Linh hoạt, đổi mới chiến lược kinh doanh phù hợp với xu hướng tiêu dùng

MINH CHÂU 19/06/2024 15:32

Theo ông Võ Trí Thành, Viện trưởng Viện BCSI, trong bối cảnh kinh tế khó khăn, người tiêu dùng Việt Nam có những điều chỉnh đáng kể trong tiêu dùng, xoay sở với ngân sách thu hẹp hơn.

>>Văn hoá kinh doanh với xu hướng tiêu dùng mới

Tại “Diễn đàn Xu hướng tiêu dùng Việt Nam" diễn ra vào sáng 19/6, bà Đặng Thúy Hà, Giám đốc Nghiên cứu hành vi khách hàng, NielsenIQ Việt Nam đã đưa ra thông tin nghiên cứu cho rằng, người tiêu dùng đang cắt giảm chi tiêu từ ngắn hạn sang dài hạn. Cụ thể, quý III-2023, có 66% người tiêu dùng lựa chọn nấu ăn tại nhà, con số này của quý IV-2023 là 60% và quý I-2024 là 62%. Ngoài ra, 50% người tiêu dùng giảm bớt mua sắm món đồ sang trọng, 31% hoãn các chi phí lớn...

Toàn cảnh Diễn đàn sáng ngày 19/6.

Toàn cảnh Diễn đàn sáng ngày 19/6.

Người tiêu dùng Việt thắt chặt chi tiêu

Đáng chú ý, để ứng phó với chi phí hàng hóa gia tăng, người tiêu dùng tìm kiếm ưu đãi trực tuyến để cắt giảm chi tiêu mua sắm hàng tạp hóa, đồng thời ưu tiên cho việc chăm sóc sức khỏe thể chất và tinh thần.

“Doanh nghiệp cần linh hoạt, nhanh chóng thích nghi, đổi mới và đánh giá lại chiến lược kinh doanh để phù hợp với những nhu cầu và xu hướng tiêu dùng hiện nay”, bà Thúy Hà gợi mở.

Theo ông Võ Trí Thành, Viện trưởng Viện Nghiên cứu Chiến lược thương hiệu và cạnh tranh (BCSI), trong bối cảnh kinh tế khó khăn, người tiêu dùng Việt Nam có những điều chỉnh đáng kể trong tiêu dùng, xoay sở với ngân sách thu hẹp hơn.

Người tiêu dùng giảm tần suất mua sắm, nhưng lại mua tại nhiều kênh hơn với mức chi tiêu trung bình cho mỗi lần mua sắm cũng tăng lên. Điều này khiến việc thu hút và xây dựng lòng trung thành của khách hàng cũng như việc nắm bắt nhu cầu, thói quen mua sắm, dự đoán và bắt kịp xu hướng tiêu dùng của khách hàng trở nên khó khăn hơn.

 ông Võ Trí Thành, Viện trưởng Viện Nghiên cứu Chiến lược thương hiệu và cạnh tranh (BCSI).

Ông Võ Trí Thành, Viện trưởng Viện Nghiên cứu Chiến lược thương hiệu và cạnh tranh (BCSI).

Những thay đổi này mang tới nhiều thách thức và biến động, buộc doanh nghiệp cũng phải thay đổi chiến lược để tiếp cận người tiêu dùng hiệu quả hơn, cung cấp các giải pháp phù hợp và tạo sự hài lòng cho người tiêu dùng.

Còn bà Nguyễn Phương Nga - Giám đốc Khối kinh doanh Kantar Việt Nam cho rằng, không chỉ trong việc giữ chân người tiêu dùng, mà việc tiếp cận, thu hút họ cũng ngày càng trở nên khó khăn đối với tất cả các thương hiệu. 

Bà Nga chỉ ra, sau đại dịch Covid-19, người dân đã hình thành thói quen mua sắm mới. Cụ thể, người tiêu dùng đang giảm tần suất mua sắm nhưng lại mua tại nhiều kênh hơn, với mức chi tiêu trung bình cho mỗi lần mua sắm cũng tăng lên. Ước tính, tần suất mua sắm của họ đã giảm 15% so với thời điểm trước Covid-19.

Điều này khiến việc thu hút và xây dựng lòng trung thành của khách hàng trở nên khó khăn hơn đối với doanh nghiệp do ít được gặp người tiêu dùng. 

Đồng thời, trong những năm gần đây, kênh bán lẻ đã có sự thay đổi từ các kênh truyền thống sang nền tảng thương mại và trực tuyến hiện đại, đặc biệt là ở thành thị. Các cửa hàng chuyên doanh hiện đại cũng ghi nhận tăng trưởng đáng kể.  Chuỗi cửa hàng mẹ và bé cũng như cửa hàng kinh doanh mặt hàng sức khỏe và sắc đẹp ngày càng mở rộng mạnh mẽ, dẫn dắt tăng trưởng của kênh bán lẻ nói chung. 

Với những nỗ lực trong truyền thông và mở cửa hàng, các nhà bán lẻ chủ chốt sẽ dễ dàng tiếp cận người mua hàng hơn. Tuy nhiên, việc giữ chân người mua hàng vẫn là thử thách vô cùng lớn. Báo cáo của Kantar chỉ ra, thị phần của top 5 nhà bán lẻ hiện đại bao gồm Co.op Mart, Central Retail, Winmart, Bách Hóa Xanh, Winmart + đang giảm dần đi qua các năm. 

Ông Lê Hùng Cường - Phó Tổng Giám đốc FPT Digital bổ sung thêm, doanh nghiệp bán lẻ đối mặt với nhiều thách thức trong tối ưu hoá chuỗi cung ứng, tối ưu hoá giá bán, xu hướng kinh doanh trực tuyến tạo ra áp lực cạnh tranh cho doanh nghiệp…

Sự phát triển của việc mua sắm hiện đại đang tạo ra nhiều sự lựa chọn khác khi mua sắm cho người tiêu dùng, do vậy việc bắt kịp tất cả các xu hướng, hành vi khách hàng và tiến bộ công nghệ là thách thức lớn đối với các thương hiệu.

Chuyển đổi số là chìa khóa tăng trưởng cho ngành bán lẻ

Tại diễn đàn, ông Tạ Mạnh Cường - Trưởng Phòng Xúc tiến thương mại (XTTM), Cục XTTM, Bộ Công thương cho rằng, sự thay đổi trong thị phần của các kênh mua sắm từ các kênh truyền thống sang nền tảng thương mại trực tuyến hiện đại, đặc biệt là ở thành thị đã và đang trở thành cơ hội, thách thức buộc doanh nghiệp phải thích nghi.

Muốn tồn tại vươn lên, ông Cường đề nghị doanh nghiệp cần quan tâm nắm bắt các quy định, chính sách, pháp luật trong nước, quốc tế về tiêu dùng; xác định xu hướng, hành vi tiêu dùng theo từng ngành hàng, từ đó có thiết kế, phát triển sản phẩm mới đáp ứng thị hiếu người tiêu dùng.

Còn theo đại diện FPT Digital Lê Hùng Cường, chuyển đổi số là chìa khóa tăng trưởng cho ngành bán lẻ. Doanh nghiệp cần tìm cách giữ chân khách hàng trung thành bằng việc thay đổi cách thức mua hàng, trải nghiệm tìm kiếm sự thuận lợi, hướng tới trải nghiệm mua sắm độc đáo, nâng cao tính bền vững chất lượng sản phẩm.

"Phát triển công nghệ mới và xu hướng chuyển đổi xanh, tạo cơ hội chuyển đổ toàn diện như siêu cá nhân hoá trên dữ liệu để giúp khách hàng biết nhu cầu của mình, đầu tư ứng dụng AI thúc đẩy mua sắm ảo”, ông Cường chia sẻ.

Có thể bạn quan tâm

  • Văn hoá kinh doanh với xu hướng tiêu dùng mới

    17:19, 03/06/2024

  • Tiếp tục giảm thuế VAT: Giải pháp kích cầu tiêu dùng

    15:20, 07/05/2024

  • Vá “lỗ hổng” pháp lý trên không gian mạng để bảo vệ người tiêu dùng

    11:00, 12/03/2024

  • Doanh nghiệp cần thích ứng ra sao khi tâm lý tiêu dùng thay đổi?

    03:00, 12/03/2024

  • Hành vi tiêu dùng của người Việt thay đổi thay đổi ra sao?

    17:38, 07/03/2024

(0) Bình luận
Nổi bật
Mới nhất
Linh hoạt, đổi mới chiến lược kinh doanh phù hợp với xu hướng tiêu dùng
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO