Chuyển đổi số đã được phổ biến trong ngành ngân hàng, nhưng với lĩnh vực bán lẻ và tín dụng tiêu dùng cá nhân, vẫn còn những khoảng trống và bất cập chưa thu hút được khách hàng.
>>Thống lĩnh công nghệ AI, cần đáp ứng 3 yếu tố
Để được hiểu rõ hơn về những thuận lợi của chuyển đổi số, cũng như những khoảng trống còn tồn tại với lĩnh vực bán lẻ ngành ngân hàng, DĐDN có buổi trao đổi với ông Nguyễn Chiến Thắng - Giám đốc Trung tâm Phát triển ngân hàng số BIDV (Digital Bank BIDV) xung quanh vấn đề này.
- Thưa ông, được biết số hóa đang được triển khai rộng rãi trong ngành tài chính, nhưng với lĩnh vực bán lẻ, chuyển đổi số vẫn còn nhiều bất cập?
Không chỉ có ngành tài chính ngân hàng mà hiện nay với tiêu dùng cá nhân chỉ với chiếc điện thoại thông minh, người dùng tại Việt nam có thể thực hiện được hầu hết các loại hình thanh toán từ đơn gian đến phức tạp. Việc đi lại sử dụng thanh toán qua ứng dụng taxi công nghệ, thanh toán QR đã trở nên rất phổ biến từ những thành phố lớn đến những vùng xâu vùng xa, đặt vé máy bay, khách sạn hay du lịch trở nên dễ dàng hơn bao giờ hết. Đến các loại hình thanh toán phức tạp như dịch vụ công, dịch vụ tài chính, bảo hiểm… giờ đây chỉ thông qua các ứng dụng ngân hàng trên điện thoại ở bất cứ lúc nào hoặc ở đâu theo thời gian thực.
Nếu như 5 năm trước đây, chỉ cần chiếc thẻ ngân hàng có thể đi bất kỳ đâu, thì ngày nay chỉ cần chiếc điện thoại thông minh có ứng dụng ngân hàng, người tiêu dùng có thể đi bất kỳ nơi đâu mà không phải lo lắng về khả năng thanh toán chi trả của mình.
Tại BIDV, chỉ riêng giao dịch qua các kênh mobile của BIDV năm 2022 đã bằng cả 3 năm trước đó cộng lại. Chỉ cần sau vài phút, thông qua ứng dụng eKYC, khách hàng có thể mở thành công tài khoản, thẻ và thực hiện đầy đủ các dịch vụ và sản phẩm của ngân hàng.
Tuy nhiên, với mảng bán lẻ ngân hàng vẫn còn một số bất cập, chuyển đổi số nửa vời hoặc chuyển đổi số từ ngọn đều dẫn đến những hệ lụy nghiêm trọng. Điển hình một số ngân hàng muốn “ăn xổi”, dùng “khổ nhục kế” để có ngay những trải nghiệm khách hàng ở mức ngắn hạn, sẽ bộc lộ những khoảng trống, thậm chí hụt hơi trong việc giữ chân và tạo sự gắn bó của khách hàng.
Phần thưởng chỉ dành cho người trụ lại sau cùng một lần nữa chính xác trong cuộc đua chuyển đổi số và số hóa hoạt động bán lẻ của các ngân hàng. Một số ngân hàng thành công bởi lựa chọn con đường vất vả hơn với chiến lược đồng bộ và tổng thể, thay đổi cả về chất lẫn lượng trong kế hoạch thực thi chuyển đổi số. Văn hóa quản trị và khai thác tối đa nhân tài của nội bộ lẫn toàn xã hội là những bước đi dài hạn để thực hiện thành công chiến lược chuyển đổi số.
>>Còn nhiều dư địa phát triển ngân hàng số
- Một số ý kiến của người tiêu dùng cho rằng, số hóa trong mảng chi tiêu tín dụng tại các ngân hàng còn bất cập do sự cập nhật lên hệ thống chưa được linh hoạt, còn phụ thuộc vào thời gian các chủ thể trên máy Pos đến ngân hàng quyết toán, vậy ông đánh giá như thế nào về vấn đề này?
Đây hoàn toàn không phải do vướng mắc về công nghệ, vấn đề nằm ở chỗ mô hình kinh doanh cho vay tiêu dùng qua hình thức thẻ tín dụng hoặc các khoản vay nhỏ lẻ phụ thuộc rất nhiều vào khẩu vị rủi ro của các ngân hàng và tổ chức tài chính.
Một số ngân hàng đã biết khai thác triệt để năng lực của công nghệ ví dụ như đánh giá chất lượng và khả năng trả nợ của khách hàng dựa trên dữ liệu lớn, quy trình cho vay được thực hiện hoàn toàn tự động, các sản phẩm vay được thiết kế đơn giản và sử dụng các kênh số hoàn toàn, đã tạo ra một thị phần đáng kể với tốc độ tăng trưởng cao.
Một số sản phẩm cho vay trả dần dựa trên dịch vụ của thẻ tín dụng được cung ứng bởi một số ngân hàng tại Việt nam đã bắt kịp được nhu cầu tiêu dùng của một bộ phận khách hàng. Tuy nhiên giao dịch qua thẻ tín dụng với các điểm chạm vật lý như máy POS (thiết bị đề cà thẻ) sẽ có một số rào cản về mặt công nghệ như thời gian xử lý chậm, các quy trình phê duyệt và hạch toán giao dịch chưa đáp ứng được nhu cầu “tức thời” theo thời gian thực như các giao dịch trên các kênh số. Vì vậy loại hình tín dụng này chưa được khách hàng chào đón và sử dụng nhiều, và các ngân hàng cũng chưa thấy hấp dẫn vì lợi nhuận chưa đảm bảo bù đắp cho chi phí và các rủi ro dự phòng.
Đối với các ngân hàng thương mại: Sự quyết tâm và bền bỉ trong việc thực thi các kế hoạch chuyển đổi số, chuyển đổi số là một quá trình chứ không phải là điểm đến. Số hóa các kênh giao tiếp với khách hàng, cung ứng các sản phẩm và dịch vụ tài chính với trải nghiệm của người dùng trong không gian mạng, mở rộng hệ sinh thái số gắn kết và giúp khách hàng thoải mái và thuận tiện cho mọi nhu cầu tài chính với các tiêu chí “tức thời, mọi lúc mọi nơi và an toàn”. Bên cạnh đó, phát triển mạnh nguồn lực số và văn hóa số trong chính quản trị nội bộ ngân hàng là những yếu tố tiên quyết để thực hiện được chuyển đổi số thành công.
- Trước những bất cập trên, ông có những nhận xét nào về vấn đề xây dựng hành lang pháp lý cho công cuộc chuyển đổi số?
Một điều chắc chắn rằng, luật pháp luôn đi sau một nhịp so với thực tế cuộc sống. Hành lang pháp lý không phải là rào cản để thực thi chuyển đổi số tại ngân hàng, vấn đề ở đây là sự quyết tâm thực hiện lấy lợi ích khách hàng làm trọng tâm của các ngân hàng và sự cầu thị và luôn song hành của các nhà làm luật.
Trong thời gian vừa qua, với sự chỉ đạo sát sao của chính phủ, các nền tảng quan trọng hỗ trợ các ngân hàng thương mại thực thi được kế hoạch chuyển đổi số của mình khá đồng bộ và nhịp nhàng. Căn cước công dân điện tử, định danh điện tử là nền tảng rất tốt để các ngân hàng đẩy mạnh việc cung ứng các dịch vụ online thông qua xác thực khách hàng điện tử (eKYC). Nếu kết hợp với chữ ký điện tử và xếp hạng chất lượng công dân được thực hiện đồng bộ, các sản phẩm dịch vụ tài chính phức tạp đòi hỏi tính pháp lý cao sẽ có cơ hội phát triển bùng nổ.
- Xin cảm ơn ông!
Có thể bạn quan tâm
Chữ ký số cá nhân: Tháo gỡ nút thắt cuối cùng để số hóa ngân hàng, chứng khoán và bảo hiểm
17:00, 16/11/2021
Đà Nẵng định hướng phát triển tài chính số
01:12, 15/05/2022
Ngân hàng “thúc” khách dùng ứng dụng?
05:07, 05/04/2023
Sửa Luật Các tổ chức tín dụng: “Ngăn” sở hữu chéo, “chặn” thao túng ngân hàng
03:50, 02/04/2023
VIBOOK GROUP – tiên phong tuyển dụng ứng viên đào tạo thúc đẩy chuyển đổi số
08:00, 06/04/2023
Hỗ trợ doanh nghiệp sản xuất chuyển đổi số
15:28, 04/04/2023