Theo Bộ trưởng Bộ Tài chính Đinh Tiến Dũng, định giá đất không sát với giá thị trường là nguyên nhân chủ yếu gây thất thoát ngân sách nhà nước khi giao đất không qua đấu thầu, đấu giá.
Cụ thể, trả lời chất vấn cử tri trước Quốc hội sáng 11/10, Bộ trưởng Bộ Tài chính Đinh Tiến Dũng cho biết thời gian qua vấn đề thất thoát, thất thu ngân sách nhà nước qua việc giao đất không qua đấu thầu, đấu giá đã xảy ra và chủ yếu là dokhi định giá đất không sát với giá thị trường. Các địa phương giao cho nhà đầu tư khi đất chưa sạch và nhà đầu tư phải ứng tiền ra để đền bù, sau khi đền bù giá cả thay đổi rất lớn thì không được định giá lại.
Đối với những tồn tại, hạn chế liên quan bảng giá đất, khung giá đất cũng như việc định giá đất “chưa mang hơi thở cuộc sống”, chưa sát với thực tiễn, vừa qua Diễn đàn Doanh nghiệp đã có loạt bài phản ánh nêu lên phân tích đa chiều của những chuyên gia, doanh nghiệp và người dân. Nhìn chung, các ý kiến cho rằng hiện nay chúng ta còn thiếu cơ chế định giá đất độc lập nhằm đảm bảo xác định đúng, sát, chính xác nhất giá trị của đất đai để tính các nghĩa vụ tài chính liên quan đến đất đai của doanh nghiệp và người dân.
GS.TSKH Đặng Hùng Võ - Nguyên Thứ trưởng Bộ Tài nguyên Môi trường chỉ rõ nếu khung giá và bảng giá đất thấp hơn nhiều so với giá thực tế của thị trường thì khi giao đất không qua đấu thầu, đấu giá mà không có một Hội đồng thẩm định giá đốc lập thì nhà nước sẽ rất dễ bị thất thoát nguồn thu. Cũng theo GS.TSKH Đặng Hùng Võ phải nhìn nhận thẳng thắn rằng, khung giá đất bây giờ có tăng thêm 100% đi chăng nữa cũng chưa tiệm cận đến 50% mức giá trị trường.
Đồng tình với quan điểm trên, PGS.TS Doãn Hồng Nhung - Giảng viên cao cấp khoa Luật, Đại học Quốc gia Hà Nội cho rằng hiện nay việc định giá đất để làm căn cứ xác định các nghĩa vụ tài chính liên quan đến đất đai của doanh nghiệp và người dân còn nhiều tồn tại, giá trị định giá chưa mang được “hơi thở của cuộc sống”. Có nhiều trường hợp giá đất giao dịch thực tế còn cách quá xa so với giá mức giá được quy định tại Bảng giá đất của các địa phương. Theo PGS.TS Doãn Hồng Nhung đây chính là một “lỗ hổng” tiềm ẩn nguy cơ dẫn đến thất thoát, thất thu ngân sách nhà nước khi giao đất không qua đấu thầu, đấu giá.
Đối với vấn đề này, giải pháp mà PGS.TS Doãn Hồng Nhung đưa ra là có thể thành lập một hội đồng thẩm định giá đất độc lập tại từng địa phương để có cơ sở dữ liệu thực tiễn tham góp vào việc xây dựng Bảng giá đất cho các địa phương trong việc định giá đất, nhất là khi giao đất không qua đấu giá.
Việc chưa có cơ chế định giá đất tối ưu đảm bảo tính chính xác, khách quan, sát với giá thị trường cũng đã và đang gây khó cho chính các cơ quan quản lý nhà nước. Điển hình như tại Thành phố Hồ Chí Minh, vừa qua ông Nguyễn Toàn Thắng - Giám đốc Sở TN&MT cho biết hiện Sở này đang nhận được khá nhiều văn bản của Cục thuế, UBND các quận huyện và người dân đề nghị hướng dẫn việc áp dụng các nội dung chưa được quy định tại Quyết định bảng giá đất.
Trước sự cần thiết của việc có cơ chế định giá đất một cách chính xác, khoa học, phản ảnh được đúng thị giá thực tế, bà Trần Thị Khánh Linh - Trưởng bộ phận Định giá, Công ty Savills Việt Nam nêu đề xuất, tất cả nghĩa vụ tài chính liên quan đến đất đai đều nên quy ra cơ sở giá trị thị trường, đồng thời giao việc xác định này cho các cơ quan, tổ chức độc lập, có năng lực để tối ưu hóa việc định giá đất.
Có thể bạn quan tâm