Lo ngại tầng lánh nạn đội giá nhà chung cư (KỲ II): Bài học từ Singapore

DIỆU HOA 23/11/2020 05:00

Tầng lánh nạn là khu vực cần thiết để đảm bảo an toàn phòng cháy chữa cháy cho người dân và đã được thực hiện hiệu quả ở các nước như Singapore, Trung Quốc.

Các chuyên gia cho rằng không thể lấy lý do làm tăng chi phí đầu tư để không bố trí tầng lánh nạn chung cư (ảnh: Tòa nhà Keangnam Landmark 72 cao 336m)

Thủ tướng Chính phủ vừa giao Bộ Xây dựng phối hợp nghiên cứu phản ánh việc thêm tầng lánh nạn tại các dự án chung cư có thể khiến giá căn hộ bị đẩy lên cao, khó triển khai thực hiện.

Cần thiết cho công tác phòng cháy, cứu hộ

Nguyên Cục trưởng Cục Giám định Nhà nước về Chất lượng công trình (Bộ Xây dựng) Trần Chủng phân tích, trước đây, các đô thị lớn có rất ít các tòa nhà cao từ 40 tầng trở lên nên không có Quy chuẩn Quốc gia về chung cư.

Tuy nhiên, nay các chung cư với chiều cao như vậy ngày một nhiều, cần có quy chuẩn cụ thể để đảm bảo an toàn phòng cháy chữa cháy cho người dân. Tại các nước như Singapore, Trung Quốc với rất nhiều các chung cư cao tầng, các tòa nhà trên 100m của họ đều được thiết kế tầng lánh nạn.

Theo chuyên gia, các nhà cao tầng thường có tầng kỹ thuật và bố trí không gian lánh nạn có đủ điều kiện cách ly khi cháy, tuy nhiên các chủ đầy tư lại muốn bán những không gian này nên thường biến tướng thành căn hộ hoặc không làm.

Tầng lánh nạn chung cư có thể tăng chi phí đầu tư dự án nhưng là nơi tạm trú cho người dân trong trường hợp khẩn cấp và đã được thực hiện ở nhiều nước (ảnh: Landmark 81)

Đồng quan điểm, theo KTS Hà Ngọc Vịnh - thành viên Hội KTS Việt Nam, hiện đã xuất hiện tình trạng nhiều chủ đầu tư vì lợi nhuận mà cải tạo tầng kỹ thuật, phòng sinh hoạt cộng đồng thành căn hộ để bán nhằm chuộc lợi.

Theo ông Vịnh, tầng lánh nạn có thể tăng chi phí đầu tư dự án, tuy nhiên đây là khu vực rất cần thiết, là nơi tạm trú cho người dân trong trường hợp khẩn cấp, đặc biệt với các hộ dân ở tầng cao không thể chạy xuống kịp khi có cháy. Đồng thời ngăn ngọn lửa lan tới các tầng phía trên.

"Việc xây dựng thêm tầng lánh nạn hay không chủ yếu phụ thuộc vào việc chủ đầu tư có muốn bớt đi một phần lợi ích của doanh nghiệp để tăng sự an toàn cho cư dân hay không mà thôi" - ông Vịnh khẳng định. 

Theo ông Vịnh khó có thể chấp nhận việc lấy lý do xây thêm tầng lánh nạn có thể đẩy giá căn hộ mà không bố trí khu vực này. 

Bài học từ Singapore

Thông tin từ trang scdf.gov.sg (Singapore Civil Defence Force - Lực lượng quốc phòng nội Singapore), Bộ luật Phòng cháy chữa cháy hiện hành của quốc gia này quy định rằng với các dự án cao trên 40 tầng, ở mỗi 20 tầng phải được bố trí một tầng lánh nạn. Ít nhất 50% tổng diện tích sàn của tầng lánh nạn phải được chỉ định là khu vực chứa người cư ngụ tạm thời trong trường hợp khẩn cấp về hỏa hoạn. Người ta có thể xác định tầng lánh nạn bằng biển báo "Khu vực tổ chức khẩn cấp cứu hỏa" được hiển thị trên tường bên trong cầu thang và ngay bên ngoài cầu thang tại tầng lánh nạn.

Tầng lánh nạn là một nơi an toàn để chờ đợi trong quá trình sơ tán. Chúng được thông gió tự nhiên và được làm bằng vật liệu chống cháy. Không cho phép các hoạt động thương mại hoặc đơn vị ở trên tầng lánh nạn nhưng nó có thể được sử dụng như một khu vực tập thể dục, miễn là thiết bị không cháy.

Chính phủ quốc gia này kêu gọi người dân ở các nhà "siêu cao tầng" nếu có đám cháy sau khi báo cháy, thay vì đi xuống tầng đầu tiên, người dân có thể đến tầng lánh nạn gần nhất bằng cách sử dụng cầu thang thoát hiểm, nhằm đảm bảo an toàn, đồng thời để nhân viên cứu hỏa có thể thực hiện các hoạt động tìm kiếm, cứu nạn và chữa cháy từ các tầng lánh nạn này, nơi có một phần mở ra bầu trời để phân tán khói hiệu quả.

Chia sẻ với DĐDN, ông Chen Lian Pang, Giám đốc điều hành CapitaLand Việt Nam cho rằng, các quy định về an toàn cháy nổ ở Việt Nam nghiêm ngặt hơn ở Singapore. Nhưng sự thành công của việc thực hiện phụ thuộc vào sự tuân thủ của chủ đầu tư cũng như trách nhiệm và nhận thức của từng người dân về các biện pháp an toàn phòng cháy chữa cháy tại nhà của họ.

"Ngoài việc phải đảm bảo thiết kế đúng quy chuẩn quy định, việc phòng cháy chữa cháy của chung cư cũng cần được  thường xuyên thực hành cuộc diễn tập chữa cháy thường xuyên để giáo dục cư dân về các quy trình thoát hiểm và cách thoát hiểm để an toàn cho chính họ trong quá trình sơ tán" - ông Chen Lian Pang nhấn mạnh.

Có thể bạn quan tâm

  • Tầng lánh nạn “đội” giá nhà chung cư?

    Tầng lánh nạn “đội” giá nhà chung cư?

    05:00, 21/11/2020

  • Có thực sự cần tầng lánh nạn chung cư?

    Có thực sự cần tầng lánh nạn chung cư?

    09:00, 08/11/2020

  • QCVN 06:2020/BXD về an toàn cháy cho nhà ở: Bất cập tầng lánh nạn

    QCVN 06:2020/BXD về an toàn cháy cho nhà ở: Bất cập tầng lánh nạn

    11:00, 27/10/2020

  • Kiến nghị “mở thêm đường” cho quy định về tầng lánh nạn đối với nhà cao tầng

    Kiến nghị “mở thêm đường” cho quy định về tầng lánh nạn đối với nhà cao tầng

    16:29, 26/10/2020

(0) Bình luận
Nổi bật
Mới nhất
Lo ngại tầng lánh nạn đội giá nhà chung cư (KỲ II): Bài học từ Singapore
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO