So với Bình Thuận và Ninh Thuận, nơi đang tập trung nhiều dự án năng lượng tái tạo, giới đầu tư đánh giá Long An không thua kém về lợi thế tự nhiên và vị trí địa lý...
Điện mặt trời 1 năm nhìn lại
Theo báo cáo từ Bộ Công Thương, Quyết định 11/2017/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ về cơ chế khuyến khích phát triển các dự án điện Mặt Trời tại Việt Nam và Thông tư số 16/2017 TT-BCT của Bộ Công Thương quy định về phát triển dự án và hợp đồng mua bán điện mẫu đã thực hiện được 1 năm.
Nhìn lại 1 năm qua tính đến tháng 8/2018, các trang trại điện mặt trời đã có 100 dự án được bổ sung vào quy hoạch điện cấp tỉnh/quốc gia.
Tổng công suất đăng ký là 4,7GW vào năm 2020 và 1.770MW sau năm 2020; có 58 dự án đã được phê duyệt bởi Cục Điện lực và Năng lượng tái tạo về thiết kế cơ sở; 9 dự án đã ký được Hợp đồng mua bán điện.
Ngoài ra, các dự án trên mái nhà tính đến cuối tháng 7/2018, đã có 748 dự án mái nhà với tổng công suất là 11,55MWp.
Có thể bạn quan tâm
08:35, 20/09/2018
09:22, 20/09/2018
16:36, 17/09/2018
06:51, 09/06/2018
05:42, 06/06/2018
11:11, 10/05/2018
Đại diện Cục Điện lực và Năng lượng tái tạo - Bộ Công Thương cũng cho biết dự kiến, sau tháng 6/2019, Bộ Công Thương sẽ có giá bán điện mặt trời mới cho các dự án điện mặt trời áp dụng sau tháng 6/2019.
Đồng thời, Bộ sẽ kiến nghị để có sự chỉnh sửa Quyết định 11 để giải quyết các vấn đề liên quan đến thuế cho các dự án trên mái nhà, cũng như cơ chế đấu thầu riêng cho các dự án Mặt Trời, hợp đồng mua bán điện trực tiếp.
Long An có gì?
Ở góc độ đầu tư các dự án điện mặt trời, các địa phương có lợi thế cũng đang vào cuộc khá quyết liệt và sẵn sàng cho giai đoạn được áp dụng kinh doanh điện với các quy định mới.
Long An trong trung tuần tháng 9 đã động thổ dự án điện mặt trời đầu tiên với sự tham dự của Phó Thủ tướng Trương Hòa Bình, đánh dấu sự tham dự của Long An vào bản đồ đầu tư điện mặt trời với lợi thế xuất khẩu điện tại chỗ cho địa phương và các tỉnh khu vực phía Nam.
Có khá nhiều nguyên do để Long An tham dự vào cuộc đua này. Ở góc độ nhà đầu tư đang có tới 3 dự án điện mặt trời sẽ tập trung trên địa bàn tỉnh, ông Nguyễn Hồ Nam, Chủ tịch CTCP Bamboo Capital (BCG) phân tích: "Long An là địa phương có vị trí thuận lợi, nằm trong vùng kinh tế trọng điểm phía Nam, giáp ranh với thành phố Hồ Chí Minh, là cửa ngõ đi về các tỉnh miền Tây Nam bộ. Cùng với đó, điều kiện tự nhiên cũng rất thuận lợi cho phát triển nông nghiệp và công nghiệp. Thời gian quan, tỉnh đã nỗ lực thực hiện nhiều giải pháp để phát huy tiềm năng, lợi thế, phát triển kinh tế và đã đạt được nhiều kết quả khả quan. Chỉ tính riêng năm 2017, GRDP ước đạt hơn 70.000 tỷ đồng, tốc độ tăng trưởng đạt 9,53%. Đáng chú ý là phát triển công nghiệp của tỉnh đạt kết quả khá nổi bật, chỉ số phát triển công nghiệp (IPP) năm 2017 tăng 16,2% so cùng kỳ; giá trị sản xuất công nghiệp đạt 182.800 tỷ đồng, tăng 16,8% so với cùng kỳ. Toàn tỉnh hiện có 16 khu công nghiệp và 17 cụm công nghiệp đang hoạt động với tỷ lệ lấp đầy đạt 80,6%".
Cũng theo ông Nam, cơ cấu kinh tế của tỉnh Long An đang chuyển dịch theo hướng công nghiệp hóa nhưng chưa hiện đại hóa, chưa theo hướng “xanh hóa”, các ngành sản xuất trên địa bàn tỉnh tiêu tốn năng lượng. Và đây chính là cơ hội của các nhà đầu tư có thể nắm bắt và khai thác sâu lợi thế, nhu cầu để trước hết cung ứng nhu cầu năng lượng cho phát triển kinh tế, xã hội, doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh.
Ở góc độ địa phương, Chủ tịch UBND tỉnh Trần Văn Cần mong muốn Nhà máy điện năng lượng mặt trời BCG Băng Dương đi vào hoạt động sẽ đáp ứng về điện năng và thúc đẩy chủ trương phát triển nguồn năng lượng sạch của Việt Nam nói chung, Long An nói riêng. Nhà máy sẽ góp phần tăng thêm nguồn điện cho mạng lưới điện Quốc gia, xúc tiến nền kinh tế xã hội của tỉnh thông qua việc trực tiếp phục vụ cho các khu công nghiệp tại địa phương và xây dựng nên một hình ảnh phát triển mới cho tỉnh Long An – thành phố “xanh” của tương lai.
Đại diện địa phương cũng chia sẻ, nhu cầu tiêu thụ điện năng trên địa bàn đang gia tăng đáng kể, gây nên sự chênh lệch rất lớn giữa về mức độ của cung và cầu về sản lượng điện. Việc ra đời của nhà máy năng lượng mặt trời tại địa phương sẽ phần nào giải quyết được bài toán về việc cung cấp điện của tỉnh Long An. Ngoài ra, đáp ứng được nhu cầu quy hoạch phát triển điện của tỉnh Long An, đồng thời phù hợp với tiến trình phát triển năng lượng tái tạo của Việt Nam
"Phát triển cơ cấu hạ tầng đồng bộ, gắn với cải thiện môi trường kinh doanh, môi trường đầu tư, nâng cao năng lực cạnh tranh, tạo dựng hệ sinh thái khởi nghiệp, quảng bá hình ảnh để thu hút đầu tư. Ngoài ra, việc đưa nhà máy đi vào vận hành sẽ giúp tăng nguồn thu nhân sách cho tỉnh và tạo cơ hội việc làm để người dân có cuộc sống ổn định và phát triển hơn", Lãnh đạo UBND tỉnh kỳ vọng.
Với lợi thế về vị trí địa lý, nhìn xa hơn, giới chuyên môn cũng đặt kỳ vọng cao rằng Long An có cơ sở "xuất khẩu tại chỗ" năng lượng tái tạo ngay nội vùng kinh tế Đông Nam Bộ và Tây Nam Bộ, khi Long An vừa thuộc vùng kinh tế trọng điểm phía Nam, lại có giao thông và giao thương gắn kết với các tỉnh vùng Tây Nam Bộ - cả 2 khu vực có cộng đồng doanh nghiệp phát triển, dân cư đông, nhu cầu sử dụng điện mặt trời đang lớn.
Từ nhà máy điện mặt trời đầu tiên 42 triệu USD, ông Nguyễn Hồ Nam cho biết, BCG đặt mục tiêu trở thành một trong những công ty phát triển năng lượng sạch tại Việt Nam với tổng công suất khai thác 2GW trong 10 năm tới. Nhà máy điện mặt trời 40MW là nhà máy thử nghiệm đầu tiên cũng như sẽ trở thành tiền đề phát triển cho các dự án năng lượng mặt trời khác trong tương lai. "Sắp tới, BCG sẽ tiến hành xây dựng và đưa vào hoạt động những nhà máy với công suất lớn hơn, công nghệ tiên tiến và hiện đại hơn. Chúng tôi đặt mục tiêu và mong muốn có thể góp phần giúp Long An trở thành một thành phố “xanh” trong tương lai" đúng như Chủ tịch UBND Tỉnh đã đặt ra", ông Nam nói.