày làm việc kể từ ngày kết thúc việc đàm phán và ký hợp đồng bán nợ (dự kiến sau 5 ngày làm việc kể từ ngày 18/4/2019).
Được biết, dự án đầu tư xây dựng đoạn tuyến nối từ đường Võ Văn Kiệt đến cao tốc Tp.HCM – trung Lượng (giai đoạn 1) được đầu tư theo hình thức BOT, do Công ty TNHH MTV đầu tư BOT TP HCM – Trung Lương thực hiện với tổng đầu tư trên 1.557 tỷ đồng.
Dự án được động thổ từ tháng 10/2015, do chủ đầu tư là Công ty CP Tập đoàn Yên Khánh. Theo đó, đoạn tuyến nối đường Võ Văn Kiệt với cao tốc TP HCM – Trung Lương có chiều dài 2,7 km. Đường được thiết kế theo tiêu chuẩn đường đô thị.
Có thể bạn quan tâm
16:07, 11/11/2015
09:27, 30/10/2015
09:40, 26/10/2015
Theo thiết kế, dự án sẽ xây dựng 2 đường khu vực rộng từ 14,5 m, với 2 làn xe mỗi bên, xây dựng hai nút giao khác mức hai đầu tuyến và 2 cầu đường bộ trên tuyến.
Ngày 25/10/2015, dự án này đã chính thức động thổ với thời gian dự kiến hoàn thành và đưa vào sử dụng là sau 20 tháng thi công.
Điều đáng nói là sau 36 tháng, hiện dự án vẫn đang dang dở. Phải nói thêm, chủ đầu tư dự án Công ty CP Tập đoàn Yên Khánh không chỉ là nhà đầu tư của dự án BOT cao tốc TP. HCM – Trung Lương, mà còn được biết đến với nhiều dự án BOT đình đám khác như cao tốc Việt Trì, Trung Lương – Mỹ Thuận… Tuy nhiên, Công ty TNHH Sản xuất Thương mại và Dịch vụ Yên Khánh (nay đổi thành Tập đoàn Yên Khánh) không còn rót tiền để đơn vị thi công các hạng mục tiếp theo.
Tìm hiểu lý do, được biết, từ năm 2013, Công ty Yên Khánh ký kết hợp đồng với Tổng Công ty Đầu tư phát triển và quản lý dự án hạ tầng giao thông Cửu Long (Tổng Công ty Cửu Long - đơn vị được Bộ GTVT ủy quyền) về việc mua quyền thu phí đoạn cao tốc TP.HCM - Trung Lương (giai đoạn 1) với giá trị của hợp đồng là 2.004 tỉ đồng. Thời hạn thu phí năm năm (đến 1/1/2019 thì kết thúc).
Theo hợp đồng, trong vòng 10 tháng Công ty Yên Khánh phải nộp vào ngân sách nhà nước đủ số tiền mua quyền thu phí 2.004 tỉ đồng theo ba đợt và kết thúc nộp đợt cuối cùng vào tháng 10/2014. Nhưng thực tế, Công ty Yên Khánh thanh toán các đợt đều chậm, phải qua 15 đợt mới kết thúc đợt thanh toán cuối vào ngày 31/3/2017. Do chậm thanh toán theo hợp đồng nên Công ty Yên Khánh bị phạt 264 tỉ đồng.
Trong báo cáo mới đây của Bộ GTVT, bộ này cho biết số tiền phạt chậm thanh toán trên là khá lớn, khả năng rủi ro không thu hồi đủ số tiền phạt trên là rất lớn và có nguy cơ dẫn đến thất thoát.
Ông Trần Văn Thi, Tổng Giám đốc Tổng Công ty Cửu Long, khẳng định số tiền 264 tỉ đồng phải được thu hồi về cho ngân sách và quyền thu phí cao tốc TP.HCM - Trung Lương của Công ty Yên Khánh sẽ chấm dứt từ 1/1/2019. Điều này đồng nghĩa nguồn “sữa” từ cao tốc để làm 2,7 km đường Võ Văn Kiệt nối dài bị… đứt.
Tổng kinh phí gần 2.000 tỉ đồngTháng 10/2015, Công ty Yên Khánh động thổ làm đoạn đại lộ Võ Văn Kiệt nối dài 2,7km, bắt đầu từ nút giao cầu vượt Võ Văn Kiệt - QL1 đến điểm giao cắt với đường dẫn vào đường cao tốc TP.HCM - Trung Lương tại khu vực Tân Tạo - Chợ Đệm (huyện Bình Chánh). Tuyến đường được đầu tư với tổng kinh phí 1.950 tỉ đồng (chưa bao gồm chi phí giải phóng mặt bằng). Mặt cắt ngang hoàn chỉnh của tuyến đường là 60 m, bao gồm 10 làn xe. Trong giai đoạn 1 sẽ làm hai đường song hành hai bên, mỗi bên rộng hơn 11 m cho một làn xe hỗn hợp và một làn ô tô. Cùng đó là hoàn thiện hai nhánh hoa thị của nút giao cầu vượt Võ Văn Kiệt - QL1 và xây dựng mới nút giao khác mức Tân Kiên ở cuối tuyến với ba nhánh rẽ lên xuống, rẽ phải, rẽ trái vào đường dẫn cao tốc. Tổng kinh phí cho dự án (giai đoạn 1) là 1.557 tỉ đồng với thời gian xây dựng là 20 tháng. Nhưng đến nay toàn bộ dự án gần như “đứng hình”. |