BRICS+ sẽ củng thêm quyền lực cho Nam bán cầu trong việc thiết lập chương trình nghị sự về các vấn đề như biến đổi khí hậu, tài chính...
>>BRICS mở rộng sẽ "đuổi kịp" Mỹ và phương Tây?
Ông Anil Sooklal, đại sứ Nam Phi tại khối BRICS, nói rằng hội nghị thượng đỉnh BRICS ở Johannesburg sẽ tạo ra "một sự thay đổi mang tính kiến tạo… trong cấu trúc địa chính trị toàn cầu”.
Mặc dù hội nghị thượng đỉnh kết thúc vào ngày 24/8 vừa qua rõ ràng không đạt được mục tiêu đó, nhưng đã củng cố nhóm BRICS trở thành động lực quan trọng nhất trong chương trình nghị sự của Nam bán cầu, vượt qua nhóm G20 để trở thành diễn đàn kinh tế hàng đầu cho các quốc gia đang phát triển.
Kết quả đáng ngạc nhiên nhất của hội nghị thượng đỉnh là thông báo rằng khối BRICS đã đồng ý mời sáu thành viên mới tham gia từ năm tới: Argentina, Ai Cập, Ethiopia, Iran, Saudi Arabia và Các tiểu Vương quốc Ả Rập thống nhất.
BRICS+, như tên gọi của nhóm mở rộng, sẽ chiếm tỷ trọng lớn hơn trong tổng sản phẩm quốc nội toàn cầu so với nhóm G7 gồm các quốc gia có nền công nghiệp tiên tiến.
Việc mở rộng này của BRICS là một chiến thắng ngoại giao đối với Trung Quốc, quốc gia từ lâu đã tìm cách phát triển BRICS như một phương tiện để thúc đẩy lợi ích quốc gia và làm đối trọng với ảnh hưởng của phương Tây.
Ông Bremmer, Chủ tịch của Eurasia Group và GZERO Media nhận định, việc 40 quốc gia được cho là đã bày tỏ sự quan tâm đến việc gia nhập khối BRICS trong 18 tháng qua cho thấy nhiều nước ở Nam bán cầu mong muốn tìm kiếm các giải pháp thay thế cho trật tự toàn cầu do phương Tây lãnh đạo mà họ cảm thấy đã bỏ họ lại phía sau. Tuy nhiên, điều này không có nghĩa là BRICS+ sẽ là đối thủ cạnh tranh với G7.
"Không giống như G7, một nhóm gồm các nền dân chủ tự do phát triển với phần lớn các giá trị và lợi ích được chia sẻ, các quốc gia BRICS+ không chia sẻ các hệ thống chính trị hoặc kinh tế chung, chứ chưa nói đến một chương trình nghị sự chung", ông Bremmer phân tích.
Các thành viên mới từ Trung Đông và Đông Bắc Phi có thể sẽ sử dụng tư cách thành viên BRICS+ của mình để tăng cường ảnh hưởng địa chính trị và đa dạng hóa quan hệ đối tác quốc tế, thương mại và đầu tư thay vì hợp tác theo một chương trình nghị sự chống phương Tây.
>>BRICS+ sẽ thách thức sức mạnh của G7?
Đối với Saudi Arabia và UAE, mục đích sẽ là mở rộng quan hệ đối tác quốc tế chứ không phải để chống lại Mỹ. Các nhà lãnh đạo Ai Cập hy vọng BRICS+ có thể đưa ra một huyết mạch kinh tế mà không có các ràng buộc chính trị.
Iran muốn có tầm vóc mới và các mối quan hệ hợp tác mới để giảm bớt áp lực từ các lệnh trừng phạt của phương Tây. Đối với Ethiopia, giống như hầu hết các nước châu Phi cận Sahara, mục tiêu của quốc gia này là hội nhập kinh tế chặt chẽ hơn với Bắc Kinh, quốc gia đã vượt xa Washington để dẫn đầu về nguồn vốn đầu tư mới trên lục địa này.
Các chuyên gia đánh giá, việc thiếu tầm nhìn chung sẽ không ngăn được việc BRICS+ nỗ lực thay đổi cán cân quyền lực trong nền kinh tế toàn cầu. Đặc biệt, BRICS+ sẽ thúc đẩy gia tăng ảnh hưởng trong các tổ chức đa phương như Liên Hợp Quốc, Quỹ Tiền tệ Quốc tế và Ngân hàng Thế giới, đồng thời ít phụ thuộc hơn vào đồng đô la Mỹ.
BRICS+ sẽ vẫn là một diễn đàn kinh tế chứ không phải là một khối an ninh chống phương Tây và không đe dọa chia rẽ thế giới thành các khối cạnh tranh kiểu Chiến tranh Lạnh. Nhưng BRICS+ sẽ cho phép một số quốc gia quan trọng nhất ở Nam bán cầu gia tăng tiếng nói của họ trong những vấn đề quan trọng, khiến các cường quốc phương Tây khó có thể bỏ qua ảnh hưởng ngày càng tăng của họ.
Có thể bạn quan tâm
BRICS+ sẽ thách thức sức mạnh của G7?
03:30, 05/09/2023
BRICS mở rộng sẽ "đuổi kịp" Mỹ và phương Tây?
04:30, 31/08/2023
Thượng đỉnh BRICS bắn tín hiệu gì cho Mỹ và phương Tây?
04:14, 30/08/2023
BRICS mở rộng, thách thức mới nổi lên
03:30, 30/08/2023
Tham vọng lớn còn dở dang của BRICS
04:30, 28/08/2023