CEO Facebook Mark Zuckerberg đã phá vỡ sự im lặng của mình về vụ bê bối xoay quanh việc Cambridge Analytica truy cập dữ liệu người dùng Facebook. Tuy nhiên, giới quan sát cho rằng, động thái này là không thỏa đáng
Theo các nhà lập pháp, nhà đầu tư và người dùng, việc ông Zuckerberg cam kết điều tra Cambridge Analytica có còn nắm giữ thông tin thu được từ một nhà phát triển ứng dụng trên nền tảng Facebook và mở rộng cuộc điều tra nhằm vào các nhà phát triển khác có thể đã vi phạm quy tắc Facebook là một bước đi đúng hướng. Tuy nhiên, từng đó là chưa đủ để chấm dứt sự chỉ trích của dư luận.
Các nhà lập pháp muốn Zuckerberg điều trần
"Từng đó là chưa đủ để giải quyết vụ việc", ông David Cicilline, dân biểu đảng Dân chủ bang Rhode Island, cho biết trong một bài đăng trên Facebook và đề nghị ông Mark Zuckerberg phải điều trần trước Quốc hội.
Các nhà lập pháp khác, bao gồm Thượng nghị sĩ Amy Klobuchar (đảng Dân chủ bang Minnesota), và Thượng nghị sĩ Richard Blumenthal (đảng Dân chủ của Connecticut), cũng có cùng quan điểm. "Thừa nhận lỗi lầm không phải là sự thay thế cho trả lời thành thật trước luật pháp”, ông Blumenthal nói và cho biết, Quốc hội đã thất bại trong việc buộc Facebook chịu trách nhiệm, và thất bại trong việc lập pháp hóa việc bảo vệ quyền riêng tư".
Được biết sáng ngày 21/3, tại Washington, các lãnh đạo Facebook đã có cuộc họp với Ủy ban Thương mại và Năng lượng Hạ viện Mỹ trong gần hai giờ. Theo đó, Ủy ban này cho biết Facebook đã thừa nhận công ty không biết những thông tin người dùng đã được phổ biến rộng rãi đến mức nào, hoặc có bao nhiêu bản sao được tạo ra.
Những hạn chế của Facebook
Các giải pháp của của Zuckerberg chủ yếu tập trung vào các nhà phát triển bên ngoài đã truy cập vào các dữ liệu của người dùng Facebook thông qua các công cụ đăng nhập. "Facebook không nhận ra rằng họ có vấn đề về hệ thống”, ông Brian Wieser, một nhà phân tích tại Pivotal Research, cho biết và nhấn mạnh rằng, đây chỉ là những vấn đề chúng ta biết đến, nhưng Facebook có những vấn đề đang diễn ra trong việc quản lý các bộ phận khác nhau trong doanh nghiệp của họ.
"Facebook đã đưa ra các bước để giải quyết các vấn đề của nhà phát triển ứng dụng trên nền tảng Facebook, nhưng để nhận được sự đánh giá cao từ công chúng và thị trường, Facebook cần phải tập trung hơn nữa về lý do tại sao vụ việc để lộ thông tin người dùng xảy ra ngay từ đầu”, ông James Cakmak, nhà phân tích của Monness Crespi Hardt, nói.
Có thể đã quá muộn...
CEO Zuckerberg đã chờ vài ngày để trả lời phỏng vấn của các cơ quan báo chí, ngay cả khi làn sóng giận dữ nổi lên. "Tất cả mọi người đều thất vọng vì ông ấy đã không ra mặt ngay lập tức”, ông Ivan Feinseth, Giám đốc đầu tư của Tigress Financial Partners cho biết.
Những thảo luận về vấn đề này, bao gồm một phong trào tẩy chay Facebook đang trở thành xu hướng trực tuyến. Và khi Zuckerberg lên tiếng, một số người dùng không cảm thấy được đảm bảo tính bảo mật thông tin cá nhân của mình.
"PR nhằm trấn an người dùng khi xảy ra bê bối đã trở thành một thói quen lặp đi lặp lại”, ông Sukvheer Singh, người dùng Facebook kể từ năm 2008, cho biết và nói: Tôi không nghĩ rằng tôi sẽ tin Facebook nữa, vì thế lời xin lỗi và cam kết của Zuckerberg là vô nghĩa.
Trong khi đó, ông Cameron Koo, người dùng Facebook từ năm 2004, cho rằng, việc điều tra sự lan rộng của thông tin là một hành động đúng, nhưng thật khó để công ty khắc phục những gì đã xảy ra. "Việc cấm các nhà phát triển thu thập thông tin dữ liệu cá nhân của người dùng nghe có vẻ hay, nhưng một khi thông tin rơi vào tay của những người không nên có chúng thì mọi thứ đã trở nên quá muộn”.