Một trong hai vụ tấn công nhà thờ Hồi giáo ở New Zealand vừa qua đã sử dụng mạng xã hội để phát trực tiếp cuộc thảm sát. Ngay sau đó, các mạng xã hội đã rất khó khăn để gỡ bỏ.
Khi tiến hành vụ thảm sát tại nhà thờ Hồi giáo, hung thủ Brenton Tarrant đã đăng trên Facebook video phát trực tiếp, ghi lại quá trình di chuyển đến nhà thờ và hành động xả súng vào những người vô tội trong nhà thờ, khiến ít nhất 49 người thiệt mạng.
Ngay sau đó, các ông lớn công nghệ đã xóa ngay tài khoản của hung thủ nhưng các phiên bản của video vẫn còn trên một số trang web sau vụ xả súng. Facebook, Twitter và Google, YouTube đều cho biết họ đã xóa video gốc sau vụ tấn công. Nhưng nhiều giờ sau, người dùng vẫn gửi thông báo về việc các phiên bản xuất hiện tràn lan trên các nền tảng này.
Giám đốc chính sách Facebook tại Úc và New Zealand, bà Mia Garlick cho biết: “Cảnh sát New Zealand cảnh báo chúng tôi về một video trên Facebook ngay sau đoạn livestream được thực hiện. Chúng tôi nhanh chóng xóa tài khoản Facebook, Instagram của tay súng và video đó. Chúng tôi sẽ tiếp tục làm việc trực tiếp với cảnh sát New Zealand để tiến hành điều tra vụ việc này”.
Đại diện mạng xã hội Twitter trong một tuyên bố cho biết, “chúng tôi rất buồn vì vụ xả súng ở thành phố Christchurch, Twitter có các quy trình nghiêm ngặt và một đội ngũ chuyên trách để quản lý các tình huống khẩn cấp như vụ xả súng này. Chúng tôi sẽ hợp tác với cơ quan thực thi pháp luật để tạo điều kiện cho các cuộc điều tra của họ”.
Trước đây, Facebook từng đối diện với việc người dùng lạm dụng chức năng livestream và đã áp dụng một số công nghệ để ngăn chặn các video độc hại. Năm 2017, Facebook đã sử dụng trí tuệ nhân tạo kết hợp với các chuyên gia để phát hiện nội dung video liên quan đến tự tử, các chính sách này được áp dụng sau khi hàng loạt các vụ tự tử được livestream trên nền tảng này.
Một số người dùng Twitter cho biết họ có thể tìm thấy các video đăng lại cuộc tấn công trên Youtube hơn 12 giờ sau khi vụ việc xảy ra, mặc dù YouTube cho biết họ đã gỡ bỏ video gốc.
Hiện chính sách YouTube ưu tiên thể hiện các tin tức hợp pháp khi người dùng gõ từ khóa tìm kiếm theo một sự kiện hoặc một xu hướng nào đó, tránh xuất hiện các video có nội dung sai lệnh. Bên cạnh đó, để đảm bảo tin tức đăng tải là hợp pháp, các video từ các cơ quan báo chí, truyền thông hợp pháp sẽ được làm nổi bật ở mục “Tin tức hàng đầu”.
Tuy nhiên, những động thái trên chỉ nhằm mục đích không để các video độc hại được nổi bật trên kết quả tìm kiếm hay trong phần “Xu hướng”, chứ không ngăn được các nội dung xấu được tải lên trang mạng xã hội này.
Sajid Javid, Bộ trưởng Nội vụ Anh đã lên án việc các công ty công nghệ không thể dừng đoạn video dài 17 phút này được chia sẻ trong hơn 10 giờ sau khi sự việc xảy ra. Ông cho rằng các mạng xã hội cần làm nhiều hơn nữa để ngăn chặn chủ nghĩa cực đoan bạo lực được quảng bá trên các nền tảng của họ.
Damian Collins, Chủ tịch Ủy ban Văn hóa Commons, cho biết đây dường như là một cuộc tấn công khủng bố được thiết kế cho phương tiện truyền thông xã hội và nó giải thích lý do vì sao phải nhanh chóng có quy định pháp lý về phân phối nội dung trực tuyến qua mạng xã hội.
Ông nói: “Đây là một bệnh truyền nhiễm lan truyền qua phương tiện truyền thông xã hội. Các công ty công nghệ cần thực hiện một cuộc điều tra về những người đã chia sẻ bộ phim này và cách nó được chia sẻ. Các nhóm đã cố tình phát tán đoạn phim sẽ bị đóng tài khoản”.
Hiện tại, những cái tên hàng đầu như Facebook, Microsoft, Google và Twitter đã bắt tay với nhau để chống khủng bố. Trước mắt, họ đã lên kế hoạch để thiết lập cơ sở dữ liệu dùng chung, giúp theo dõi và loại bỏ "hình ảnh khủng bố, bạo lực hoặc video tuyển dụng khủng bố". Tuy nhiên, sau sự kiện vừa qua ở New Zealand có thấy vẫn còn đó những lổ hổng trong quản lý của các “ông lớn” công nghệ này. Trong khi đó, theo pháp luật Mỹ, mạng xã hội có thể không phải chịu trách nhiệm về nội dung từ bên thứ ba.