“Nhiều sản phẩm gắn mác thực phẩm chức năng nhưng sản xuất bằng “công nghệ xô, chậu” là chủ yếu. Tức là người ta mua vỏ viên nang về, trộn nguyên liệu, rồi đóng gói và đưa ra thị trường…”.
Đây là thông tin của PGS-TS Phạm Khánh Phong Lan, Giám đốc Sở An toàn thực phẩm TPHCM đưa ra trong một hội thảo mới đây khiến nhiều người không khỏi lo lắng, bất bình trước sự bát nháo của thị trường thực phẩm chức năng hiện nay.
Theo PGS-TS Phạm Khánh Phong Lan, Việt Nam đi sau thế giới về thực phẩm chức năng nhưng lại đi quá nhanh nên gặp nhiều vấn đề trong quá trình nhập khẩu, sản xuất, quảng cáo thực phẩm chức năng. Theo quy định, thực phẩm chức năng phải được sản xuất hoặc nhập khẩu trong dây chuyền đạt GMP (thực hành sản xuất tốt), nhưng vấn đề nan giải là có thực phẩm chức năng sản xuất bằng “công nghệ xô, chậu”, nghĩa là mua vỏ viên nang về, trộn nguyên liệu bỏ vào rồi đóng gói.
Hiện nay, không ai dám chắc tất cả các mặt hàng thực phẩm chức năng trên thị trường đều được sản xuất từ dây chuyền đạt chuẩn, thậm chí có cả sản phẩm giả, kém chất lượng len lỏi vào.
>>“Lỗ hổng” quản lý thị trường thực phẩm chức năng
Cũng theo thông tin từ Sở An toàn thực phẩm TP. Hồ Chí Minh, trong số 988 mẫu thực phẩm chức năng được kiểm nghiệm giai đoạn 2017-2023 đã phát hiện 113 mẫu (chiếm 11,4%) không đạt chỉ tiêu vi sinh, chỉ tiêu vitamin, chỉ tiêu định tính và định lượng. Nói một cách dễ hiểu, có 113 loại thực phẩm chức năng bị ăn bớt, cắt xén cả về chất lượng và trọng lượng nên không bảo đảm đủ tính năng, công dụng như nhà sản xuất, nhà kinh doanh công bố.
Có thể nói, việc sử dụng thực phẩm chức năng để ngăn ngừa bệnh tật đang là xu hướng khá phổ biến. Thế nhưng không phải ai cũng hiểu rõ bản chất, cách sử dụng và những rủi ro khi dùng sai cách. Người tiêu dùng hiện bị bủa vây bởi những lời có cánh của loại "thần dược" này.
Theo định nghĩa của Bộ Y tế, thực phẩm chức năng là những sản phẩm kết hợp giữa thực phẩm và các chất bổ sung như axit amin, enzyme, khoáng chất... nhằm thực hiện "chức năng" tăng cường sức khỏe. thực phẩm chức năng còn có nhiều tên gọi khác như thực phẩm bổ sung, thực phẩm bổ sung vi chất dinh dưỡng, sản phẩm dinh dưỡng y học. Tại Việt Nam, nhiều người chọn dùng thực phẩm chức năng vì tin rằng nó giúp phòng ngừa và điều trị bệnh, kể cả ung thư giai đoạn cuối. Trào lưu sử dụng thực phẩm chức năng chữa bệnh, làm đẹp... đang lan rộng trong cộng đồng.
Đáng nói, lợi dụng nhu cầu tiêu thụ thực phẩm chức năng của người dân, thời gian qua, nhiều doanh nghiệp, tổ chức, cá nhân đã sử dụng nhiều chiêu trò tinh vi để bán hàng. Trong đó báo động nhất là vấn nạn quảng cáo thực phẩm chức năng tràn lan trên các nền tảng mạng xã hội và trên nhiều phương tiện thông tin đại chúng. Trước thực trạng rất nhiều thực phẩm chức năng được khuếch trương có tác dụng mạnh hơn cả thuốc, chữa được bách bệnh, một chuyên gia y tế nổi tiếng từng thốt lên một cách mỉa mai: Nếu thực phẩm chức năng có công dụng siêu việt, siêu phàm như quảng cáo thì nên đóng cửa hết các cơ sở khám, chữa bệnh và giải tán đội ngũ y, bác sĩ!
>>Cơ quan quản lý “đau đầu” vì thực phẩm chức năng “giả”
Cần thẳng thắn nói rằng, tiếp tay cho sự loạn chuẩn của thực phẩm chức năng chính là sự loạn ngôn thổi phồng công dụng của không ít nghệ sĩ, người nổi tiếng, thậm chí có cả dược sĩ, bác sĩ, nhân viên y tế đã về hưu cũng tham gia thị trường béo bở này. Điều này có thể thấy rõ trong con số báo cáo của Cục An toàn thực phẩm (Bộ Y tế), chỉ tính hai năm gần đây (2022-2023), thanh tra Bộ này đã kiểm tra, xử phạt hành chính 68 cơ sở với số tiền 4,66 tỷ đồng. Trong đó vi phạm về quảng cáo không đúng sự thật chiếm tỷ lệ cao nhất.
Trở lại ý kiến của Bà Phạm Khánh Phong Lan trước thực trạng nhiều loại thực phẩm chức năng làm giả được buôn bán thông qua chợ thuốc tây, nhà thuốc, bán đa cấp khiến công tác quản lý khó càng thêm khó. Theo bà Lan, Những vấn đề về thực phẩm chức năng vẫn rất nhức nhối và còn nhiều việc phải làm. Bên cạnh tập huấn cho nhân viên các nhà thuốc để tư vấn cho người dân, cần đòi hỏi ý thức người hành nghề và sự kiểm tra chặt chẽ của cơ quan quản lý…
Nhưng suy cho cùng, trong khi những lời kêu gọi, tuyên truyền đề cao văn hóa, đạo đức kinh doanh chưa đủ sức lay động tâm can đối với các nhà sản xuất, kinh doanh thực phẩm chức năng và việc huy động, kết nối sức mạnh của các nhà quản lý chưa đủ sức ngăn chặn sự bát nháo của thị trường này thì việc chủ động tìm hiểu kỹ lưỡng, thận trọng để có cách tiêu dùng thông minh, biết sử dụng thực phẩm chức năng đúng lúc, đúng loại, đúng liều chính là bảo bối giúp người dân đỡ phải tốn tiền oan cho loại thực phẩm này.
Có thể bạn quan tâm
“Xảo trá” thị trường thực phẩm chức năng - Bài cuối: Dẹp “loạn” cách nào?
03:50, 28/07/2023
“Xảo trá” thị trường thực phẩm chức năng - Bài 5: “Trăm dâu đổ đầu”…người dại
03:30, 25/07/2023
“Xảo trá” thị trường thực phẩm chức năng - Bài 4: “Đăng ký một đằng, sản xuất một nẻo”
03:50, 24/07/2023
“Xảo trá” thị trường thực phẩm chức năng - Bài 3: Muôn chiêu lọc lừa
11:00, 22/07/2023
“Xảo trá” thị trường thực phẩm chức năng - Bài 2: Hoạt động đa cấp núp bóng “thần dược”
03:20, 21/07/2023
“Loạn” thực phẩm chức năng
03:30, 14/06/2023