Việc Đông Nam Á đang già đi nhanh chóng đang gây lo ngại sẽ tạo sức ép cho nền kinh tế và hệ thống chăm sóc sức khỏe hơn bao giờ hết.
>> Đông Nam Á sẽ giảm lợi thế cạnh tranh khi liên tục tăng lương?
Nhiều quốc gia châu Á đang chứng kiến sự già hóa dân số nhanh chóng. Khi lực lượng lao động đóng thuế thu hẹp lại sẽ là một "quả bom hẹn giờ" về nhân khẩu học.
Theo dự đoán của Liên hợp quốc, đến năm 2050, châu Á - Thái Bình Dương sẽ là nơi sinh sống của 1,3 tỷ người từ 60 tuổi trở lên, chiếm một tỷ lệ đáng kinh ngạc lên tới 1/4 dân số. Đông Nam Á được dự báo sẽ phải chịu gánh nặng của sự thay đổi nhân khẩu học này, với hơn 170 triệu người cao tuổi, chiếm 22% dân số khu vực. Các quốc gia như Singapore, Thái Lan và Việt Nam đang trải qua quá trình này và nhanh chóng chuyển đổi thành xã hội siêu già hóa.
Cụ thể, dân số Singapore đang già đi nhanh chóng. Năm 2010, chỉ có khoảng 10% công dân nước này ở độ tuổi từ 65 trở lên. Đến năm 2022, tỷ lệ đó đã tăng lên 18,4%. Trong vòng chưa đầy sáu năm, dự kiến thành phố có dân số dưới 6 triệu người này sẽ có hơn 900.000 người trong độ tuổi từ 65 trở lên.
Tương tự, Malaysia đang trải qua một sự thay đổi nhân khẩu học đáng kể khi dân số già đi. Dữ liệu của chính phủ cho thấy tỷ lệ người dân từ 65 tuổi trở lên đã tăng lên 7,4% vào năm ngoái, khoảng 2,5 triệu người. Các dự báo cho thấy xu hướng này sẽ tăng tốc trong những năm tới. Đến năm 2030, đất nước này dự kiến sẽ trở thành quốc gia già hóa, với 15% dân số từ 60 tuổi trở lên. Theo ước tính của Ngân hàng Thế giới, một thế hệ sau đó sẽ trở thành một xã hội siêu già, với 20% người Malaysia sẽ nằm trong nhóm tuổi 65 trở lên vào năm 2056.
Bên cạnh đó, các quốc gia này cũng phải đối mặt với thách thức kép: phụ nữ có thể sống lâu hơn nam giới nhưng đều phải trải qua nhiều năm trong tình trạng sức khỏe kém. Nhiều người cũng bị cắt giảm các dịch vụ chăm sóc sức khỏe được tài trợ tốt và là nhóm người yếu thế trong xã hội.
Thực tế cho thấy, với dân số nhỏ, cùng các chính sách ưu đãi hấp dẫn và tổng thu nhập trung bình hàng tháng khoảng 5.100 đô la Singapore (3.770 đô la Mỹ), Singapore là một trong những quốc gia có vị thế tốt nhất ở châu Á để thích ứng với thách thức nhân khẩu học.
Phát biểu vào tháng 4 năm ngoái, Thủ tướng Singapore khi đó là Lý Hiển Long cho biết: “Dân số già sẽ thay đổi hoàn toàn cách xã hội vận hành, từ nền kinh tế đến hệ thống chăm sóc sức khỏe của chúng ta, hay việc lập kế hoạch nghỉ hưu đầy đủ. Nó cũng thay đổi cách chúng ta chăm sóc và gắn kết với nhóm người cao tuổi, để họ có thể duy trì hoạt động tích cực và khỏe mạnh, tiếp tục đóng góp cho xã hội.”
>> Singapore trở thành trung tâm AI của Đông Nam Á
Trước mắt, Chính phủ Singapore có kế hoạch dành khoảng 2,5 tỷ USD cho chương trình “Age Well SG” để cải thiện việc sắp xếp dịch vụ chăm sóc tại nhà, đồng thời giới thiệu các tiện nghi thân thiện với người cao tuổi trong các khu dân cư, cùng nhiều biện pháp khác trong thập kỷ tới.
Singapore cũng đã thực hiện các bước cụ thể để điều chỉnh cơ sở hạ tầng và dịch vụ như đưa ra các khu nhà ở công cộng có hỗ trợ sinh hoạt, có thiết kế dành cho xe lăn, hệ thống giám sát khẩn cấp và chăm sóc sức khỏe tại chỗ. Các điểm dừng xe buýt trên khắp đất nước cũng đã được tân trang lại với biển chỉ dẫn đa dạng để hỗ trợ những người mắc chứng mất trí nhớ.
Ngoài cơ sở hạ tầng vật chất, Singapore còn đang củng cố mạng lưới các trung tâm xã hội và giải trí dành cho người lớn tuổi. Hơn 150 trung tâm người cao tuổi cung cấp nhiều chương trình khác nhau, từ các lớp tập thể dục đến các hoạt động tình nguyện. Tuy nhiên, sự cô lập xã hội vẫn là một thách thức đối với dân số già của Singapore.
Theo John Chia, người sáng lập và Chủ tịch của Millenia Village ở bang Negeri Sembilan của Malaysia, cho biết nhu cầu về các cơ sở hỗ trợ sinh hoạt cho người già sẽ tăng theo cấp số nhân trong những năm tới. Theo ông Chia, mặc dù loại hình này vẫn còn tương đối mới đối với Malaysia và phải đối mặt với một số thách thức về quy định và tài trợ, cơ sở sinh hoạt cho người già sẽ là một giải pháp đáng hoan nghênh cho cuộc khủng hoảng chăm sóc sức khỏe sắp xảy ra của đất nước.
Đồng quan điểm, Tiến sĩ S. Kantha Ruban Sivalingam, bác sĩ đa khoa và thành viên Hội đồng khoa học của Hiệp hội Lão hóa khỏe mạnh Malaysia, đang kêu gọi chính phủ trong khu vực cùng chung tay góp sức đối phó với sự già hóa dân số. Ông nói với This Week in Asia: “Bằng cách ưu tiên các biện pháp chăm sóc sức khỏe, hỗ trợ xã hội và an ninh kinh tế cho người cao tuổi, Malaysia có thể trở thành hình mẫu trong Đông Nam Á về một xã hội hòa nhập và nhân ái hơn”.
Có thể bạn quan tâm