Lợi nhuận của DCM sẽ phục hồi trong năm 2024-2028 nhờ nguồn cung thiếu hụt do Trung Quốc cấm xuất khẩu Ure, khiến giá phân bón tăng cao và doanh nghiệp cũng đã hết khấu hao nhà máy Ure từ 2024.
>>>Sau đề xuất “sốc” của EVN, cổ phiếu DPM và DCM ra sao?
Theo Chứng khoán Bảo Việt (BVSC), doanh thu thuần trong 6 tháng đầu năm 2023 của Công ty CP Phân bón Dầu khí Cà Mau (HoSE: DCM) đạt 6.026 tỷ đồng, giảm 26% so với cùng kỳ năm trước, do giá bán các sản phẩm chủ lực giảm mạnh. Ước tính doanh thu sản xuất phân bón giảm hơn 30% so với cùng kỳ, trong khi, doanh thu bán hàng hóa lại tăng nhẹ 5%.
Đối với mảng phân bón, giá bán trung bình của Ure và NPK Phú Mỹ lần lượt giảm 36% so với cùng kỳ và 18% so với cùng kỳ trong 6 tháng đầu năm 2023. Tuy nhiên, sản lượng phân bón Ure và NPK đều tăng hơn gấp đôi trong quý II nhờ vụ mùa gieo trồng mới bắt đầu từ quý II và tình hình kinh tế của các hộ nông dân thuận lợi phục vụ cho việc nhập hàng.
Chi phí hoạt động giảm 36% so với cùng kỳ, nhờ chi phí trích quỹ phát triển khoa học công nghệ (thuộc hạng mục chi phí quản lý doanh nghiệp) giảm từ 300 tỷ xuống còn 18 tỷ đồng, các chi phí có tỷ trọng lớn khác như chi phí nhân công, vận chuyển/bốc xếp, quảng cáo/truyền thông lần lượt tăng 35%; 41% và 138%. Lợi nhuận của DCM trong 6 tháng đầu năm 2023 chỉ đạt 290 tỷ đồng, giảm 71,5% so với cùng kỳ năm trước.
Nợ vay của DCM đến cuối quý II/2023 đạt 305 tỷ đồng, chủ yếu đến từ khoản nợ vay ngắn hạn. Tỷ lệ đòn bẩy D/E xấp xỉ 2,8%, ở mức thấp nhất so với các doanh nghiệp cùng ngành. Trong khi đó, tỷ lệ tiền mặt cao chiếm 67% tổng tài sản, đạt gần 10.512 tỷ đồng.
Ngoài ra, BVSC đánh giá khả năng thanh toán của DCM ở mức tốt với chỉ số thanh toán hiện hành chỉ ở mức 3,5 lần và chỉ số chi trả lãi vay (EBITDA/(Lãi vay+Nợ ngắn hạn)) ở mức khoảng 11,3 lần. Cả 2 chỉ số này đều có xu hướng cải thiện qua các năm.
Theo BVSC, rủi ro chiếm dụng vốn của DCM ở mức thấp do khách hàng chủ yếu là hộ nông dân và đại lý quy mô nhỏ. So với các doanh nghiệp phân bón, DCM có số ngày phải thu thấp nhất ngành, chỉ dao động bình quân 1-2 ngày, điều này thể hiện dòng tiền từ hoạt động kinh doanh của DCM tốt và sức mạnh mặc cả với khách hàng khá cao.
BVSC dự phóng doanh thu thuần cả năm 2023 của DCM đạt 12.698 tỷ đồng, giảm hơn 20,2% so với mức nền cao của năm 2022. Trong đó, mảng phân bón ước tính giảm 23% do giá bán giảm mạnh hơn 30% so với cùng kỳ năm trước.
Trong năm 2023, BVSC ước tính sản lượng tiêu thụ Ure đạt 882 nghìn tấn, tăng 11% so với cùng kỳ nhờ giá Ure hạ nhiệt, thúc đẩy nhu cầu tiêu thụ nội địa, với giả định giá phân Ure về mức 10.000 đồng/kg.
Bước sang năm 2024, BVSC ước tính sản lượng tiêu thụ sẽ tăng nhẹ 2% và giá bán ở mức 10.300 đồng/kg, tăng 3% so với cùng kỳ, nhờ giá nông sản tăng cao thúc đẩy nhu cầu tiêu thụ phân bón và hỗ trợ giá bán.
Cũng theo BVSC, trước năm 2022, DCM nhập 90% khí đầu vào từ PVN và 10% còn lại là từ Petronas – giá khí cao hơn so với giá khí từ PVN. Từ năm 2022, lượng khí PVN khai thác bắt đầu giảm nên DCM phải mua thêm khí từ Petronas, dẫn đến giá khí năm 2022 sau khi quyết toán với PVN là 9,7 USD/mmBTU, qua đó chúng tôi ước tính tỷ lệ mua ngoài từ Petronas chiếm 15% trong cơ cấu nguồn tiêu thụ khí của nhà máy Đạm Cà Mau.
Bước sang 2023, phần khí phân bổ cho DCM được đề xuất dựa trên tỷ trọng linh hoạt giữa 2 nguồn khí PVN Việt Nam và Petronas (Malaysia) theo tỷ trọng tiêu thụ thực tế hàng tháng. Ban lãnh đạo cho biết trong kịch bản xấu nhất thì DCM phải mua 50% khí từ Petronas, công ty tạm thời ghi nhận chi phí khí đầu vào là 9,8 USD/mmbtu, tăng 2% so với giá khí năm ngoái.
“Như vậy, nếu lượng khí thực tế mua từ Petronas thấp hơn 50%, DCM sẽ có thể hoàn nhập một phần chi phí khí đầu vào vào thời điểm cuối năm sau khi quyết toán với PVN. Chúng tôi cho rằng, tỷ lệ mua ngoài của Petronas chiếm 50% trong tổng nguồn tiêu thụ khí là kịch bản tương đối thận trọng với DCM”, BVSC đánh giá.
Công ty Chứng khoán này cũng nhận định, lợi nhuận của DCM đã tạo đáy trong 2023 do giá phân bón đã giảm mạnh -36% và khấu hao gần 900 tỷ đồng nhà máy Ure trong 2023. Bước sang giai đoạn 2024 - 2028, lợi nhuận DCM phục hồi nhờ: giá phân bón phục hồi, động lực thúc đẩy đến từ giá nông sản neo mức cao sẽ kích thích nhu cầu sử dụng phân bón trong 2024; và hết khấu hao nhà máy Ure từ 2024, giảm trung bình xấp xỉ 1.000 tỷ đồng chi phí trong mỗi năm.
Trên thị trường, cổ phiếu DCM chốt phiên giao dịch cuối tuần trước (15/9) đạt thị giá 33.750 đồng/cổ phiếu, tăng 25% so với hồi đầu năm. BVSC đưa ra giá mục tiêu của DCM là 40.500 đồng/cổ phiếu theo kịch bản cơ sở, với giá khí xấp xỉ 8,7 USD/mmbtu trong 2024.
Ngoài ra, giới đầu tư cũng kỳ vọng, việc thiếu hụt nguồn cung thế giới, khi mới đây, Trung Quốc đã có lệnh cấm xuất khẩu phân Ure do lo ngại trước diễn biến thị trường lương thực toàn cầu khi Ấn Độ và UAE đã ban hành lệnh cấm xuất khẩu gạo, khiến giá gạo thế giới tăng cao. Đây sẽ là cơ hội cho các doanh nghiệp trong ngành phân bón Việt Nam, trong đó có DCM tiến ra thị trường thế giới để hưởng lợi về giá.
Có thể bạn quan tâm