Sự nổi tiếng có thể trở thành vũ khí tiếp thị, nhưng khi danh tiếng bị đặt nhầm chỗ, cái giá phải trả không chỉ là pháp lý mà còn là sự sụp đổ niềm tin…
Hoa hậu Nguyễn Thúc Thùy Tiên, người từng được công chúng yêu mến vì hình ảnh tích cực, truyền cảm hứng vừa bị khởi tố vì quảng bá sai sự thật một sản phẩm thực phẩm chức năng. Sự việc không chỉ gây chấn động giới giải trí, mà còn kéo theo nhiều vấn đề pháp lý và đạo đức cần được nhìn nhận thẳng thắn.
Không ít người vẫn tin rằng, người nổi tiếng chỉ đơn thuần “quảng bá hộ” cho sản phẩm, nên không chịu trách nhiệm khi sản phẩm có vấn đề. Nhưng trong thời đại mà mỗi lời nói, mỗi clip TikTok có thể tạo ra doanh thu hàng tỷ đồng, thì vai trò của họ không thể chỉ dừng lại ở chiếc "loa phát thanh". Họ chính là người dẫn dắt thị trường bằng niềm tin công chúng, một thứ tài sản vô hình nhưng đầy rủi ro khi đem ra trao đổi bằng hợp đồng thương mại.
Hoa hậu Nguyễn Thúc Thùy Tiên bị khởi tố không phải vì cô là hoa hậu, mà vì cô là “người quảng cáo”, người có phát ngôn công khai khẳng định sản phẩm kẹo Kera với những tác dụng thần kỳ, trong khi kết quả giám định cho thấy đó chỉ là lời thổi phồng. Những lời lẽ ấy xuất hiện trên nhiều nền tảng, được lặp đi lặp lại bằng hình ảnh của một người từng được công chúng tin tưởng, từng là biểu tượng của sự nỗ lực vươn lên.
Cái sai ở đây không chỉ là sự vi phạm Luật Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng, mà còn là việc sử dụng danh tiếng cá nhân để tạo ra hiệu ứng tâm lý “tiêu dùng cảm tính”, trong khi chính người nổi tiếng lại không có đủ chuyên môn hay kiểm chứng để bảo đảm điều họ nói là đúng. Đó là ranh giới nguy hiểm giữa truyền thông và đạo đức.
Vụ việc lần này có thể trở thành một “án lệ đạo đức” trong giới giải trí và ngành tiếp thị số. Hệ sinh thái tiếp thị bằng hình ảnh cá nhân, nơi người nổi tiếng được sử dụng làm kênh lan truyền thông điệp đã vận hành quá lâu trong một vùng xám: không ràng buộc trách nhiệm rõ ràng, thiếu cơ chế hậu kiểm minh bạch, và quan trọng nhất, chưa có một chuẩn mực đạo đức đủ nghiêm để làm hàng rào giới hạn.
Sự sụp đổ của một biểu tượng không chỉ là bi kịch cá nhân. Nó tạo ra hiệu ứng domino lên toàn thị trường: khách hàng mất niềm tin vào người nổi tiếng, người nổi tiếng quay sang đổ lỗi cho doanh nghiệp, còn doanh nghiệp lẩn tránh trách nhiệm sau các công ty quảng cáo hoặc các gương mặt thuê ngoài. Khi niềm tin bị dùng như một món hàng, mọi mối quan hệ trong chuỗi tiêu dùng đều có thể trở thành con dao hai lưỡi.
Chúng ta đã chứng kiến quá nhiều bài học, từ thực phẩm chức năng “đa công dụng”, mỹ phẩm “siêu trắng da”, đến thuốc giảm cân, kẹo ăn kiêng, thậm chí cả các thiết bị y tế được thổi phồng. Nhưng có vẻ chưa bài học nào đủ sức lay động toàn thị trường.
Lần này, một hoa hậu bị bắt và có thể phải đối diện với bản án không chỉ từ tòa án, mà từ cả dư luận.
Không ai sinh ra để trở thành nạn nhân hay tội phạm. Nhưng nếu người nổi tiếng tiếp tục thờ ơ với trách nhiệm xã hội, còn doanh nghiệp tiếp tục lách luật, che giấu sự thật, thì những “lời quảng cáo ngọt ngào” sẽ chỉ để lại sau cùng là vị đắng.
Một khi lòng tin bị đánh đổi để chạy theo lợi nhuận, ánh hào quang cũng sẽ không đủ sức che khuất những góc tối của sự thật.