"Lối thoát" nào cho "Dự án treo" di dời ga đường sắt Đà Nẵng?

TUẤN VỸ 15/07/2022 02:00

Sau gần 20 năm không triển khai, dự án di dời ga đường sắt Đà Nẵng được thống nhất điều chỉnh quy hoạch tại khu vực mới, địa điểm cũ sẽ phát triển thương mại, dịch vụ.

>>Hệ lụy từ dự án treo Đà Nẵng (Bài 1): Nhiều thiệt thòi cho dân

Theo chủ trương của TP Đà Nẵng, dự án di dời ga đường sắt và tái phát triển đô thị là một trong số những dự án quan trọng về phát triển cơ sở hạ tầng, kinh tế - xã hội và quốc phòng - an ninh của địa phương. Tuy nhiên, do vướng mắc về kinh phí cho nên hiện tại dự án này vẫn chưa triển khai được.

Sau gần 20 năm “treo”, dự án này đã khiến người dân tại quận Liên Chiểu gặp nhiều khó khăn, trong đó trọng điểm là phường Hòa Khánh Nam. Rất nhiều quyền lợi của người dân không thể thực hiện được trên chính thửa đất của mình như xây, sửa nhà cửa, vay vốn ngân hàng,... vì đang trong vùng trong quy hoạch. 

Bà Lê Kim Anh (đại biểu HĐND quận Liên Chiểu) cho hay ngày vào năm 2004, UBND TP Đà Nẵng đã phê duyệt mặt bằng quy hoạch ga đường sắt mới. Đến năm 2013, địa phương tiếp tục phê duyệt điều chỉnh sơ đồ ranh giới quy hoạch sử dụng đất dự án ga đường sắt mới.

Sau gần 20 năm phê duyệt chủ trương, dự án di dời ga đường sắt Đà Nẵng vẫn chưa được triển khai.

Sau gần 20 năm phê duyệt chủ trương, dự án di dời ga đường sắt Đà Nẵng vẫn chưa được triển khai.

“Theo đồ án quy hoạch chung TP Đà Nẵng được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt tại Quyết định số 359/QĐ-TTg ngày 15/3/2021 về việc phê duyệt điều chỉnh quy hoạch chung TP Đà Nẵng đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045 thì ga đường sắt dự kiến di dời về phía Tây TP Đà Nẵng. Vì vậy, khi nào TP Đà Nẵng sẽ làm thủ tục hủy quy hoạch, hủy dự án ga đường sắt tại quận Liên Chiểu?”, bà Kim Anh thắc mắc.

Ngoài ra, bà Kim Anh còn đặt câu hỏi đối với khu vực quy hoạch ga đường sắt cũ, bao giờ sẽ được đầu tư chỉnh trang đô thị, xử lý bãi rác cũ quanh khu vực để xây dựng khu đô thị sinh thái? Hiện tại, chưa có bất kỳ văn bản của cấp thẩm quyền nói về việc sẽ hủy bỏ dự án này tại vùng quy hoạch treo.

“Nguyện vọng của người dân trong vùng dự án là mong muốn thành phố xem xét về quy hoạch, có hướng giải quyết vấn đề an sinh cho dân, nhất là các nhu cầu giấy tờ pháp lý về đất đai, nhà cửa, đường xá, môi trường, xử lý nước thải,…”, bà Lê Kim Anh nói thêm.

Theo ông Phạm Phú Phong, Giám đốc Sở Xây dựng Đà Nẵng, đồ án điều chỉnh quy hoạch chung TP Đà Nẵng đến năm 2030, tầm nhìn 2045 được Thủ tướng phê duyệt thì ga đường sắt mới được di chuyển lên khu vực huyện Hòa Vang (Bà Nà – Suối  Mơ). Trong đó, vị trí đã quy hoạch ga đường sắt tại quận Liên Chiểu được định hướng sẽ trở thành trung tâm thương mại dịch vụ lớn của quận Liên Chiểu gắn liền tuyến giao thông huyết mạch nối dài đường Vành đai phía Tây 2.

Việc dự án treo suốt một thời gian dài ảnh hưởng tiêu cực đến đời sống người dân tại khu vực.

Việc dự án treo suốt một thời gian dài ảnh hưởng tiêu cực đến đời sống người dân tại khu vực.

“Hiện một số nhà đầu tư quan tâm đến tái thiết khu vực này. UBND thành phố đã giao triển khai phân khu này trên tinh thần tiếp nhận đề xuất tái thiết khu vực quy hoạch thành trung tâm kinh tế hiện đại, kết nối hạ tầng giao thông. Dự kiến đồ án phân khu này sẽ được phê duyệt vào cuối năm 2022. Sau khi có phê duyệt quy hoạch phân khu sẽ làm cơ sở để đề xuất triển khai dự án. Quyền lợi của người dân trong khu vực dự án như cấp phép xây dựng, tách thửa sẽ được đảm bảo”, ông Phùng Phú Phong nói.

Cũng theo Giám đốc Sở Xây dựng Đà Nẵng, hiện tại địa phương đang tập trung vào một số dự án lớn để có tính chất lan tỏa, tạo động lực để phát triển kinh tế. Vấn đề rà soát ga đường sắt sẽ có kết quả khi quy hoạch phân khu được phê duyệt vào cuối năm 2022.

Ông Lương Nguyễn Minh Triết, Chủ tịch HĐND TP Đà Nẵng nhìn nhận việc dự án kéo dài tác động lớn đến người dân sống trong vùng quy hoạch. Vì vậy, ông Triết cho rằng cần làm rõ vai trò, trách nhiệm của đơn vị quy hoạch, tổ chức triển khai quy hoạch,...

“Với các dự án khác, về nguyên tắc nếu sau 3 năm không triển khai thì phải hủy quy hoạch hoặc phải thông báo điều chỉnh quy hoạch. Nhưng dự án ga đường sắt đã gần 20 năm mà vẫn không làm, người dân có nhu cầu xây dựng, mở rộng nơi ở thì bị xử lý, cán bộ quản lý không tốt cũng bị xử lý”, ông Triết nhấn mạnh.

Được biết, dự án di dời ga Đà Nẵng có kế hoạch xây dựng từ năm 2004, được chia thành 2 tiểu dự án gồm Tiểu dự án 1, kinh phí dự kiến 10.236 tỷ đồng và tiểu dự án 2 khoảng 2.400 tỷ đồng. Dự án nhằm giải quyết nút thắt và áp lực về giao thông, bởi ga đường sắt Đà Nẵng nằm giữa lòng đô thị.

Có thể bạn quan tâm

  • Kinh tế Đà Nẵng phục hồi nhưng chưa đồng đều

    Kinh tế Đà Nẵng phục hồi nhưng chưa đồng đều

    10:50, 12/07/2022

  • Đà Nẵng có gì để mời chào “đại bàng”?

    Đà Nẵng có gì để mời chào “đại bàng”?

    00:08, 09/07/2022

  • Đà Nẵng chú trọng đầu tư hạ tầng logictics

    Đà Nẵng chú trọng đầu tư hạ tầng logictics

    18:00, 30/06/2022

(0) Bình luận
Nổi bật
Mới nhất
"Lối thoát" nào cho "Dự án treo" di dời ga đường sắt Đà Nẵng?
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO