Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính ra Chỉ thị 20, yêu cầu thủ đô Hà Nội đảm bảo từ ngày 1/7/2026 không còn xe máy sử dụng nhiên liệu hóa thạch lưu thông trong khu vực Vành đai 1.
Lộ trình tiếp theo là hạn chế ô tô cá nhân chạy xăng dầu trong Vành đai 1 và 2 từ năm 2028, và mở rộng ra Vành đai 3 vào năm 2030.
Đây không phải là lần đầu ý tưởng này được đưa ra. Từ năm 2017, Hà Nội đã có Nghị quyết số 04 để tiến tới dừng hoạt động xe máy tại các quận nội thành vào năm 2030.
Nhưng giống như việc giải quyết vỉa hè, việc dừng hoạt động của xe máy trong khi chưa có phương tiện thay thế, người dân vẫn mưu sinh bằng xe máy, vẫn sống trong ngõ nhỏ, phố nhỏ với chợ cóc ven đường thì chưa thể thực hiện được.
Thời điểm hiện tại đã khác. Xe máy điện phát triển với tốc độ rất nhanh, cùng với hạ tầng giao thông có nhiều chuyển biến mới như xe điện trên cao, xe buýt điện, đường xá cũng được mở mới thì việc chuyển đổi phương tiện này sẽ khả thi. Giao thông là mạch máu của nền kinh tế, Hà Nội không thể cứ mãi loay hoay với vấn đề ô nhiễm không khí, tắc đường mà không có biện pháp quyết liệt để xử lý. Dù biết việc dừng hoạt động xe máy chạy xăng sẽ ảnh hưởng đến cuộc sống mưu sinh của không ít người dân.
Xe điện có không ít nhược điểm: quên sạc xe là không đi ngay được như xe xăng; sức tải của xe cũng không khỏe bằng xe xăng; nếu sử dụng để chở nặng, vận chuyển hàng hóa thì xe điện nhanh chai pin, hỏng pin cần thay thế; cắm sạc điện luôn có tâm lý lo âu về cháy nổ; nếu mất điện, không sạc được pin thì khổ đủ mọi đường.
Nếu khắc phục được những nhược điểm trên bằng cách tăng cường trạm sạc, trạm đổi pin như trạm bơm xăng; cải tiến xe điện đa dạng về chủng loại, có loại chuyên để chở hàng hóa; hỗ trợ về chính sách, giảm giá xe điện, tăng sản lượng sản xuất điện, đảm bảo lượng điện cho các trạm sạc... thì vấn đề sẽ khả thi.
Bên cạnh đó, Hà Nội ngày càng mở rộng các đô thị vệ tinh, khu đô thị văn minh hiện đại cần kết nối với trung tâm bằng tàu điện cao tốc, đường sắt trên cao, hầm ngầm đi bộ, tăng cường xe buýt, giảm tối đa phương tiện cá nhân tham gia giao thông vào giờ cao điểm thì vấn đề sẽ đơn giản đi nhiều.
Với hạ tầng đô thị hiện tại, chưa thể loại bỏ xe máy ngay được khi nhà dân ở trong ngõ, ngách rất nhiều. Nhưng thay xe máy xăng bằng xe máy điện thì sẽ làm được nếu có lộ trình hợp lý, giảm thiểu tác động đến đời sống mưu sinh của người dân.
Các nước bạn cũng từng gặp khó khăn về ô nhiễm không khí, nhưng quyết tâm thực hiện từ lãnh đạo, hưởng ứng từ người dân thì sẽ thành công. Vì mục đích hướng tới là tốt đẹp, khi xây dựng Hà Nội ngày càng văn minh, lịch sự, hiện đại, thân thiện với môi trường; người dân sẽ bớt phải chịu cảnh tắc đường, khói bụi vây quanh, nóng bức ngột ngạt, hao tổn sức khỏe và tinh thần.
Xe điện sử dụng đại trà còn tiết kiệm hơn xe xăng: xe dừng là không tốn điện, không nổ đều như xe xăng, không tỏa nhiệt, không phát khí thải, dầu động cơ thải… Gần 7 triệu xe máy được thay thế sẽ giúp bầu không khí thủ đô trong xanh hơn. Năm 2024, Hà Nội thống kê 5 nguồn gây ô nhiễm không khí: phương tiện giao thông đường bộ, công nghiệp, dân sinh, đốt sinh khối và nông nghiệp. Từng bước loại bỏ dần dần sẽ trả lại môi trường đáng sống cho cư dân và khách đến thủ đô.
Việc cần làm ngay bây giờ là xây dựng ngay trạm sạc, trạm thay pin, tăng thêm số tuyến xe buýt, xây dựng cấp tốc các tuyến Metro, vì giao thông công cộng tại Hà Nội mới chỉ giải quyết được 20% nhu cầu đi lại. Còn xa hơn là giãn dân, chuyển bệnh viện, trường đại học lớn ra khỏi vùng lõi của nội đô, quy hoạch lại đô thị thủ đô.
Phương châm của Thủ tướng là “chỉ bàn làm, không bàn lùi”. Khó khăn, bất cập là có, nhưng “việc khó có người tài”. Lộ trình hợp lý, vừa ý người dân thì tương lai không xa, Hà Nội sẽ không còn xe máy chạy xăng xả khói bụi và gây tắc khắp đường.