"Lộ diện" yếu tố sẽ quyết định trật tự thế giới mới

TRƯỜNG ĐẶNG 03/03/2023 04:00

Không phải sự giàu có về tài nguyên thiên nhiên, sức mạnh của một quốc gia giờ đây sẽ phụ thuộc vào khả năng đổi mới công nghệ liên tục.

AI sẽ là nhân tố quyết định trật tự thế giới mới?

Cạnh tranh công nghệ Mỹ- Trung đang rất gay gắt

>>Tỷ phú Bao Fan mất tích, ngành công nghệ Trung Quốc rúng động

AI sẽ là công nghệ cốt lõi

Ông Eric Schmidt, cựu CEO Google, cựu Chủ tịch Ủy ban An ninh Quốc gia Mỹ về Trí tuệ Nhân tạo (AI) nhận định trong thế kỷ 21, khả năng sắp đặt cuộc chơi trên bàn cờ thế giới sẽ được quyết định ở đổi mới công nghệ, với AI đóng vai trò là lực đẩy chính. Điều khiến AI khác với các tiến bộ công nghệ trước là nó có khả năng dẫn đến nhiều đổi mới hơn nữa trên mọi lĩnh vực. Hay nói cách khác, AI tiến bộ hơn có thể tạo ra máy tính mạnh hơn, máy bay nhanh hơn, vũ khí chính xác hơn.

Với sự phát triển của điện toán lượng tử, các hệ thống AI sẽ đến lúc vượt ra khỏi giới hạn hỗ trợ cho con người. Các nhà khoa học đang nghiên cứu tính khả thi của AGI (trí tuệ tổng hợp nhân tạo), dù nó vẫn chỉ ở dạng giả thuyết. Nếu AI truyền thống chỉ giải quyết một vấn đề riêng biệt, thì AGI có thể thực hiện bất cứ nhiệm vụ trí óc nào của con người và thậm chí hơn thế.

Một bước đột phá trong lĩnh vực này có thể mở ra một kỷ nguyên chiếm ưu thế không khác gì thời kỳ ưu thế hạt nhân mà Hoa Kỳ đã đạt được vào cuối những năm 1940. Nếu như vậy, các cuộc xung đột có thể xảy ra với tốc độ của máy tính chứ không phải tốc độ của con người; và những bên kém hơn về công nghệ sẽ nắm nhiều phần thua.

Vai trò của công nghệ trong thay đổi cục diện địa chính trị đã phần nào thể hiện ngay từ bây giờ. Trong xung đột Nga – Ukraine, máy bay không người lái, hệ thống Starlink hay các vũ khí công nghệ cao của Mỹ đã giúp quân đội Ukraine cầm cự với Nga suốt 1 năm, dù ban đầu giới tình báo Mỹ dự báo Kiev không thể chống chọi nổi 2 tuần. Tương tự năm 2020, Azerbaijan đã sử dụng máy bay không người lái để giành lợi thế quyết định trong cuộc chiến với Armenia sau hơn hai thập kỷ.

Trong tương lai, máy bay không người lái hay robot được trang bị vũ khí tự động sẽ không chỉ phục vụ mục đích trinh thám mà có thể thay thế hoàn toàn binh lính và pháo binh có người lái. Với hiệu quả mà đội quân UAV của Ukraine đã chứng minh trước quân đội Nga hung mạnh, sẽ không quá nếu nói rằng chúng có thể áp đảo đội hình xe tăng và bộ binh trên chiến trường nếu được kết nối và điều phối bởi AI.

Chiến tranh tương lai sẽ có sự tham gia của AI

Chiến tranh tương lai sẽ có sự tham gia chủ yếu của AI

>>Làn sóng dịch chuyển khỏi Trung Quốc gia tăng vì căng thẳng Mỹ- Trung

Cạnh tranh công nghệ Mỹ - Trung

Ưu thế đổi mới về công nghệ chưa được thể hiện rõ ràng trong quân sự, nhưng trong kinh tế và chính trị, nó đã hiện hữu từ lâu.

Các nước châu Phi – với 70% nền tảng công nghệ là từ Trung Quốc – hầu như không bao giờ lên tiếng chống lại Bắc Kinh trên diễn đàn quốc tế. Trong phong trào Mùa Xuân Ả Rập, các công ty công nghệ Mỹ như Facebook đã đóng vai trò cốt lõi cho những lời kêu gọi biểu tình dẫn đến sự sụp đổ của nhiều chính quyền.

Cuộc cạnh tranh về công nghệ trên thế giới nổi bật với căng thẳng địa chính trị Mỹ - Trung. Bắc Kinh, với khả năng sao chép các công nghệ nền tảng của Mỹ, đang nhanh chân hơn trong các lĩnh vực của tương lai.

Trong một thập kỷ qua, Trung Quốc đã đầu tư vào lĩnh vực điện toán lượng tử gấp 10 lần Mỹ. Một số công nghệ của Trung Quốc hiện đã vượt Mỹ, như giám sát nhận diện khuôn mặt, pin xe điện hay xe tự hành. Với chất bán dẫn, Trung Quốc đặt kế hoạch tự chủ vào năm 2030, với mục tiêu sản xuất thế hệ chip 5 nanomet, vượt trội so với thế hệ 7 nanomet hàng đầu hiện nay đang do các công ty Mỹ dẫn đầu.

Vì vậy, có thể hiểu tại sao Mỹ lại tìm mọi cách bóp nghẹt ngành công nghệ của Trung Quốc như vậy. Trung Quốc có thể đi trước trong một số công nghệ ứng dụng, nhưng công nghệ lõi như sản xuất bán dẫn thì vẫn đi sau Mỹ - nơi tập hợp 60% chuyên gia hàng đầu về lĩnh vực AI. Dù vậy, ông Tập Cận Bình vẫn có một đòn bẩy vô cùng quan trọng: 85% quá trình xử lý đất hiếm để dùng trong công nghệ toàn cầu phụ thuộc vào Trung Quốc.

Nước Mỹ còn đối mặt với vô vàn thách thức khác. Các chính trị gia bị chi phối bởi chia rẽ lưỡng đảng thường tập trung giải quyết các vấn đề trước mắt hơn là chú trọng đầu tư vào công nghệ tương lai. Đạo luật Giảm Lạm phát (IRA) tập trung phát triển ngành xe điện của chính quyền Biden mới đây cũng bị cho là một nỗ lực muộn màng nhằm bắt kịp Trung Quốc trong lĩnh vực xe điện.

Một khó khăn khác đối với Hoa Kỳ là vấn đề nhân lực. Hơn một nửa số nhà nghiên cứu AI làm việc tại Hoa Kỳ đến từ nước ngoài và nhu cầu về nhân tài AI vẫn vượt xa nguồn cung. Thế nhưng, hệ thống nhập cư lỗi thời của Mỹ đang ngăn cản các công ty và trường đại học thu hút những bộ óc thông minh nhất trên thế giới, theo ông Eric Schmidt, cựu CEO của Google.

Có thể nói, câu nói nổi tiếng ở thung lũng Silicon, “Đổi mới hay là chết”, đang trở nên phù hợp với một trật tự thế giới mới được quyết định bởi các con chip máy tính. Tốc độ phát triển AI của Mỹ và Trung Quốc có thể sẽ là nhân tố quyết định đến cục diện đó.  

Có thể bạn quan tâm

  • Tín hiệu tích cực từ đối thoại cấp cao Mỹ - Trung

    Tín hiệu tích cực từ đối thoại cấp cao Mỹ - Trung

    02:30, 16/11/2022

  • Mỹ - Trung chưa có dấu hiệu dỡ bỏ thuế quan

    Mỹ - Trung chưa có dấu hiệu dỡ bỏ thuế quan

    04:50, 18/11/2022

  • Chia rẽ tài chính đè nặng mối quan hệ Mỹ - Trung

    Chia rẽ tài chính đè nặng mối quan hệ Mỹ - Trung

    05:20, 28/02/2023

  • Chiến sự Nga- Ukraine: Thấy gì từ đề xuất 12 điểm của Trung Quốc?

    Chiến sự Nga- Ukraine: Thấy gì từ đề xuất 12 điểm của Trung Quốc?

    04:00, 01/03/2023

  • Làn sóng dịch chuyển khỏi Trung Quốc gia tăng vì căng thẳng Mỹ- Trung

    Làn sóng dịch chuyển khỏi Trung Quốc gia tăng vì căng thẳng Mỹ- Trung

    04:00, 28/02/2023

(0) Bình luận
Nổi bật
Mới nhất
"Lộ diện" yếu tố sẽ quyết định trật tự thế giới mới
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO