Bất động sản

"Lối mở" cho doanh nghiệp làm nhà ở xã hội

Diệu Hoa 03/08/2024 11:11

Luật Nhà ở 2023 có hiệu lực sớm từ ngày 1/8/2024 với thay đổi về chính sách phát triển nhà ở xã hội, doanh nghiệp kỳ vọng thủ tục đầu tư loại hình này sẽ được khơi thông.

Chủ đầu tư nhà ở xã hội không phải tự tính tiền sử dụng đất mới được miễn giảm như luật cũ. Ảnh: DH
Chủ đầu tư nhà ở xã hội không phải tự tính tiền sử dụng đất mới được miễn giảm như luật cũ. Ảnh: DH

Gỡ nút thắt tiền sử dụng đất

Trong đó, Điều 85 của Luật Nhà ở 2023 quy định, chủ đầu tư dự án đầu tư xây dựng nhà ở xã hội được miễn tiền sử dụng đất, tiền thuê đất đối với toàn bộ diện tích đất của dự án.

Chủ đầu tư không phải thực hiện thủ tục xác định giá đất, tính tiền sử dụng đất, tiền thuê đất được miễn và không phải thực hiện thủ tục đề nghị miễn tiền sử dụng đất, tiền thuê đất, như Luật Nhà ở 2014 quy định trước đó.

Đánh giá về những thay đổi trên, ông Vương Duy Dũng, Phó Cục trưởng Cục Quản lý Nhà và Thị trường bất động sản, Bộ Xây dựng cho biết, Luật Nhà ở 2023 đã có những quy định mới được sửa đổi và bổ sung về thủ tục trình tự triển khai nhà ở xã hội sẽ được rút gọn, tinh giản hơn. Quy định được hưởng chính sách nhà ở xã hội được đơn giản hoá hơn.

Theo ông Dũng, tất cả các thay đổi và bổ sung về khung pháp lý cho nhà ở xã hội sẽ tăng nguồn cung bất động sản và cơ cấu nhà ở xã hội.

Ở góc độ doanh nghiệp phát triển dự án nhà ở xã hội, ông Nguyễn Hoàng Nam, Tổng giám đốc G-Home cũng cho biết, trước khi ngày 1/8 các bộ luật có hiệu lực, các nghị định hướng dẫn về nhà ở xã hội đã có ngay trước đó. Đặc biệt, việc giải quyết được định khâu định giá đất giúp rút ngắn đáng kể quá trình phát triển nhà ở xã hội.

Bên cạnh đó, với quy định trước đây, có một nghịch lý là người đủ điều kiện mua nhà ở xã hội lại không đủ tiền, trong khi người trung lưu không đủ tiền mua nhà ở thương mại thì không đáp ứng điều kiện mua nhà ở xã hội. Cùng với đó là những quy định chồng chéo, phức tạp về vấn đề hộ gia đình – hộ khẩu.

Việc cởi trói điều kiện yêu cầu cá nhân mua (vợ/chồng) trở nên hợp lý hơn khi bổ sung việc chính thức tính tổng thu nhập 2 vợ chồng không quá 30 triệu đồng/tháng đã tháo gỡ rất lớn cho người dân, cho thấy Bộ Xây dựng và Chính phủ đã lắng nghe các ý kiến chuyên gia.

Với sự cởi trói mạnh mẽ về luật, Tổng giám đốc G-Home mong chờ thông tư mới ra đời sẽ giúp tháo gỡ toàn bộ khó khăn để các chủ đầu tư yên tâm làm nhà ở xã hội.

Nguồn cung sẽ dồi dào

Cũng theo các chuyên gia, với những điểm nghẽn được tháo gỡ, nguồn cung nhà ở xã hội trong thời gian tới sẽ tăng. Sự dồi dào nguồn cung nhà ở xã hội đóng vai trò quan trọng trong việc giải bài toán nhà ở thu nhập nhấp của người dân, đặc biệt là người dân tại các đô thị lớn. Nhờ đó, giá căn hộ chung cư cũng sẽ hạ nhiệt nhờ sự đối trọng của phân khúc nhà ở xã hội. Thị trường bất động sản cũng sẽ trở nên lành mạnh hơn.

Nguồn cung dồi dào sẽ giải quyết được bài toán nhà ở cho người dân.
Nguồn cung dồi dào sẽ giải quyết được nhu cầu nhà ở ngày càng tăng của người dân.

Riêng tại Hà Nội, theo ông Nguyễn Anh Quê - Chủ tịch G6 Group cho biết dự kiến có 200 dự án nhà ở xã hội, trong đó có 14 dự án nhà ở xã hội tập trung ở Đông Anh, Gia Lâm, Thanh Trì, Quốc Oai… với hơn 300.000 căn hộ dự kiến sẽ được thực hiện.

Bên cạnh đó, 3 loại quỹ đất hình thành nhà ở xã hội cũng mở ra thêm nhiều cơ hội cho phân khúc này.

Thứ nhất là đến từ các chủ đầu tư gom đất ruộng để xây nhà ở xã hội và đang có khoảng vài chục dự án đang trong giai đoạn đã được chấp thuận chủ đầu tư.

Thứ hai là đến từ quỹ đất trước đây phải dùng 20% quỹ đất trả cho thành phố để tạo nhà ở tái định cư và từ năm 2019 chuyển sang nhà ở xã hội.

Thứ ba là đến từ 20% quỹ đất để tạo nhà ở thương mại, hiện Hà Nội cũng có hàng chục dự án.

Ông Nguyễn Anh Quê dự báo, từ cuối năm 2025, quỹ nhà ở xã hội bắt đầu tăng với khoảng 4.000 căn trải dài các quận. Năm 2027-2029, quỹ căn nhà ở xã hội và nhà ở thương mại phải lên tới ít nhất hơn 300.000 căn.

"Như vậy, sau 1/8 khi các các luật thực thi gỡ vướng thủ tục cho chủ đầu tư về nhà ở xã hội, thị trường chung cư sẽ hạ nhiệt", ông Quê nói.

Đồng quan điểm, ông Nguyễn Thế Điệp - Ủy viên Ban chấp hành Hiệp hội Bất động sản Việt Nam cũng nhận định, thời gian tới, phân khúc nhà ở xã hội có thể sẽ bứt phá mạnh về nguồn cung khi các quy định mới cho phép dự án được triển khai thuận lợi hơn, nhanh hơn.

Ông Điệp cũng cho biết, các luật mới có hiệu lực sẽ phần nào tháo gỡ những nút thắt lâu nay trong quá trình triển khai dự án, từ đó giải phóng nguồn cung, giúp giảm giá nhà, ổn định thị trường. Dự báo, nguồn cung nhà ở xã hội sẽ cải thiện từ năm 2025 và giai đoạn 2026-2027 sẽ "bùng nổ" nguồn cung.

(0) Bình luận
Nổi bật
Mới nhất
"Lối mở" cho doanh nghiệp làm nhà ở xã hội
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO