Việc Bộ Ngoại giao Triều Tiên bất ngờ ra thông cáo tuyên bố tăng cường khả năng "răn đe hạt nhân" làm dấy lên mối lo ngại về an ninh trong khu vực trong thời gian tới.
Thông cáo cũng cho biết thêm, nước này phản đối Hàn Quốc và Mỹ tổ chức cuộc tập trận quân sự chung mùa Hè mới đây, đồng thời tuyên bố tăng cường khả năng "răn đe hạt nhân" đủ mạnh để đối phó và loại bỏ bất kỳ mối đe dọa nào từ bên ngoài.
Thông cáo trên được đưa ra sau khi Seoul và Washington kết thúc cuộc tập trận quân sự chung hôm 26/8, vốn được tổ chức với quy mô thu nhỏ do diễn biến dịch bệnh COVID-19 và các nỗ lực hòa bình liên quan tới Triều Tiên.
Trước đó, Cơ quan Năng lượng Nguyên tử Quốc tế (IAEA) cho biết, Triều Tiên dường như đã tái khởi động lò phản ứng hạt nhân. Theo các hình ảnh quan sát từ vệ tinh của cơ quan này, từ đầu tháng 7/2021, đã có những dấu hiệu xuất hiện, bao gồm việc xả nước làm mát, phù hợp với hoạt động của lò phản ứng.
Bên cạnh đó, từ tháng 6/2021 đã có những dấu hiệu về khả năng diễn ra hoạt động tái chế để tách plutonium dùng cho vũ khí hạt nhân từ nhiên liệu lò phản ứng đã qua sử dụng tại Yongbyon. Theo báo cáo mới nhất, thời gian diễn ra quá trình này trong 5 tháng, từ giữa tháng 2 đến đầu tháng 7/2021 cho thấy một lô nhiên liệu đã được xử lý, nhiều hơn so với thời gian cần thiết để xử lý chất thải hay bảo dưỡng.
"Những dấu hiệu mới nhất về hoạt động tại lò phản ứng 5MW và Phòng thí nghiệm (tái xử lý) Hóa chất phóng xạ là rất đáng lo ngại", IAEA lưu ý. Các chuyên gia nhận định, động thái chưa xác định này của Triều Tiên "gây quan ngại sâu sắc" và vi phạm một cách rõ ràng các nghị quyết liên quan của Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc.
Theo Gary Samore, Giám đốc Trung tâm Crown tại Đại học Brandeis đánh giá, việc tái kích hoạt lò phản ứng Yongbyon dường như cho thấy Triều Tiên đang tăng cường chương trình vũ khí hạt nhân; đồng thời gửi thông điệp sâu sắc đến Mỹ.
Trong quá khứ, Triều Tiên đã tiến hành các hoạt động tại Yongbyon khi họ tìm cách gia tăng căng thẳng và tăng đòn bẩy ngoại giao. Do đó, có khả năng Bình Nhưỡng đang đòi hỏi Washington cần có những hành động mới để cải thiện mối quan hệ.
“Trong những tháng gần đây, các quan chức cấp cao của Triều Tiên đã nhiều lần bày tỏ thái độ không hài lòng về các cuộc tập trận chung giữa Mỹ và Hàn Quốc, cũng như thái độ của chính quyền Tổng thống Biden trong việc duy trì mối quan hệ Mỹ - Triều. Có thể thấy, đây là tín hiệu mạnh mẽ nhất được Triều Tiên đưa ra kể từ khi ông Biden nhậm chức”, chuyên gia này đánh giá.
Trước mắt, một quan chức cấp cao của chính quyền Biden trao đổi với Wall Street Journal rằng, Washington đã cảm thấy lo ngại hơn về thông báo của IAEA cũng như nhu cầu cấp thiết trong việc đối thoại với Triều Tiên. Quan chức này cũng khẳng định, Mỹ sẽ tiếp tục tìm kiếm đối thoại với Triều Tiên để có thể xử lý các vấn đề về phi hạt nhân hóa trong thời gian tới.
Mặc dù vậy, giới quan sát cho rằng, Tổng thống Biden sẽ chưa tiến hành các chính sách với Triều Tiên, đặc biệt là trong bối cảnh cuộc khủng hoảng tại Afghanistan vẫn đang diễn biến hết sức phức tạp.
Joel Wit, một cựu quan chức Bộ Ngoại giao Mỹ cho biết, việc có nhiều dấu hiệu hoạt động tại lò phản ứng Yongbyon cho thấy chương trình vũ khí hạt nhân của Triều Tiên không thể bị bỏ qua và cần phải được ưu tiên cao hơn đối với chính quyền Tổng thống Biden.
“Có một điều chắc chắn rằng, chính sách hiện tại mà chính quyền Tổng thống Biden áp dụng không hiệu quả trong việc tìm kiếm cam kết giải trừ kho hạt nhân của Triều Tiên. Ông Kim Jong-un sẽ không dễ dàng bỏ đi những gì mà cha và ông của mình đã nỗ lực trong nhiều thập kỷ để đạt được. Vì vậy, Mỹ cần hạ thấp kỳ vọng và bắt đầu với những bước tiến nhỏ để ngăn chặn quốc gia này tăng trưởng và hiện đại hóa hơn nữa kho vũ khí hạt nhân”, chuyên gia Joel Wit khuyến nghị.
Có thể bạn quan tâm